Chuyên gia nhận định: Lương tăng không tác động nhiều đến giá hàng hóa

Tổng số tiền tăng lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội khoảng 16.000 tỷ đồng trong 6 tháng cuối năm 2024. Tương đương mỗi tháng có gần 3.000 tỷ đồng từ tăng lương. Số lương tăng này không quá lớn nên sẽ không tác động quá nhiều đến giá hàng hóa tiêu dùng.

Lương cơ bản tăng nhưng tổng thu nhập không thay đổi

Lương hưu, lương cơ sở đã tăng từ ngày 1/7, còn lương tối thiểu vùng dự kiến tăng vào nửa cuối năm nay. Cùng với niềm vui tăng lương, đa phần công nhân, người lao động thấp còn lo giá hàng hóa “té nước theo mưa” mà tăng cao. Lương không bù nổi phần tăng của giá cả hàng hóa.

Chính phủ quyết định tăng lương tối thiểu vùng thêm 6%, tương đương khoảng 200 - 300 nghìn đồng/tháng, tùy vùng. Tăng lương tối thiểu vùng dù không tác động mạnh tới bức tranh tiền lương của công nhân, lao động nhưng cơ bản làm tăng nền tiền lương đóng BHXH của người lao động. Điều này sẽ khiến cho tiền lương hưu của lao động sau này tăng theo.

tang-luong-1720162869.jpg
Công nhân, người lao động lo lương tăng, giá hàng hóa cũng tăng theo

Chị Nguyễn Thị Minh - công nhân tại Khu công nghiệp Thăng Long (Hà Nội) bộc bạch, nghe tin Chính phủ tăng lương, chị rất vui dù thực tế số tiền tăng cũng không nhiều. Bởi lương cơ bản của công nhân như chị hiện đã cao hơn mức lương tối thiểu vùng mà Chính phủ quy định.

Định kỳ hàng năm, công ty chị còn thực hiện tăng lương vào quý I. Mức tiền lương cơ bản của công nhân ở công ty chị vào khoảng 5 - 6 triệu đồng (tùy trình độ và thâm niên). Ngoài lương cơ bản còn có các khoản tiền phụ cấp, tăng ca.

Anh Lê Duy Nam cũng làm công nhân cùng khu công nghiệp với chị Minh. Anh cho biết, mỗi lần Chính phủ tăng lương, thực tế mức nhận của anh cũng như các đồng nghiệp hầu như không có gì thay đổi. Bởi lương tăng nhưng tổng thu nhập không đổi, đôi khi các khoản phụ cấp còn bị cắt hoặc giảm hơn so với trước. Điều anh lo nhất chính là lương tăng giá cả tăng theo.

Anh Nam chia sẻ, tiền lương của anh hiện là 5,6 triệu đồng/tháng, thêm phụ cấp xăng xe, ăn trưa, chuyên cần thì được khoảng 800 nghìn đồng nữa. Nếu anh tăng ca liên tục mỗi ngày 1 tiếng, cuối tháng nhận thêm khoảng 1,5 triệu đồng. Tổng thu nhập của anh rơi vào khoảng gần 8 triệu đồng/tháng, tăng ca nhiều hơn thì được khoảng 9 - 10 triệu đồng/tháng.

Anh Nam bảo, tiền lương thấp, vợ chồng anh nuôi 2 con nhỏ nên cuộc sống rất khó khăn. Giờ lương tăng 1 đồng mà giá hàng hóa tăng 2 - 3 đồng thì cũng không vui vẻ gì, nhất là khi lương tăng nhưng thực chất thu nhập của tôi cũng không tăng, mà chỉ tăng phần tiền đóng BHXH.

Lương tăng không tác động nhiều đến giá hàng hóa

Trong hội thảo diễn biến thị trường, giá cả ở Việt Nam năm 2024 diễn ra ngày 3/7 mới đây, tiến sĩ Nguyễn Đức Độ - Phó viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính, Học viện Tài chính cũng cho biết, Việt Nam có hơn 50 triệu lao động. Nhưng tỷ trọng người lao động khu vực công (được tăng lương cơ sở) chỉ chiếm khoảng 8%. Do vậy, ông nhận định phần lương tăng thêm tác động lên mặt bằng giá cả không đáng kể.

Tiến sĩ Nguyễn Đức Độ dự báo, áp lực lạm phát năm 2024 không quá lớn. Nửa cuối năm 2024, không có nhiều yếu tố gây tăng giá đột biến. Vì vậy, lạm phát trung bình cả năm 2024 quanh mức 3,2 - 3,6%.

tang-luong-1-1720162869.jpg
Nhiều chuyên gia nhận định lương tăng không tác động nhiều đến giá cả hàng hóa từ giờ đến cuối năm

Trong khi đó, tiến sĩ Nguyễn Ngọc Tuyến - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính nhận định, tâm lý từ trước tới nay mỗi khi lương tăng, giá hàng hóa lập tức tăng theo. Tuy nhiên, lần này, Chính phủ tăng 30% lương cơ sở cho lao động trong lĩnh vực công, tăng 15% lương hưu và dự kiến tăng lương tối thiểu 6%.

Như vậy, tổng số tiền tăng lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội khoảng 16.000 tỷ đồng trong 6 tháng cuối năm 2024. Tương đương mỗi tháng có gần 3.000 tỷ đồng từ tăng lương. Số lương tăng này không quá lớn nên sẽ không tác động quá nhiều đến giá hàng hóa tiêu dùng.

Để ngăn việc giá hàng hoá tăng theo lương, cơ quan chức năng cần phối hợp nhiều giải pháp. Trong đó, Chính phủ chỉ đạo kiểm soát giá nhằm tránh tăng giá bất hợp lý. Các bộ ngành, địa phương trong lĩnh vực quản lý sản xuất dồi dào, lưu thông thuận lợi và cung ứng hàng hoá đầy đủ.

Theo Cục Quản lý giá Bộ Tài chính, lạm phát của Việt Nam hiện được kiểm soát ở mức phù hợp để hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế. Giá các mặt hàng Nhà nước định giá cơ bản được giữ ổn định. Với những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như lương thực, thực phẩm (chiếm tỷ lệ lớn trong tính chỉ số giá tiêu dùng - CPI), giá cả tương đối ổn định. Những mặt hàng này có chỉ số sản xuất tăng trưởng khá cao, nguồn cung dồi dào đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Cục Quản lý giá cũng đã yêu cầu các địa phương tăng cường giám sát thực hiện biện pháp về kê khai giá, niêm yết giá, công khai thông tin giá. Cơ quan chức năng tổ chức thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, kịp thời phát hiện chấn chỉnh khắc phục những bất cập, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá.