Huawei tập trung vào số hóa, AI để lấy lại vị thế ở châu Á-Thái Bình Dương

Theo Phó Chủ tịch Huawei Mạnh Vãn Chu, nhà sản xuất thiết bị viễn thông hàng đầu của Trung Quốc đang để mắt tới các cơ hội về kỹ thuật số và trí tuệ nhân tạo (AI) ở châu Á-Thái Bình Dương nhằm lấy lại vị thế trong khu vực.

Bà Mạnh cho biết, các mô hình nền tảng AI hiện nay được đào tạo dựa trên dữ liệu toàn cầu nhưng vẫn còn khoảng cách lớn giữa các quốc gia và khu vực khác nhau khi nói đến khả năng tiếp cận và ứng dụng. Những khoảng trống này sẽ không tự đóng lại. Vì vậy, chúng ta cần phải làm việc cùng nhau để kết nối chúng.

Bà Mạnh Vãn Chu, Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc tài chính của Huawei, đồng thời là “công chúa cả” của người sáng lập công ty Nhậm Chính Phi. Bà này cho biết Huawei sẽ tiếp tục hợp tác với các đối tác trong lĩnh vực 5G, điện toán đám mây và năng lượng kỹ thuật số tiên tiến để giảm mức tiêu thụ năng lượng, cũng như tham gia vào lĩnh vực kỹ thuật số và AI, các sáng kiến chuyển đổi trên khắp khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

huawei-1714473748.jpg
Huawei đang tập trung đầu tư vào AI, chuyển đổi số để lấy lại vị thế tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Trước đó, “công chúa Huawei” được truyền thông quốc tế đặc biệt chú ý khi các lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm hạn chế sự phát triển của công ty công nghệ Trung Quốc bắt đầu bùng nổ từ năm 2018. Bà Mạnh đã bị bắt, sau đó bị quản thúc tại gia gần 3 năm ở Canada. Bà này trở về Trung Quốc vào năm 2021 và nhanh chóng đảm nhiệm trở lại các chức vụ quan trọng, bao gồm vị trí Chủ tịch luân phiên, củng cố vai trò người thừa kế hàng đầu của mình tại Tập đoàn công nghệ này.

Tại một sự kiện của Huawei ở Thượng Hải vào tháng 9 năm ngoái, bà Mạnh cho biết Huawei sẽ thực hiện chiến lược “trí thông minh” mới để biến mình thành nhà cung cấp sức mạnh tính toán chính nhằm hỗ trợ ngành công nghiệp AI của Trung Quốc.

Tại sự kiện mới tổ chức ở Bangkok vừa qua, "công chúa Huawei" cũng chia sẻ mong muốn thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi của tất cả các ngành công nghiệp: “Chúng tôi muốn làm cho mọi thứ có thể kết nối được, mọi ứng dụng đều có thể mô hình hóa và mọi quyết định đều có thể tính toán được”.

manh-van-chu-1714473646.jpg
Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc tài chính Huawei Mạnh Vãn Chu.

Cam kết của Huawei đối với thị trường châu Á-Thái Bình Dương được đưa ra sau nhiều năm doanh thu sụt giảm trong khu vực, nguyên nhân là do việc công ty có trụ sở tại Thâm Quyến này được đưa vào "danh sách đen" thương mại của Mỹ từ năm 2019.

Các hạn chế về công nghệ do Mỹ dẫn đầu đối với Huawei ngày càng gia tăng sau năm 2020, khi hãng này mất quyền tiếp cận các sản phẩm bán dẫn tiên tiến được phát triển hoặc sản xuất bằng công nghệ của Mỹ, đã làm tê liệt hoạt động kinh doanh điện thoại thông minh sinh lợi một thời của công ty. Trước đó, chỉ tính riêng lĩnh vực này, Hawei thậm chí đã vượt qua Samsung Electronics và “lăm le” soán vị trí dẫn đầu của Apple về doanh số bán ra trên toàn cầu.

Huawei hiện đang đa dạng hóa nguồn doanh thu của mình bằng cách đầu tư vào các lĩnh vực mới như hệ thống ô tô thông minh cũng như cung cấp các giải pháp kỹ thuật số và AI cho các ngành và doanh nghiệp khác nhau.

Huawei cho biết doanh thu của họ ở châu Á-Thái Bình Dương đã giảm 14,6% trong năm 2023 xuống còn 41 tỷ nhân dân tệ (5,6 tỷ USD), bất chấp sự tăng trưởng liên tục trong các hoạt động kinh doanh năng lượng kỹ thuật số và điện toán đám mây. Khu vực này chỉ chiếm 6% tổng doanh thu của Huawei vào năm 2023, so với 67% của thị trường Trung Quốc.

Công ty đã mở rộng sự hiện diện của mình ở châu Á-Thái Bình Dương trong những năm gần đây. Vào năm 2022, họ đã triển khai hoạt động kinh doanh đám mây mới ở Indonesia và năm ngoái đã tăng cường mối quan hệ với Telkomsel, một nhà khai thác mạng viễn thông lớn ở địa phương, trong lĩnh vực ứng dụng 5G.