Công nghệ mới có thể sản xuất kim cương nhân tạo từ hoa mẫu đơn đỏ

Các nhà khoa học ở Trung Quốc tuyên bố sử dụng công nghệ chiết xuất carbon sinh học và một quy trình chế tạo phức tạp, khắt khe đã tạo ra một viên kim cương được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm, bằng cách sử dụng các nguyên tố carbon có nguồn gốc từ hoa mẫu đơn đỏ.

Viên kim cương được ra mắt hôm thứ Tư vừa qua tại thành phố Lạc Dương, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc bởi Luoyang Time Promise Co - một công ty chuyên về kim cương nhân tạo của nước này. Đây là viên kim cương nhân tạo đầu tiên trên thế giới được chế tạo từ nguyên tố carbon có nguồn gốc từ hoa mẫu đơn.

kim-cuong-nhan-tao-1713662646.jpg

Viên kim cương nhân tạo có nguồn gốc từ hoa mẫu đơn đỏ, nặng tới 3 carat, được chế tạo theo một công nghệ đặc biệt.

Viên kim cương nặng tới 3 carat, có nguồn gốc từ hoa mẫu đơn đỏ từ Vườn hoa Quốc gia ở Lạc Dương và đã được tặng cho Vườn Hoa mẫu đơn Quốc gia Lạc Dương.

Trước đó, từ đầu tháng 3 năm nay, vườn hoa mẫu đơn đã hợp tác với công ty và sử dụng một cây mẫu đơn gần 50 năm tuổi để thực hiện việc tạo kim cương thông qua một quy trình phức tạp.

kim-cuong-nhan-tao-1713662753.jpg

Các nhà khoa học đã chiết xuất carbon sinh học từ hoa mẫu đơn đỏ - "vua của các loài hoa" tại Trung Quốc.

“Viên kim cương trị giá 300.000 nhân dân tệ. Nó được làm từ hoa mẫu đơn bằng công nghệ chiết xuất carbon sinh học của chúng tôi, chịu nhiệt độ và áp suất cao, sau đó được chế tạo”, Wang Jing, Giám đốc điều hành của Luoyang Time Promise Co cho biết.

kim-cuong-nhan-tao-1713662727.jpg

Mặc dù công nghệ được sử dụng để biến các nguyên tố cacbon có nguồn gốc từ hoa mẫu đơn thành kim cương là khá phức tạp, công ty Trung Quốc cũng tiết lộ rằng các nguyên tố cacbon từ nhiều nguồn khác nhau (tóc, xương và thậm chí cả hoa) cũng có thể được chiết xuất theo một phương pháp đặc biệt khi sử dụng một thiết bị chuyên phá vỡ liên kết hóa học giữa các nguyên tử cacbon được chiết xuất. Sau đó, các nhà khoa học sé sử dụng những nguyên tố đó để kết hợp lại thành cấu trúc kim cương và viên kim cương thực sự được hình thành.

kim-cuong-nhan-tao-1713662884.jpg

Quy trình đặc biệt giúp chiết xuất carbon từ các nguồn phổ thông và phá vỡ liên kết thông thường của nó, khiến nó có các đặc tính của kim cương.

Theo Hiệp hội Đá quý Quốc tế, kim cương được tại ra trong phòng thí nghiệm có các đặc tính quang học, vật lý và hóa học giống như kim cương tự nhiên nhưng có giá cả phải chăng hơn và nguồn cung ứng có đạo đức hơn. Kim cương nhân tạo được sản xuất lần đầu tiên bởi General Electric (GE) vào những năm 1950.

Công nghệ chiết xuất carbon sinh học và tạo ra kim cương như kể trên đang đem đến niềm hi vọng mới cho ngành công nghiệp đá quý toàn cầu thời gian tới.

Mặc dù chúng là những viên kim cương thật được tạo ra bởi các nhà khoa học, được tái tạo trong các điều kiện tương tự như tự nhiên, nhưng những viên kim cương nhân tạo được làm ra trong phòng thí nghiệm tương đối rẻ hơn và chỉ mất vài tháng để hình thành thay vì hàng triệu năm như kim cương tự nhiên.

Hiện, viên kim cương nhân tạo lớn nhất thế giới có trọng lượng nặng 155 carats (1 carat = 0,2gram), được chế tạo bởi các nhà khoa học thuộc Trường đại học Tổng hợp Augsburg (UNA) ở CHLB Đức, nặng hơn khá nhiều so với viên kim cương tự nhiên lớn nhất thế giới "Koh-i-Noor" (Núi ánh sáng", cũng là viên đá quý lớn nhất gắn trên vương miện của Nữ hoàng Anh Elizabeth II) có trọng lượng nặng 105 carats.