Đã có phương án “giải cứu” những dự án tắc nghẽn khâu định giá đất

Các cơ quan liên quan đã thống nhất, đối với các dự án chưa quyết định giá đất dù đã được giao đất sẽ được tính bằng bảng giá do UBND cấp tỉnh ban hành có hiệu lực thi hành tại thời điểm giao đất trên thực tế nhân với hệ số điều chỉnh ở thời điểm tương ứng.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa chủ trì cuộc họp họp rà soát, hoàn thiện 2 dự thảo Nghị định liên quan đến các quy định điều tra cơ bản đất đai, đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liến với đất và quy định chi tiết một số điều của Luật Đất đai.

Áp dụng bảng giá của UBND tỉnh tại thời điểm được giao đất

Tại cuộc họp, các ý kiến đã dành nhiều thời gian thảo luận và thống nhất nguyên tắc áp dụng phương pháp định giá đất đối với các dự án đang tắc nghẽn khâu này dù đã được giao đất trên thực tế từ ngày 1/1/2005 đến trước ngày Luật Đất đai năm 2024 có hiệu lực thi hành. Theo đó, việc định giá đất cho các dự án này sẽ được tính bằng bảng giá đất do UBND cấp tỉnh ban hành có hiệu lực thi hành tại thời điểm giao đất trên thực tế nhân với hệ số điều chỉnh ở thời điểm tương ứng.

Điểm này được cho là đã tháo gỡ những bất cập trong công tác định giá đất thời gian qua, gây ra nhiều hệ lụy tiêu cực về đất đai, gây rối loạn thị trường bất động sản. Cụ thể, việc tắc nghẽn định giá đất không chỉ làm ngân sách hụt thu hàng trăm nghìn tỷ đồng mà còn khiến các dự án “trùm mền”, người dân bức xúc vì bị chậm, thậm chí không được cấp quyền sử dụng đất/căn hộ.

dinh-gia-dat-1719485540.jpg
Nhiều dự án đã triển khai rất nhiều hạng mục nhưng không thể hoàn thành nghĩa vụ tài chính do tắc khâu định giá đất

Tại một hội thảo về đất đai được tổ chức mới đây, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM thừa nhận đang có hàng trăm dự án “bất động” trên địa bàn thành phố do vướng xác định giá đất. Trong đó, có những dự án đã có quyết định giao đất, cho thuê đất, chuyển quyền sử dụng đất... từ nhiều năm trước.

Vị đại diện này lý giải nguyên nhân do pháp lý có thể có từ có từ năm 2003 nhưng trong quá trình thực hiện có sự kết nối điều chỉnh, câu chữ sử dụng trước đây không rõ ràng, chưa bám sát quy định pháp luật, nên muốn định giá phải rà soát lại.

Đơn cử như dự án Khu dân cư Phú Thuận (quận 7, TP.HCM) do Công ty CP Đầu tư Anh Tuấn làm chủ đầu tư, đã triển khai rất nhiều phần việc để được phê duyệt tỷ lệ 1/500, cũng như thi công hạ tầng, các tiện ích cho dự án. Sau đó, công ty thực hiện chuyển nhượng nền đất cho khách và tiến hành các thủ tục để cơ quan chức năng xác định nghĩa vụ tài chính. Tuy nhiên, hơn 5 năm qua, việc này vẫn chưa được giải quyết.

Đặc biệt, một vấn đề “nóng bỏng” tại TP.HCM được bàn luận nhiều trong thời gian qua là có 125 dự án đang chào thầu, có dự án không dưới 30 lần vẫn không thuê được tư vấn, có dự án thuê được đã lập chứng thư nhưng đành bỏ cuộc vì bị hội đồng thẩm định giá đất trả về do nhiều nội dung chưa phù hợp.

Khắc phục các hạn chế

Theo ông Nguyễn Đắc Nhân – Phó vụ trưởng Vụ Đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), trong quá trình sửa đổi từ Nghị định 44 đến Nghị định 10, Nghị định 12 và Nghị định hiện nay về giá đất, Bộ đã cố gắng bám sát thực tế để thay đổi, bổ sung các điều khoản sao cho phù hợp với thực tiễn.

Tuy nhiên, ông Nhẫn cho biết vẫn còn nhiều bất cập, còn tình trạng lúng túng về lựa chọn phương pháp định giá đất. Cùng với đó, lực lượng thực hiện còn hạn chế cả về số lượng và chất lượng; các đơn vị tư vấn không dám làm vì cơ sở dữ liệu yếu, nhân lực mỏng…dẫn đến kết quả cuối cùng không mang tính khách quan, trung thực.

Trong quá trình xây dựng dự thảo, Bộ TN&MT đã đồng hành với các bộ, ngành như Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng trên quan điểm tiếp thu các ý kiến góp ý từ nhiều thành phần trong xã hội như chuyên gia, doanh nghiệp, địa phương nhằm xử lý các vấn đề đang tồn tại.

xac-dinh-gia-dat-1719485915.png
Thống nhất được phương án định giá đất sẽ hỗ trợ doanh nghiệp, người dân thực hiện các thủ tục đất đai, nhà ở

Mới đây, Bộ TN&MT đã đề xuất bỏ quy định về cấp chứng chỉ định giá đất để giảm bớt thủ tục hành chính, chi phí tuân thủ. Đồng thời quy định rõ các điều kiện của cá nhân được hành nghề tư vấn xác định giá đất, điều kiện của cơ sở đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về giá đất.

Theo đó, Bộ sẽ chịu trách nhiệm công khai, thanh, kiểm tra các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về giá đất; xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu, kiểm tra, theo dõi việc chấp hành pháp luật của tổ chức tư vấn xác định giá đất, định giá viên.

Đối với cá nhân được cấp chứng chỉ định giá đất còn thời hạn và không thuộc trường hợp thu hồi thì tiếp tục được hành nghề trong thời hạn còn lại. Cá nhân được cấp giấy chứng nhận đã hoàn thành khóa học bồi dưỡng về định giá đất, chưa được cấp chứng chỉ nhưng đủ điều kiện sẽ được hành nghề tư vấn định giá đất.

Đại diện Bộ TN&MT cho biết, các quy định này đảm bảo tính liên tục, không làm gián đoạn, ách tắc, chậm trễ công tác định giá đất khi phải chờ thực hiện theo các yêu cầu mới tại Nghị định.