Đà Nẵng: Nguyên nhân mưa vài tiếng đã ngập sâu

Cơn mưa lớn kéo dài chỉ vài giờ sáng 5/11 đã khiến nhiều khu vực tại Đà Nẵng ngập sâu, gây khó khăn cho người dân. Thực trạng ngập úng mỗi khi mưa lớn đã diễn ra nhiều năm nay tại Đà Nẵng. Dù thành phố đã triển khai nhiều dự án cải thiện hệ thống thoát nước, song cần có giải pháp quyết liệt, hiệu quả hơn.

Cơn mưa buổi sáng gây ngập diện rộng

Sáng 5/11, Đà Nẵng đã đón đợt mưa rất to kéo dài suốt 6 tiếng. Đây là cơn mưa lớn đầu tiên đã được dự báo, quét qua miền Trung đến hết ngày 10/11. Mưa như trút nước làm nhiều khu dân cư và đường phố bị ngập, thậm chí có những điểm ngập sâu 1 - 1,5m. Tình trạng này khiến nhiều người không kịp trở tay. Chính quyền địa phương đã dùng thuyền vào các khu trọ, nhà cho thuê sơ tán người dân khỏi vùng ngập. Sở Giáo dục Đào tạo Đà Nẵng cũng ra quyết định khẩn, cho hơn 290.000 học sinh nghỉ học vì ngập.

Theo ông Phùng Hồng Long - Trưởng phòng dự báo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Trung Trung Bộ, tổng lượng mưa đổ xuống Đà Nẵng vào rạng sáng 5/11 tuy không phải là kỷ lục nhưng vẫn rất lớn. Trong các đợt mưa vừa qua, hệ thống thoát nước của Đà Nẵng vẫn hoạt động hiệu quả. Tuy nhiên, ở những khu vực dân cư trũng thấp mà thành phố đã xác định là "điểm nóng" thì vẫn thường xuyên bị úng ngập.

ngap-ung-da-nang-1-1730867875.jpg
Cơn mưa sáng 5/11 gây ngập nhiều khu dân cư và tuyến đường tại Đà Nẵng (Ảnh: H.Đ)

Ông Long đánh giá, Đà Nẵng có lợi thế trong việc thoát nước nhờ vào vị trí bao bọc bởi sông và biển, nhưng đối với những khu vực trũng thấp là "rốn ngập", cần phải xem xét lại việc phân chia lưu vực thoát nước cho hợp lý. Bên cạnh đó, cũng cần kiểm tra xem các tuyến cống có đáp ứng đủ khả năng thoát nước trong các tình huống mưa lớn hay không.

Tiến sĩ Lê Hùng - giảng viên khoa Xây dựng Công trình Thủy Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) cho hay, việc mưa lớn trùng với thời điểm triều cường đã khiến một số tuyến cống thoát nước chậm. Sau khi mưa giảm, nhiều tuyến cống đã thoát nước nhanh hơn.

Riêng đối với những khu vực ngập sâu và thường xuyên như khu vực đường Trưng Nữ Vương (gần hồ Ba Sen Vàng), Mẹ Suốt, khu vực Thạc Gián (Vĩnh Trung), đường Núi Thành, Trần Xuân Lê - Hà Huy Tập... cần phải có những giải pháp chống ngập hiệu quả và sớm được triển khai.

Vào tháng 10/2022, Đà Nẵng trải qua trận ngập lịch sử, khiến gần 70.000 hộ dân bị ngập, hàng nghìn ô tô và xe máy bị hư hỏng, tổng thiệt hại vật chất ước tính lên tới gần 1.500 tỷ đồng. Đúng một năm sau (2023), thành phố lại chịu đợt mưa lớn kéo dài, gây ra hàng trăm điểm ngập trên toàn thành phố.

Mặc dù mức độ ngập không nghiêm trọng như năm 2022 và thiệt hại được giảm thiểu nhờ sự chủ động ứng phó của người dân, nhưng sự kiện này lại một lần nữa phơi bày những bất cập trong hệ thống thoát nước và hạ tầng đô thị của Đà Nẵng.

Giải pháp xử lý những điểm ngập sâu

Để giải quyết vấn đề này, Đà Nẵng đang triển khai chuẩn bị đầu tư và thi công hàng loạt dự án thoát nước. Đáng chú ý, UBND thành phố đã chỉ đạo các đơn vị liên quan lập đồ án điều chỉnh quy hoạch chuyên ngành cao độ nền và thoát nước mặt đô thị.

ngap-ung-da-nang-1730867875.jpg
Người dân chật vật di chuyển do ngập sâu (Ảnh: H.Đ)

Ban Quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên thành phố (đơn vị phối hợp với Sở Xây dựng Đà Nẵng thực hiện đồ án) cho biết, các giải pháp quy hoạch cao độ nền và thoát nước mặt sẽ được xác định một cách hợp lý, bao gồm việc xác định cao độ san nền cho từng khu vực cụ thể; các biện pháp chống ngập úng và ngập lụt; hành lang thoát lũ cho các sông; hệ thống thoát nước mưa; các hồ điều hòa và các trạm bơm chống ngập...

Đồ án cũng đề xuất ưu tiên triển khai các dự án và giải pháp nhằm nâng cao năng lực thoát nước cho một số khu vực đặc thù như: đường Mẹ Suốt, cầu Đa Cô, sông Phú Lộc, sân bay và khu vực lân cận, trục trung tâm từ 2 hồ Thạc Gián - Vĩnh Trung, cửa xả Ông Ích Khiêm và mở rộng cống ra khu vực trạm bơm Thuận Phước. Đây là những khu vực thường xuyên bị ngập sâu khi Đà Nẵng xảy ra mưa lớn.

Góp ý về vấn đề này, PGS. TS Lê Song Giang - Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TP.HCM cho rằng, quy hoạch cao độ nền và quy hoạch hệ thống tiêu thoát nước mặt cần phải được tiến hành đồng thời. Hai quy hoạch này là điều kiện cần để thiết kế các quy hoạch khác, không thể thực hiện một cách tách biệt.

Các yếu tố gây ngập như mưa, mực nước tại cửa tiêu thoát, và lũ tràn từ khu vực lân cận cần phải được xem xét đầy đủ. Tần suất xảy ra sự kết hợp của các yếu tố này cũng cần được xác định để làm cơ sở cho các tính toán kỹ thuật.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Hồng Tiến - nguyên Cục trưởng Cục Hạ tầng Kỹ thuật (Bộ Xây dựng) cho hay, Đà Nẵng cần xây dựng bản đồ nguy cơ ngập úng, làm nền tảng cho quy hoạch cao độ nền và hệ thống thoát nước.

Ông cũng nhấn mạnh, thành phố cần làm rõ các khu vực đã bị điều chỉnh cao độ nền bởi quy hoạch chung trước đây, xác định các khu vực cần giữ nguyên (ví dụ khu trung tâm cũ) và các khu vực cần thay đổi để bổ sung giải pháp kỹ thuật, theo nguyên tắc "sống chung với ngập úng" thay vì kỳ vọng vào việc cải tạo toàn bộ.