Cơ hội lớn để doanh nghiệp Việt bứt tốc trong lĩnh vực camera an ninh

Chuyên gia nhận định, tổng dung lượng thị trường camera Việt có thể đạt 100-150 triệu camera/năm, trong khi chúng ta mới chỉ đang có khoảng 10-15 triệu camera. Đây là cơ hội lớn để cho các doanh nghiêp Việt bứt phá và giành lấy thị phần.

Thông tin được chia sẻ tại buổi tọa đàm “Tiêu chuẩn an toàn thông tin mạng cơ bản cho camera giám sát”, được Cục An toàn Thông tin (Bộ TT&TT) tổ chức. Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia, đại diện các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đã có những khái quát về tình hình thị trường camera giám sát (camera an ninh) tại Việt Nam cũng như những ưu thế, hạn chế còn tồn tại, đồng thời vạch ra những phương hướng cần triển khai để thúc đẩy thị trường trong thời gian tới.

toa-dam-tieu-chuan-an-toan-thong-tin-mang-co-ban-cho-camera-giam-sat-1716433821.jpg

Toàn cảnh buổi Tọa đàm “Tiêu chuẩn an toàn thông tin mạng cơ bản cho camera giám sát” diễn ra tại Hà Nội 

Đại diện cho công ty cổ phần công nghệ Pavana – chuyên nghiên cứu và phát triển, sản xuất các thiết bị camera thông minh, ông Nguyễn Trung Kiên – Tổng Giám đốc công ty cho biết, tổng hợp từ nhiều nguồn, ước tính trong năm 2023, thị trường camera Việt Nam đang đạt khoảng 175 triệu USD doanh thu. Tuy nhiên, chỉ tính 2 thương hiệu lớn nhất của Trung Quốc trong lĩnh vực là Dahua, KikVision cùng các công ty con đã chiếm xấp xỉ 90% thị phần. Số 10% còn lại chia đều cho các thương hiệu Việt và các công ty nhỏ lẻ của các nước khác. Các sản phẩm này đang được bán rộng rãi trên các sàn thương mại điện tử.

thi-truong-camera-giam-sat-1716433959.png

Thị trường camera giám sát Việt đang có tới 90% thị phần nằm trong tay các công ty lớn của Trung Quốc như Dahua, KikVision.

Trong số đó, có 48% doanh thu và 60% số lượng sản phẩm lưu hành đang tập trung vào nhóm camera gia đình. Giá trung bình của mỗi sản phẩm camera an ninh cho gia đình đang rơi vào khoảng từ 200 nghìn đồng đến dưới 1 triệu đồng. Đáng lưu ý, việc sản phẩm được bán trôi nổi, trực tuyến có thể tiềm ẩn những nguy cơ về quyền riêng tư và an toàn thông tin người dùng.

Cũng theo ông Nguyễn Trung Kiên, thị trường camera Việt Nam hiện đang tăng trưởng rất nhanh, tốc độ trung bình khoảng 13-14%/năm. Camera gia đình đang có mức tăng nhanh nhất, đạt 17%/năm.

Nghịch lý so với thị trường thế giới, hiện đang có tới 70% camera giám sát dành cho các doanh nghiệp và cơ quan chính phủ thì tại Việt Nam, con số 50% dành cho mục đích giám sát tại các hộ gia đình. Điều đó cho thấy, thị trường camera an ninh Việt vẫn đang còn rất tiềm năng. Đặc biệt là thị trường camera dành cho các doanh nghiệp, tổ chức và chính phủ.

Ông Nguyễn Trung Kiên nhận định: Tổng dung lượng thị trường camera Việt có thể đạt 100-150 triệu camera/năm, trong khi chúng ta mới chỉ đang có khoảng 10-15 triệu camera. Đây là cơ hội lớn để cho các doanh nghiêp Việt bứt phá và giành lấy thị phần.

Hiện nay, năng lực sản xuất của các nhà máy tại Việt Nam ước tính đạt từ 2-2,5 triệu camera/năm. Việc nâng gấp đôi, gấp ba công suất không phải là điểm khó đối với các doanh nghiệp trong nước.

Bên cạnh việc giành lại thị trường từ tay các đối thủ nước ngoài, các chuyên gia cũng nhấn mạnh ý nghĩa của việc sản xuất những chiếc camera an ninh "make in Việt Nam" nhằm đảm bảo an toàn, an ninh, quyền riêng tư của người Việt.

Hiện nay, Bộ TT&TT cũng đã ban hành bộ tiêu chí về yêu cầu an toàn thông tin mạng cơ bản cho camera giám sát. Điều này không chỉ giúp các doanh nghiệp, tổ chức, cơ quan nhà nước và người dân có thể lựa chọn được sản phẩm đảm bảo an toàn, an ninh cho mình mà còn giúp các đơn vị sản xuất camera an ninh trong nước có được “thước đo” cụ thể để cạnh tranh với những sản phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc trên thị trường.

Dự kiến trong năm nay, Bộ sẽ tiếp tục ban hành "Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về yêu cầu an toàn thông tin mạng cơ bản cho camera giám sát", đồng thời hướng dẫn các tổ chức, doanh nghiệp thuộc phạm vi điều chỉnh của quy chuẩn tiến hành đánh giá và công bố hợp quy cho các thiết bị theo quy định.

Theo ông Nguyễn Đức Quý, Tổng Giám đốc Vconnex thì việc trong hơn 10 triệu camera đang hoạt động hiện nay có tới 90% nguồn gốc xuất xứ và kết nối ra nước ngoài đang đặt ra nhiều rủi ro về an toàn dữ liệu và thông tin cho người Việt. Đó cũng là nguyên nhân vì sao, trong bộ Tiêu chí vừa ban hành vừa qua của Bộ TT&TT đã đề cập đến việc phải các doanh nghiệp phải đặt máy chủ ở Việt Nam và được quản lý, giám sát từ cơ quan chức năng trong nước.

"Để giải quyết triệt để và tận gốc, chúng ta cần làm chủ từ phần cứng cho đến nền tảng. Từ đó, đặt ra yêu cầu cần có bộ quy chuẩn cho các nền tảng quản lý mở này và các chính sách hỗ trợ đủ mạnh để các doanh nghiệp Make in Việt Nam có thể tồn tại trong nước, trước khi tính đến chuyện vươn ra biển lớn", ông Nguyễn Quý Đức nhấn mạnh.

Dưới góc độ an ninh mạng, ông Vũ Ngọc Sơn, Trưởng ban Công nghệ, Hiệp hội an ninh mạng quốc gia cũng cho biết, có thể xem camera giám sát như máy tính, thậm chí là máy tính đặc biệt vì có thể nghe, nhìn, suy nghĩ (nếu tích hợp AI), phát hiện vật thể, không gian mà nó quan sát. Đặc biệt, camera an ninh không bao giờ tắt, luôn online 24/24, ít được vá lỗi, gần như không được cập nhật bản vá, phần mềm diệt virus. Do đó, nếu bị tấn công sẽ không có ai bảo vệ. Ông Vũ Ngọc Sơn hi vọng bộ tiêu chí của Bộ TT&TT ban hành sẽ là khởi đầu cho nhiều tiêu chuẩn tiếp theo.

pavana-1716434106.jpg

Thị trường camera giám sát Việt đang rất tiềm năng, là cơ hội dành cho các doanh nghiệp trong nước "đi cùng nhau" và phát triển.

Ông Nguyễn Tuấn Anh – Chủ tịch HĐQT công ty Lumi Viêt Nam cũng cho rằng, camera an ninh là điều đầu tiên mà các gia đình Việt lựa chọn khi nghĩ đến smarthome. Tiềm năng to lớn trở thành động lực để các doanh nghiệp Việt nỗ lực sớm giành lấy thị trường.

Bà Vũ Nguyệt Lan – Giám đốc công nghệ công ty MK Vision chia sẻ, các doanh nghiệp trong nước có thể “đi cùng nhau” để phát triển camera an ninh “make in Việt Nam” để cạnh tranh với các đối thủ từ bên ngoài. “Việc áp dụng camera vào nhà thông minh, thành phố thông minh là tương lai gần, có thể nhìn thấy lộ trình, không còn mông lung mỗi bên đi vào một hướng”, bà Lan cho rằng, Bộ tiêu chí chung sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển của thị trường camera an ninh Việt thời gian tới.