Đà Nẵng: Tìm giải pháp thoát nước sau 2 năm bị ngập liên tiếp

Lãnh đạo UBND TP. Đà Nẵng cho biết, thành phố đang phải đối mặt với các tác động của biến đổi khí hậu khi những năm gần đây xuất hiện nhiều cơn mưa cực đoan khiến thành phố bị ngập trên diện rộng.

Sau 2 năm liên tiếp đối mặt với tình trạng cứ mưa lớn lại gây ngập nhiều nơi, vào ngày 11/5, UBND thành phố Đà Nẵng đã tổ chức hội thảo khoa học "Đánh giá hiện trạng và đề xuất toàn diện quy hoạch cao độ nền và thoát nước mặt thành phố Đà Nẵng". Trong hội thảo này, các chuyên gia đã đánh giá về đồ án điều chỉnh quy hoạch cao độ nền và thoát nước mặt đô thị TP. Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 vẫn còn nhiều thiếu sót và bất cập.

Rất nhiều chuyên gia, nhà khoa học đã nhắm đến "vấn đề nhỏ" nhưng lại then chốt trong ngập đường phố là việc thoát nước xuống các hố thu. Thực tế ghi nhận vì lo ngại mùi hôi từ cống bốc lên, nhiều người dân đã bít các hố thu, khiến hệ thống gom nước không phát huy hiệu quả.

ngap-da-nang-2-1715506046.jpg
Một hầm chui tại Đà Nẵng bị ngập sau trận mưa lịch sử (Ảnh: VGP/Lưu Hương)

Ông Phùng Phú Phong - Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng cho biết, đồ án thoát nước thành phố Đà hiện chỉ tập trung lập quy hoạch thoát nước mặt cho 6 quận nội thành và một phần đô thị huyện Hòa Vang, trên cơ sở giữ nguyên hiện trạng cao độ nền đô thị Đà Nẵng.

Sau hơn 5 năm triển khai, một số dự án đã phần nào giải quyết thoát nước và tình trạng ngập úng của thành phố. Tuy nhiên, một số nội dung trong quy hoạch vẫn chưa bắt kịp với tốc độ đô thị hóa nhanh chóng của thành phố.

Trong khi đó, tần suất xuất hiện các trận mưa cực đoan có cường độ lớn ngày càng nhiều, hầu như vượt năng lực của hệ thống thoát nước đang có. Đặc biệt, trong 2 năm vừa qua, điều kiện thủy văn bất lợi, mực nước triều cao nên đã xảy ra tình trạng ngập úng diện rộng tại thành phố.

Trước thực trạng ngập úng của Đà Nẵng, nhiều đơn vị tư vấn đã đề xuất các giải pháp nâng cao năng lực thoát nước cho một số khu vực "rốn ngập" như cầu Đa Cô, đường Mẹ Suốt, sông Phú Lộc, hồ Thạc Gián - Vĩnh Trung…

ngap-da-nang-1715506046.jpg
Đà Nẵng đã 2 năm liên tiếp đối mặt với tình trạng cứ mưa lớn lại gây ngập nhiều nơi (Ảnh: H.S)

Ông Lê Quang Nam, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng yêu cầu đơn vị tư vấn đồ án điều chỉnh quy hoạch cao độ nền và thoát nước mặt đô thị TP. Đà Nẵng phải xây dựng được quy hoạch có tính khả thi, giải quyết được một số các vấn đề thành phố đang đối diện.

Ông Lê Quang Nam nhìn nhận, theo điều kiện địa hình, thành phố có ưu thế cho việc thoát nước mưa. Tuy nhiên, còn nhiều vùng là đô thị cũ, dân ở tới đâu hạ tầng đầu tư tới đó nên phát sinh nhiều bất cập. Cùng với đó, quá trình đô thị hóa nhanh khiến một số hồ điều tiết nước lớn bị san lấp, dẫn đến việc tiêu thoát nước đô thị không như mong muốn, nhất là khi đối mặt với biến đổi khí hậu.

Một ý kiến rất đáng lưu ý tại hội thảo là của ông Nguyễn Hải Đường - Phó chủ tịch UBND quận Cẩm Lệ về việc phân vùng thoát nước. Ông cho rằng, hiện nay sân bay Đà Nẵng quá rộng, cần mở thêm các tuyến cống ở lưu vực phía Nam nhằm đảm bảo thoát nước.

Tuyến Cống Quỳnh là nơi thoát nước của lưu vực sân bay và phía trên đường Trường Chinh. Lưu vực này quá lớn, mưa xuống, nước không kịp thoát, tràn cống ra khu vực xung quanh. Dù cống được cải tạo cũng không giải quyết được hết lượng nước.

Quận đã nhiều lần đề xuất làm tuyến thoát nước nối từ sân bay qua đường Hà Tông Quyền ra sông Cẩm Lệ. Tuyến này đường ngắn chỉ hơn 600m, thẳng, thoát nước ra sông nhanh, có thể giảm tải được lượng nước từ 2 hồ trong sân bay.

Còn khu vực thoát nước ven biển đường Võ Nguyên Giáp, hiện nay các dự án tách nước mưa với nước thải đã được đầu tư. Hệ thống đã tách nước riêng nên nước mưa xuống không bị ô nhiễm, chảy ra biển thì có thể tự cân bằng. Do vậy ưu tiên đường thoát nước ngắn nhất ra biển, không nên "đưa ngược" nước vào lại sông Hàn.

Dù vậy, ý kiến thoát nước mưa ra biển của ông Đường gặp ý kiến trái chiều cho rằng nước mưa ra biển có thể ảnh hưởng đến mỹ quan bờ biển "đẹp nhất hành tinh", cũng như có thể gây "xé" bãi tắm.