Bất động sản nghỉ dưỡng sắp được “đánh thức” nhờ du lịch phục hồi

Sau khoảng thời gian "ngủ đông", ông Nguyễn Anh Quê - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn G6 nhận định, ngành du lịch phục hồi sẽ “đánh thức” bất động sản nghỉ dưỡng.

Từ năm 2019, bất động sản nghỉ dưỡng bắt đầu có xu hướng chững lại. Thị trường hầu như không có giao dịch do khủng hoảng pháp lý, nhiều dự án "vỡ trận" cam kết lợi nhuận với khách hàng.

Đặc biệt, thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, các hoạt động du lịch ngưng trệ, từ đó đến nay, nhà đầu tư phân khúc này rơi cảnh nợ nần, thậm chí mất hết vốn.

Thống kê của DKRA (tập đoàn dịch vụ bất động sản) cho thấy, trên toàn quốc, hai tháng đầu năm nay chỉ có 1 dự án nghỉ dưỡng mở bán 14 căn hộ nhưng thuộc giai đoạn tiếp theo.

Hiện các "thủ phủ" du lịch miền duyên hải cả nước tồn kho hàng chục nghìn căn shophouse (nhà phố thương mại), biệt thự nghỉ dưỡng. Từ đầu năm 2023, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng gần như rơi vào trạng thái ngủ đông.

DKRA ước tính, cả năm 2023 lượng tiêu thụ chỉ tương đương 10% so với năm trước đó và cũng là mức thấp nhất kể từ năm 2014. Nhiều chủ đầu tư tung loạt chính sách kích cầu như chiết khấu thanh toán sớm, hỗ trợ lãi suất, cam kết thuê lại nhưng không mang lại hiệu quả.

tayaa-1712394439.jpg
Phân khúc bất động sản này có thể khai thác, tạo ra dòng tiền từ kinh doanh như khách sạn, nhà hàng.

Ông Nguyễn Anh Quê - Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn G6 nhận định, ngành du lịch phục hồi sẽ “đánh thức” bất động sản nghỉ dưỡng sau thời gian dài “ngủ đông”.

Chủ tịch Tập đoàn G6 dẫn chứng, phân khúc bất động sản này có thể khai thác, tạo ra dòng tiền từ kinh doanh như khách sạn, nhà hàng… tại đây đang có những bước chuyển tích cực. Du khách quốc tế đã hồi phục, khách nội địa cũng được cải thiện, cùng với việc năm nay Phú Quốc sẽ khánh thành cảng nước sâu thì “đảo Ngọc” không chỉ có cơ hội đón khách chủ lực qua đường hàng không, mà còn mở rộng sang đường biển. Qua đó có thể đón được nhiều hơn du khách đến từ châu Âu, Mỹ, châu Phi và Ấn Độ.

Vài năm qua, Phú Quốc tích cực xúc tiến đầu tư du lịch tới các nền kinh tế như Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Ấn Độ… để mở thêm thị trường mới. Đồng thời, nối lại các thị trường quen thuộc như Nga, châu Âu, Trung Quốc...  Đối với thị trường trong nước, Phú Quốc cũng đang nỗ lực tạo dựng lại các hình ảnh đẹp thông qua việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng (y tế, môi trường, giao thông…) và tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ du lịch như các hội chợ, chương trình lớn.

Chủ tịch G6 nhấn mạnh, khi ngành du lịch hồi phục, phân khúc khách sạn, nhà hàng… sẽ được hưởng lợi trước tiên, sau đó đến shophouse và condotel (căn hộ khách sạn) bởi đây là các phân khúc có suất đầu tư lớn và chỉ thực sự bật dậy khi du lịch đã “nở hoa”.

Theo các chuyên gia, với sự hỗ trợ từ nhu cầu du lịch tăng cao và sự quan tâm của nhà đầu tư, thị trường bất động sản du lịch nghỉ dưỡng vẫn có nhiều tiềm năng phát triển trong tương lai. Tuy nhiên, để phát triển bền vững, các chủ đầu tư cần chú trọng việc quy hoạch và phát triển dự án hướng tới bảo vệ cảnh quan tự nhiên.

Bên cạnh đó, cần nỗ lực để thích nghi với các xu hướng mới, đem tới những trải nghiệm mới, những sản phẩm tiếp cận với nhu cầu thực tế của khách hàng. Đồng thời, cần đa dạng hóa sản phẩm để đáp ứng nhu cầu của các loại khách hàng khác nhau, từ biệt thự biển sang trọng đến căn hộ nghỉ dưỡng tiện ích.

t6a666-1712394439.jpeg
Theo ông Bùi Quý Trung - Tổng giám đốc Công ty Bất động sản Flamingo để phát triển hiệu quả, bất động sản nghỉ dưỡng cần có sự tham gia của nhiều lĩnh vực như quản lý khách sạn, quy hoạch, kiến trúc, cảnh quan...

Về phía doanh nghiệp, ông Bùi Quý Trung - Tổng giám đốc Công ty Bất động sản Flamingo nhận định, giai đoạn khó khăn nhất của thị trường bất động sản đã qua đi. Tuy nhiên, bất động sản nghỉ dưỡng là phân khúc kén khách mua hơn rất nhiều. Vì vậy, thị trường sẽ cần phải thêm thời gian chờ đợi.

Ông Trung cho rằng, để phát triển hiệu quả, bất động sản nghỉ dưỡng cần có sự tham gia của nhiều lĩnh vực như quản lý khách sạn, quy hoạch, kiến trúc, cảnh quan, du lịch, công nghệ xanh không phát thải, chăm sóc khách hàng… Vì vậy, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng muốn phá "băng" thì toàn bộ quy trình nêu trên đều cần được phát triển đồng bộ và cần thời gian chứ không thể một sớm một chiều mà thực hiện được.

Tổng giám đốc Công ty Bất động sản Flamingo kỳ vọng thời gian tới bất động sản nghỉ dưỡng sẽ được hưởng lợi từ các dự án hạ tầng giao thông mở rộng khắp cả nước gồm đường cao tốc, đường vành đai và các dự án cầu lớn.

Ngoài ra, ngành du lịch dự báo cũng phục hồi nhờ chính sách nới lỏng visa tiếp tục phát huy tác dụng, chính sách giảm thuế 2% và nhiều chương trình xúc tiến hỗ trợ, triển lãm du lịch được tổ chức. 

Ông Trung nhấn mạnh, các yếu tố đó sẽ là động lực để chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ, "bơm" nguồn cung vào thị trường, giỏ hàng nguồn cung bất động sản nghỉ dưỡng sẽ có cơ hội được cải thiện so với năm 2023.