Đà Nẵng: Nâng cao nhận thức về phân loại và tái chế rác thải từ mô hình Trường học Xanh

Mô hình Trường học Xanh thí điểm tại 20 trường tiểu học, THCS trên địa bàn Đà Nẵng đã thu gom, phân loại và tái chế được hơn 11,7 tấn rác, trong đó có 0,7 tấn rác thải nhựa.

Cách đây 9 tháng, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Sở Giáo dục Đào tạo Đà Nẵng đã triển khai mô hình Trường học xanh tại 20 trường tiểu học, THCS thuộc các quận, huyện Hải Châu, Cẩm Lệ, Ngũ Hành Sơn, Liên Chiểu và Hòa Vang. Mô hình nhằm quản lý, giảm thiểu rác thải nhựa, tăng cường phân loại rác tại nguồn.

Từ tháng 7/2023 đến tháng 4/2024, các trường học triển khai mô hình đã được hỗ trợ khảo sát hiện trạng, đề xuất giải pháp, xây dựng kế hoạch và hướng dẫn triển khai thực hiện các tiêu chí đánh giá Trường học Xanh gồm: Cơ sở vật chất, chính sách quản lý, giáo dục truyền thông và thực hành xanh.

truong-hoc-xanh-1717146818.jpg
Học sinh tham gia phân loại rác thải

Các trường đều ban hành quy định về giảm nhựa và phân loại rác, phát động thay thế đồ dùng nhựa một lần trong căng tin, đầu tư hệ thống phân loại rác, lắp đặt hệ thống nước uống ở trường học và khuyến khích học sinh, giáo viên sử dụng bình nước cá nhân, cùng với đó là hạn chế in ấn khi tổ chức các sự kiện…

Nhiều tiết học về giảm thiểu rác thải nhựa được các trường lồng ghép để nâng cao nhận thức cho học sinh. Cùng với đó đó, hoạt động về giáo dục truyền thông, nâng cao nhận thức cho học sinh cũng liên tục được triển khai với nhiều hình thức mới mẻ như tổ chức cuộc thi Rung chuông Xanh, Đổi rác lấy quà, Phiên chợ cũ người mới ta, Đại sứ Xanh, Kế hoạch nhỏ…

Nhiều sáng kiến thực hành xanh được giáo viên và học sinh thực hiện thường xuyên, tạo thành thói quen xanh trong trường học như kiểm kê rác, thu gom vỏ hộp sữa, thu gom pin, ủ phân hữu cơ, phân loại rác trong lớp học, dùng bảng trang trí thay pano và backdrop….

Qua 9 tháng triển khai mô hình, các trường đã thu gom, phân loại và tái chế 11,7 tấn rác, trong đó có 0,7 tấn rác thải nhựa. Đã có 1.200 giáo viên được tập huấn cung cấp kiến thức và nâng cao nhận thức về giảm rác thải cho 24.000 học sinh. Các trường đã tổ chức 65 sự kiện và hơn 2.000 tiết học tuyên truyền về giảm thiểu rác thải nhựa.

truong-hoc-xanh-1-1717146819.jpg
Tiết học về giảm thiểu rác thải nhựa được các trường lồng ghép nhằm nâng cao nhận thức cho học sinh

Trao đổi về mô hình Trường học Xanh, thầy Đặng Ngọc Lam - Hiệu trưởng Trường THCS Lê Hồng Phong (quận Hải Châu) cho biết, nhà trường đã thực hiện nhiều hoạt động như thay thế các sản phẩm dùng một lần, dán nhãn phân loại cho các thùng rác lớp học, kiểm toán rác, trang bị hệ thống lọc nước để lấy nước vào bình cá nhân, theo dõi lượng rác phát sinh trong trường hàng tháng…

Thầy Đặng Ngọc Lam chia sẻ, hoạt động kiểm toán rác tại trường mang lại hiệu quả rất lớn trong việc nâng cao nhận thức cho học sinh. Theo đó, việc kiểm toán rác gồm thu gom, ghi chép toàn bộ lượng rác mà các cá nhân, các lớp, nhà trường thu được trong 1 ngày, 1 tuần. Từ đó, ước lượng khối lượng và tỷ lệ các loại rác trong toàn trường. Việc kiểm toán sẽ giúp học sinh biết rác của các em đến từ đâu và nhiều đến mức nào.

Mỗi tuần nhà trường thực hiện hoạt động này 1 lần. Có thời điểm, lượng rác nhiều nên việc kiểm toán khiến giáo viên và học sinh khá vất vả. Sau đó, mọi người nhắc nhở nhau hạn chế xả rác để kiểm toán ít lần hơn.

Theo thầy Đặng Ngọc Lam, điều quan trọng hơn cả là ý thức về bảo vệ môi trường, giảm phát thải nhựa đã được gieo mầm trong thế hệ tương lai. "Đối với chúng tôi, đó là kết quả quan trọng nhất bởi muốn giảm nhựa bền vững, phải có những thế hệ kế cận với nhận thức đúng đắn, thực hành hiệu quả lối sống xanh”, thầy Lam nói.

Ông Đặng Quang Vinh - Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng chia sẻ, sau thời gian thí điểm, mô hình Trường học Xanh đã mang lại những kết quả rất tích cực, thay đổi được nhận thức cùng thói quen của giáo viên, học sinh.

10 năm trước, Đà Nẵng đã ban hành bộ tiêu chuẩn và quy trình xét công nhận Trường học Xanh trên địa bàn, nhưng mới chỉ triển khai ở cấp tiểu học. Qua lần thí điểm này, sẽ xây dựng bộ tiêu chí Trường học Xanh để tham mưu cho thành phố. Đây là cơ sở để tiếp tục lan tỏa, triển khai rộng mô hình này đến cấp THCS và THPT.