Công nghệ AI mang tính đột phá nhưng chưa thể thay thế con người

Vừa qua, Glints và Quỹ đầu tư Monk’s Hill Ventures (MHV) đã phát hành báo cáo Nhân tài khởi nghiệp Đông Nam Á năm 2024, trong đó cung cấp những phân tích chuyên sâu về xu hướng tuyển dụng, dữ liệu lương và nguồn nhân lực khởi nghiệp.

Đối tượng khảo sát lần này tập trung vào các nhà sáng lập, các start-up ở Singapore, Việt Nam, Indonesia và Đài Loan. Nội dung đặc biệt chú trọng đến tác động của trí tuệ nhân tạo (AI) trong việc xây dựng và mở rộng đội ngũ cho các công ty start-up gồm xu hướng lương cho nhân sự vận hành AI và quá trình định hình thị trường nhân sự trong khu vực.

Báo cáo cho thấy, năm 2023 mức lương từ các doanh nghiệp start-up giảm nhiệt, mảng nhân sự bị sụt giảm nhiều nhất với tỉ lệ 6% là những kỹ sư ít kinh nghiệm. Tại Việt Nam, lập trình viên Back-end là đối tượng bị sụt giảm nhiều nhất với tỉ lệ giảm là 8,2%. Những vị trí thuộc mảng marketing và thương hiệu được đánh giá là nhóm ngành có mặt bằng lương bị sụt giảm nhiều nhất, cụ thể là 12,5% (Product marketing) và 8,8% (Brand marketing). Tuy nhiên, một số vị trí vẫn có mức tăng trưởng so với cùng kỳ năm ngoái như Lập trình viên Full Stack, Kỹ sư dữ liệu. Nguyên nhân được đưa ra tập trung vào việc dư thừa nhân sự cũng như làn sóng tái cơ cấu bộ máy của các doanh nghiệp trước những biến động của nền kinh tế thế giới.

bao-cao-ai-1710145788.png
Tác động của AI lên nguồn nhân lực (Ảnh minh họa)

Thực tế cho thấy, mặc dù đứng trước bối cảnh khó khăn chung bắt buộc phải cắt giảm nhân sự, giảm lương nhưng nhu cầu tuyển dụng nhân sự công nghệ vẫn ở mức cao trên khắp các thị trường, trong đó, chủ yếu là các vị trí trung và cao cấp. Việc ứng dụng AI vào hệ thống nhằm tăng hiệu quả, tự động hóa những tác vụ văn phòng, chăm sóc khách hàng, tinh gọn quy trình được các start-up tại khu vực Đông Nam Á đặc biệt chú trọng. Khi AI trở nên phổ biến, các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo càng coi trọng các kỹ năng mềm như tư duy sáng tạo, phản biện….

Như đã thấy, AI được thiết kế để thay thế lao động thủ công nhằm thực hiện công việc nhanh, hiệu quả hơn nhưng AI chưa thể thay thế con người.

Thứ nhất, AI thiếu trí tuệ cảm xúc. Đây là một trong những yếu tố khác biệt của AI với con người. AI có thể cố gắng bắt chước trí thông minh nhưng trí tuệ cảm xúc thì không thể. Bởi lẽ, con người có sự đồng cảm, hiểu biết, trải nghiệm, sự đau khổ và AI đơn giản là không cảm thấy đau. Mặc dù, AI có thể được lập trình để phản ứng tốt với con người nhưng chưa chắc con người đã phát triển mối liên hệ cảm xúc mạnh mẽ với những cỗ máy AI. Hơn nữa, trong kinh doanh việc kết nối cảm xúc với khách hàng, đối tác là điều rất quan trọng.

ai-2-1710145689.webp
AI được thiết kế nhằm thực hiện công việc nhanh, hiệu quả hơn nhưng AI chưa thể thay thế con người

Thứ hai, AI chỉ hoạt động dựa trên những dữ liệu mà nó nhận được. Bởi vậy, nếu dữ liệu được nhập vào không bao gồm lĩnh vực mới cần tìm hiểu thì thì bộ máy AI đó sẽ trở nên vô dụng. Bộ não của con người để phân tích, ứng biến, sáng tạo, điều động và thu thập thông tin không thể dễ dàng bị AI sao chép.

Thứ ba, việc sáng tạo của AI bị giới hạn đối với những dữ liệu mà AI nhận được. AI không thể nghĩ ra những cách thức hoặc mô hình làm việc mới mà sẽ hoạt động trong phạm vi nhất định đã được lập trình.

Thứ tư, AI không thể phát triển kỹ năng mềm. Để phát triển được những kỹ năng này đòi hỏi AI cần có mức độ lý luận và trí tuệ cảm xúc cao hơn.

Thứ năm, AI là do con người tạo ra từ viết các dòng mã, nhập dữ liệu đầu vào…

Thực tế cho thấy, sự phát triển của AI đã mang lại cả cơ hội và thách thức không chỉ đối với các công ty khởi nghiệp. Cách sử dụng và điều chỉnh AI được đánh giá là đóng vai trò quyết định trong việc định hình chiến lược phát triển của doanh nghiệp. Trong tương lai, AI vẫn là một công cụ đắc lực hỗ trợ con người trong hoạt động kinh doanh và đời sống.