Chuyện thật như đùa, khách phải bán hàng giúp vì chủ gánh hàng rong "bận ngủ”

Bà Cương bộc bạch, có lần buồn ngủ quá, bà nhờ khách quen trông giúp 2 - 3 tiếng để tranh thủ ngả lưng ở thềm công viên cạnh chỗ bán. Nhiều khách đến mua bánh tráng cũng đã quen với cảnh này, họ tự lấy hàng rồi để lại tiền.

Nhờ khách quen trông hàng giúp 2 - 3 tiếng để... “chợp mắt”

Chị Lê Thùy Linh (quận 5, TP. HCM) sau khi ăn tối xong cùng vài đồng nghiệp thì cả nhóm lại kéo đến một hàng bánh tráng trộn trên đường Lê Thánh Tôn (quận 1). Chị biết đến gánh hàng rong này qua clip trên mạng về người chủ thỉnh thoảng lại ngủ quên trong lúc đang bán hàng.

Chị Linh bảo, từ khi xem được đoạn clip trên, thi thoảng nhóm của chị đến ủng hộ. Dù thi thoảng đến, nhưng cũng đã có 1 lần chị bắt gặp chủ gánh hàng đi qua một chỗ ngủ, còn khách hàng thì tất bận bán giúp.

ban-hang-ngu-gat-1723351700.jpg
Bà Cương bên gánh hàng rong của mình (Ảnh: Ngọc Ngân/VnEpress)

Chủ của gánh hàng rong này là bà Cương, quê Bình Định. 24 năm trước, bà Cương rời quê vào TP. HCM mưu sinh. Bà thuê trọ phường Cầu Ông Lãnh. Khoảng 11h hàng ngày, bà gánh bánh tráng đi bán dạo quanh quận 1. Tới khoảng 20h, bà mới ngồi cố định tại đường Lê Thánh Tôn. Bà bán đến khoảng 1h sáng thì dọn hàng. Về tới phòng trọ, bà ngủ được tầm 3 tiếng rồi dậy đi mua nguyên liệu sơ chế để chuẩn bị cho một ngày bán mới.

Bà Cương chia sẻ, dậy sớm ngủ muộn khiến bà luôn trọng tình trạng bị thiếu ngủ. Trước đây, bà vẫn chịu đựng được. Nhưng tầm 4 năm nay, sức khỏe yếu đi nên bà thường ngủ quên, nhất là sau 23h.

Một số khách mua quen thấy vậy thì thông cảm, tự lấy nguyên liệu để trộn theo ý thích. Bánh tráng có giá 20.000 - 30.000 đồng/phần. Khách ăn xong thì tự bỏ tiền vào rổ. Bà Cương bộc bạch, bà cũng thấy ngại khi để khách phải tự làm như thế nhưng buồn ngủ quá, không thức nổi. Có lần, buồn ngủ quá, bà nhờ khách quen trông giúp 2 - 3 tiếng để tranh thủ ngả lưng ở thềm công viên cạnh chỗ bán.

Thấy bà ngủ quên, một số khách đã quay lại rồi chia sẻ lên mạng xã hội khiến nhiều người tìm đến gánh hàng rong của bà Cương. Bà bảo, vì những video này mà 2 năm nay, bà trở thành người nổi tiếng bất đắc dĩ.

Do ngủ quên, bà Cương cũng thỉnh thoảng bị mất rổ trứng hoặc phông bánh pía. Tuy nhiên, bà cho hay số bị mất này không đáng kể, bởi đa số khách tới ăn đều để lại tiền, một số còn gửi dư so với món hàng họ mua.

Nổi tiếng bất đắc dĩ vì... ngủ gật

Cũng nổi tiếng bất đắc dĩ như bà Cương qua các clip ngủ gật khi đang bán hàng là bà Lê Thị Cúc. Gánh hàng rong với món bánh tráng trộn của bà Cúc là hình ảnh quen thuộc nhiều năm qua tại ngã tư đường Nguyễn Đình Chiểu và đường Cao Thắng (quận 3 ở TP. HCM).

ban-hang-ngu-gat-1-1723351701.jpg
Bà Cúc bống nổi tiếng vì ngủ gật trong lúc bán hàng (Ảnh: Nguyễn Vy/Dân trí)

Trong một lần đi chơi về khuya, anh Đặng Bảo Trí thấy đói bụng nên đã ghé vào hàng bánh tráng trộn của bà Cúc. Bảo làm cho một suất bánh tráng 25.000 đồng mang về, anh Trí thấy lạ khi không thấy người bán phản hồi. Nhìn kỹ, anh Trí phát hiện bà Cúc mắt nhắm lại, đầu thỉnh thoảng gật gù. Tưởng người bán có vấn đề về sức khỏe, anh vội lay gọi. Lúc này, bà Cúc mới bừng tỉnh và cho biết chỉ ngủ gật vì mệt.

Sau đó, bà Cúc vừa xé bánh tráng, trộn nhân cho khách trong trạng thái tiếp tục ngủ gật khiến tốc độ làm khá chậm. Biết người bán mệt mỏi, nên anh Trí vẫn kiên nhẫn ngồi đợi. Anh lặng lẽ lấy điện thoại quay lại khoảnh khắc này rồi chia sẻ lên trang cá nhân để làm kỷ niệm.

Chỉ sau một đêm, đoạn video ngắn của anh Trí thu hút hơn 2,2 triệu lượt xem với hàng nghìn bình luận khiến anh rất bất ngờ. Trong đó, rất nhiều người bày tỏ sự đồng cảm với những vất vả của người bán hàng và hỏi anh địa chỉ để tới ủng hộ.

Bà Cúc chia sẻ, sau khi đoạn clip bà bán hàng trong lúc ngủ gật được đăng tải lên mạng, đã có nhiều người đến mua ủng hộ. Mỗi ngày, bà bán hàng từ 15h đến 1h hôm sau. Có những hôm hàng ế, bà phải bán lâu hơn, lúc nào hết bánh tráng thì mới về nhà trọ. Loay hoay đến 3h sáng mới ngủ, nhưng 7h, bà đã lật đật dậy để ra chợ mua nguyên liệu chuẩn bị bán hàng.

Bà Cúc bộc bạch, cuộc sống như vậy bà đã quen rồi. Đã cao tuổi, nhưng bà không lập gia đình. Tiền kiếm được mỗi ngày, bà lại dành dụm gửi về quê nuôi cha mẹ già.