Meey Group vừa được vinh danh ở 2 giải thưởng uy tín là Dot Property Vietnam Awards 2024 (hạng mục Đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực bất động sản tốt nhất) và TOP Công nghiệp 4.0 Việt Nam (hạng mục Doanh nghiệp có sản phẩm số thông minh và giải pháp công nghệ công nghiệp 4.0; Doanh nghiệp KH-CN và đổi mới sáng tạo). Phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Mai Chung, Chủ tịch HĐQT Meey Group ngay sau sự kiện này.
Là một lãnh đạo doanh nghiệp tiên phong chuyển đổi số bất động sản, xin ông chia sẻ cảm xúc của mình khi Meey Group vừa được vinh danh tại 2 lễ trao giải danh giá, nhất là trong bối cảnh ngành bất động sản vừa trải qua giai đoạn vô cùng khó khăn?
Ông Hoàng Mai Chung: Meey Group đã trải qua chặng đường 5 năm hình thành và phát triển. Giải thưởng này không chỉ là sự công nhận cho những nỗ lực không ngừng nghỉ của cả tập thể doanh nghiệp, mà còn minh chứng cho tầm nhìn, sự sáng tạo mà chúng tôi đã và đang theo đuổi.
Thực tế, trước 2 sự kiện này, Meey Group đã nhận được nhiều giải thưởng công nghệ khác như: Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam; Top 10 Nhà cung ứng dịch vụ bất động sản tốt nhất năm; Giải thưởng Sao Khuê; Top 10 Doanh nghiệp Công nghệ số xuất sắc Việt Nam...
Thành tựu này là kết quả của thời gian dài nghiên cứu, thử nghiệm và không ngừng đổi mới. Trong hành trình đó, chúng tôi phải đối mặt với không ít khó khăn, nhất là giai đoạn vừa qua, thị trường bất động sản nói riêng và nền kinh tế nói chung gặp nhiều thách thức.
Giải thưởng này cũng là sự ghi nhận giá trị mà Meey Group tạo ra cho xã hội, đồng thời khẳng định uy tín thương hiệu doanh nghiệp Việt trên trường quốc tế. Tuy nhiên, giải thưởng này không phải là đích đến cuối cùng. Chúng tôi vẫn còn rất nhiều việc phải làm, liên tục sáng tạo, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ...
Được biết, Meey Group có một hệ sinh thái khá đa dạng về Công nghệ - Tài chính bất động sản. Xin ông chia sẻ thêm về hệ sinh thái này?
Ông Hoàng Mai Chung: Hệ sinh thái Công nghệ-Tài chính bất động sản của Meey Group bao gồm nhiều giải pháp thông minh và mỗi sản phẩm đều tập trung giải quyết nút thắt nào đó của thị trường.
Ví dụ, khi muốn bán căn nhà, mảnh đất, không ít người thường nói thách cao lên để chờ người mua trả giá thấp xuống, còn người mua thì đưa ra giá thật thấp và hai bên trả giá dần... Điều này xảy ra do chính người mua và người bán cũng không biết giá trị chính xác của căn nhà là bao nhiêu nên cứ… nói thách. Và Meey Value (Công cụ định giá bất động sản ứng dụng công nghệ AI) ra đời để giải quyết câu chuyện này.
Meey Value ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn (Big Data), cung cấp cho người dùng xu hướng giá tại 63 tỉnh thành của Việt Nam, thậm chí xác định đến từng thửa đất. Khi đó, người mua nắm được thông tin, diễn biến, lịch sử giá cả.
Tiếp theo, khi đã xác định được giá, người mua cũng không rõ pháp lý có đầy đủ hay không? Khi đó, người mua lại phải tìm đến cơ quan Nhà nước để tìm hiểu quy hoạch. Một mặt, các cơ quan nhà nước lại phải mất thời gian để phục vụ những việc nhỏ nhặt, chưa kể tiềm ẩn tiêu cực. Mặt khác, người dân mất thêm thời gian, chi phí. Để giải quyết vấn đề này, chúng tôi có Meey Map (Nền tảng bản đồ tra cứu quy hoạch mới nhất)
Sản phẩm này cung cấp 2 loại quy hoạch quan trọng là quy hoạch xây dựng và quy hoạch kế hoạch sử dụng đất. Dữ liệu của Meey Map được cập nhật từ các cơ quan có thẩm quyền với độ tin cậy cao, giúp người mua nhà, nhà đầu tư tiết kiệm được rất nhiều thời gian và chi phí.
Hay hiện nay, khách hàng và môi giới phải mất nhiều thời gian đi xem nhà; chủ đầu tư thì lãng phí sắp xếp nhà mẫu; hoặc khi các công trình đang thi công, khách hàng rất khó hình dung về căn hộ, môi giới cũng gặp khó khăn khi mô tả cho khách hàng về dự án… Những vướng mắc này đã có Meey 3D - Nền tảng cung cấp giải pháp 3D trong giao dịch bất động sản giải quyết. Nền tảng này sẽ “3D hoá” từng ngóc ngách không gian, bày trí nội thất như nhà mẫu. Khách hàng ngồi ở nhà cũng có thể tham quan được tất cả các góc của ngôi nhà, ở bất cứ đâu, kể cả khi nó còn… trên giấy.
Thậm chí, không chỉ một ngôi nhà, công nghệ 3D còn có thể thực hiện điều tương tự với cả một dự án bất động sản lớn. Chúng ta có thể “đi” vào trong dự án đó và xem từng dãy nhà, vào từng căn nhà để lựa chọn căn phù hợp. Nếu muốn mua, khách hàng có thể đặt cọc từ xa.
Ngoài ra, trong hệ sinh thái, các sản phẩm nổi bật của Meey Group có thể kể đến như Cổng thông tin bất động sản xác thực 4.0 - meeyland.com và App Meey Land; Ứng dụng quản lý nhu cầu khách hàng dành riêng cho nhà môi giới bất động sản - Meey CRM; Nền tảng tài chính số chuyên biệt cho bất động sản Meey Finance; Bản đồ số thông minh cho người Việt - Meey Atlas… Các sản phẩm này không rời rạc mà kết nối với nhau trong hệ sinh thái của Meey Group. Đây là điểm nổi bật mà ít sản phẩm nào trên thị trường có được.
Như vậy, Meey Group đang có những bước tiến nhanh chóng trong việc đa dạng hoá các sản phẩm của mình và mở rộng thêm ở lĩnh vực tài chính. Xin ông chia sẻ đôi điều về hướng đi này?
Ông Hoàng Mai Chung: Hiện nay chưa có một nền tảng tài chính số chuyên biệt cho lĩnh vực bất động sản thực sự hoàn thiện. Hơn nữa, việc cho vay tín dụng từ nhiều ngân hàng vẫn qua thẩm định theo lối truyền thống, thủ công và chưa có sự hỗ trợ mạnh mẽ từ công nghệ. Quá trình thẩm định mất nhiều thời gian đi lại, thủ tục rườm rà và tính chuẩn xác không cao…
Từ những hạn chế kể trên, chúng tôi xây dựng Meey Finance để đem tới giải pháp thẩm định toàn diện, an toàn, tiện ích cho giao dịch bất động sản từ đặt cọc, thanh toán, đầu tư,…
Công nghệ thẩm định tự động của Meey Finance được liên kết với các ngân hàng tại Việt Nam, giúp chủ đầu tư, nhà đầu tư, người mua nhà có thể tiếp cận nguồn vốn với chi phí thấp, thủ tục đơn giản và được giải ngân nhanh chóng.
Hiểu nôm na, đây là mô hình kết nối giữa những người có tiền muốn cho vay và người có nhu cầu vay, tương tự mô hình của Grab. Nền tảng này sẽ thẩm định tài sản để giúp 2 bên an toàn hơn trong giao dịch.
Thực tế, nhiều trường hợp chỉ muốn thế chấp bất động sản “đổi” lấy nguồn vốn ngắn hạn, chứ không có nhu cầu bán. Khi đó, thông qua nền tảng này, tài sản được thẩm định nhanh chóng, với khoảng vay tương ứng từ 60-70% giá trị tài sản. Điều này giúp cả hai bên cùng có lợi bởi nếu ra ngân hàng làm thủ tục sẽ mất thời gian, kéo theo nhiều vướng mắc.
Vậy để gặt gái được quả ngọt, có lẽ sản phẩm trong hệ sinh thái cũng đôi lần phải “đập đi xây lại”? Bài học kinh nghiệm mà ông rút ra là gì?
Ông Hoàng Mai Chung: Thực ra, việc đập đi xây lại một sản phẩm không có gì là bất ngờ vì làm công nghệ khó khăn vô cùng. Đôi khi sản phẩm làm xong, đáp ứng được nhu cầu hiện tại nhưng không đáp ứng được việc mở rộng sản phẩm trong tương lai, không giải quyết tốt những bài toán lớn, thì phải điều chỉnh lại.
Tiếp theo, một sản phẩm tốt và việc kiếm được tiền từ sản phẩm đó lại là 2 chuyện khác nhau. So sánh một cách dễ hiểu, tôi có thể đủ năng lực đóng được một cái bàn, nhưng bàn đó cần cả sự chắc chắn lẫn thẩm mỹ, hài hoà với không gian, phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng thì mới có thể bán được. Tương tự, sản phẩm công nghệ có thể phục vụ tốt cho một số đối tượng, nhưng phục vụ đến hàng triệu người thì có thể xuất hiện vấn đề. Khi đó, sản phẩm có thể sửa một phần nhưng cũng có cái phải “đập đi xây lại”.
Tuy vậy, không phải doanh nghiệp nào cũng đủ kinh phí để “đập đi xây lại”. Thậm chí ngay ban đầu, startup đã dồn hết vốn làm sản phẩm thì lấy đâu chi phí để điều chỉnh? Một sản phẩm công nghệ cần đội ngũ vài chục người triển khai, chi phí tốn kém có khi đến hàng chục tỷ đồng, startup nào chịu nổi?
Tuy vậy, việc đập bỏ những phần hạn chế để hoàn thiện sản phẩm theo hướng tốt hơn sẽ mang đến cho xã hội những sản phẩm chất lượng. Doanh nghiệp không tạo ra bước nhảy cũng như bơi thuyền ngược dòng, không tiến được thì sẽ bị lùi.
Như vậy bài học cốt lõi là tư duy và nguồn lực, thưa ông?
Ông Hoàng Mai Chung: Có thể nói như vậy. Về chuyện tư duy làm sản phẩm, chúng ta làm proptech, tức là công nghệ bất động sản, nên cần hiểu cả công nghệ lẫn bất động sản. Công nghệ chỉ là công cụ để hiện thực hoá những giải pháp cho thị trường bất động sản. Nếu nhân sự chỉ chuyên về công nghệ thì họ sẽ nhìn nhận vấn đề của bất động sản như người ngoài cuộc, không nắm bắt được sự phức tạp, biến động của thị trường như “dân trong nghề”. Do đó, sản phẩm không “đánh trúng”, giải quyết được những nút thắt của thị trường.
Vấn đề tiếp theo như tôi đã phân tích, proptech cũng đòi hỏi nguồn lực tài chính lớn. Điều này tạo ra áp lực rất lớn về vốn cho các startup, đặc biệt là trong giai đoạn đầu khi họ chưa có doanh thu ổn định.
Về câu chuyện vốn, Meey Group định hướng trở thành công ty có vốn hoá lớn và vươn ra thị trường quốc tế. Vậy Meey Group có sự chuẩn bị thế nào để hiện thực hoá mục tiêu này? Ngoài ra, Meey Group cũng có hợp tác với một số quỹ đầu tư lớn trên thế giới, ông có thể cho biết đâu là yếu tố hấp dẫn của Meey Group trong mắt các quỹ đầu tư?
Ông Hoàng Mai Chung: IPO (phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng) là định hướng quan trọng trong hành trình phát triển của công ty.
Lợi thế đầu tiên là dư địa phát triển của lĩnh vực này rất lớn. Theo nghiên cứu của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (năm 2021), thị trường bất động sản Việt Nam sẽ đạt 1.232 tỷ USD, chiếm 22% tổng tài sản nền kinh tế vào năm 2030. Vì vậy, việc tạo ra các nền tảng công nghệ đột phá là nhu cầu rất lớn để đáp ứng sự phát triển của thị trường, cũng là động lực để doanh nghiệp proptech tại Việt Nam đi lên.
Điều này giống như một người đánh cá tìm được một ngư trường rộng lớn, thoả sức đánh bắt. Nếu doanh nghiệp có năng lực, nhà đầu tư sẽ sẵn sàng góp sức, trang bị cho doanh nghiệp đó một “tàu đánh cá lớn” để ra khơi.
Về công tác tổ chức, quản lý, chúng tôi cũng hợp tác với các đơn vị lớn trên thế giới để hoàn thiện cơ cấu tổ chức và cơ chế vận hành theo chuẩn mực quốc tế. Meey Group là doanh nghiệp proptech đầu tiên được Viện Tiêu chuẩn Anh (BSI) cấp chứng nhận đồng thời 2 tiêu chuẩn: ISO 9001:2015 - tiêu chuẩn về Hệ thống quản lý chất lượng (có giá trị trên toàn cầu) và ISO/IEC 27001:2013 - Tiêu chuẩn quốc tế hàng đầu về Hệ thống quản lý An toàn thông tin.
Đạt được chứng nhận này đồng nghĩa với việc Meey Group đã đáp ứng được các tiêu chí khắt khe về hệ thống quản lý, phòng ngừa các rủi ro về chất lượng sản phẩm/dịch vụ, an toàn thông tin …
Để lọt vào “mắt xanh” của các quỹ đầu tư, chúng tôi phải chuẩn bị rất kỹ mọi thứ từ kế hoạch tài chính, sản phẩm, vận hành, con người... Các quỹ đầu tư rất quan tâm việc doanh nghiệp “đánh” vào thị trường có đủ lớn hay không? Năng lực của đội ngũ có đủ đáp ứng hay không và sản phẩm của doanh nghiệp đó có giải quyết được các vấn đề của thị trường hay không?... Nếu những yếu tố này không đủ đảm bảo thì các quỹ lớn sẽ không mặn mà.
Ngoài việc hợp tác với quỹ đầu tư của Singapore là Alamat Capital, Meey Group cũng nhận được sự quan tâm của nhiều quỹ đầu tư lớn như Vision Fund (SoftBank), Vertex (Temasek), Navis Capital, Fifth Wall, Lamudi, Insignia Ventures… Tuy nhiên, chúng tôi vẫn đang trong giai đoạn đàm phán nhằm tối ưu lợi ích về tài chính cho doanh nghiệp.
Vậy theo ông, trong bối cảnh hiện nay, đâu là cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp proptech?
Ông Hoàng Mai Chung: Về cơ hội, sau giai đoạn khủng hoảng, thị trường bất động sản đã xuất hiện những dấu hiệu phục hồi. Việc kinh tế tăng trưởng nhanh, đầu tư hạ tầng được đẩy mạnh và nền lãi suất thấp cũng… kéo theo nhu cầu về proptech tăng cao. Chưa kể, điều này cũng là chất xúc tác khiến các quỹ đầu tư cũng mạnh tay hơn trong việc rót vốn vào các doanh nghiệp proptech.
Tuy vậy, bên cạnh những cơ hội thì còn khá nhiều thách thức đối với doanh nghiệp proptech tại Việt Nam. Trong đó, hạ tầng kỹ thuật vẫn chưa đủ mạnh, cơ sở dữ liệu còn hạn chế. Ngoài ra, khung pháp lý về công nghệ blockchain, fintech hoặc khái niệm về “hệ sinh thái”… cũng chưa được quy định rõ ràng.
Hơn nữa, việc cho ra đời một mô hình hoàn toàn mới đôi khi cũng gây tâm lý dè chừng với người tiêu dùng. Ví dụ Uber, Grab giai đoạn đầu vào Việt Nam cũng tạo ra sự lúng túng trong quản lý. Nếu áp dụng quy định cũ để quản lý một mô hình hoàn toàn mới thì doanh nghiệp rất khó tuân thủ. Nếu doanh nghiệp tuân thủ thì lại quay về cái cũ. Như vậy gọi gì là đổi mới sáng tạo?
Về vốn, đây là lĩnh vực cần đầu tư lớn, tốn kém ở giai đoạn đầu và việc thu xếp vốn đối với doanh nghiệp cũng không phải là điều dễ dàng, đặc biệt trong bối cảnh “mùa đông gọi vốn” hiện nay.
Như vậy, yếu tố rất quan trọng vẫn là sự cởi mở, đồng hành của cơ quan Nhà nước với doanh nghiệp, thưa ông?
Ông Hoàng Mai Chung: Đúng vậy! Xã hội muốn phát triển thì phải dựa trên sự đổi mới, sáng tạo. Nhà nước muốn thúc đẩy doanh nghiệp công nghệ phát triển, theo kịp làn sóng cách mạng 4.0 thì hãy hỗ trợ doanh nghiệp. Doanh nghiệp phát triển thì sẽ tạo ra công ăn việc làm, phát triển kinh tế, thậm chí vươn ra thế giới để mang dòng tiền về cho quốc gia. Còn nếu ngay trong nước mà gặp nhiều rào cản thì doanh nghiệp không thể tiến xa được.
Cảm ơn những chia sẻ của ông về bức tranh và tầm nhìn của Meey Group, tựu trung lại, triết lý kinh doanh của ông là gì?
Ông Hoàng Mai Chung: Tôi vẫn quan niệm, tổ chức hay cá nhân thì cũng phải tạo ra giá trị cho xã hội. Chúng ta cứ theo đuổi việc phải giải quyết được vấn đề gì đó cho người khác, cho xã hội thì xã hội sẽ trả lại cho mình lợi ích. Khi khách hàng trả tiền thì ý tưởng của ông được hiện thực hóa, doanh nghiệp của ông mới trở nên lớn mạnh được.
Xin cảm ơn ông!