Dân chung cư Hà Nội và muôn kiểu "chống lụt" khi nước tràn vào nhà ngày mưa bão

Nước hắt vào từ cửa sổ quá nhiều, anh Long đã nghĩ ra cách dựng một "hệ thống" hứng nước tự chế làm từ áo cũ, dao, muỗng nấu ăn và xoong nồi. Anh Long cho biết, cách làm này khá hiệu quả, vợ chồng anh không phải thay nhau vắt áo cũ đến đỏ tay.

Sáng sớm, chị Vũ Hồng Huệ (Long Biên, Hà Nội) đã dậy sớm để dọn dẹp đống ngổn ngang trong nhà sau một đêm chống nước tràn vào nhà. Căn chung cư của gia đình chị Huệ có 3 phòng, thì có tới 2 phòng cửa sổ hướng Tây. Từ chiều 7/9, thấy gió bất ngờ chuyển hướng, chị Huệ đã vội vã kiểm tra mọi hệ thống chốt cửa, thêm giẻ lau nhét vào các khe hở ở 2 cửa sổ này. Nhưng biện pháp này chỉ trụ được trong vòng vài tiếng đầu.

Nước hắt vào từ 2 cửa sổ này quá nhiều, chị Huệ và con trai phải thay phiên nhau canh chừng để thấm nước, vắt vào chậu, rồi mang đổ đi. Thấy cứ đi đi lại lại như vậy mất thời gian, chị Huệ đã nghĩ ra cách để một chiếc quần nối từ cửa sổ đến chậu để nước theo đó chảy xuống.

nuoc-tran-5-1725757812.jpg
Nước tràn vào nhà là tình cảnh chung của nhiều dân chung cư ở Hà Nội khi siêu bão đổ bộ

Căn hộ chung cư của gia đình chị Trần Thị Mai (Hoàng Mai) cũng ở hướng Tây. Khi thấy gió giật mạnh liên hồi kèm mưa lớn, chị đã nghĩ ra cách luồn thêm hai ống nước làm đường dẫn xuống chậu hứng bên dưới và liên tục thay giẻ lau. Nhờ phương pháp mới này, cách cả tiếng chị mới phải đổ chậu nước mới. Sợ ngủ quên, nước tràn sẽ làm hỏng sàn gỗ, vợ chồng cắt cử nhau thức xuyên đêm để canh chừng.

nuoc-tran-4-1725757812.jpg
nuoc-tran-1-1725757812.jpg
nuoc-tran-1725757813.jpg
Nhiều gia đình phải sử dụng giẻ lau, khăn để ngăn nước mưa tràn vào nhà

Căn chung cư của gia đình anh Long (Hoài Đức) nằm ở tầng 24. Khi bão Yagi đổ bộ gây mưa lớn, nước tràn qua cửa kính, anh Long đã lấy tạm một số quần áo cũ, giẻ lau để chèn qua các khe cửa. Nhưng chỉ được một lúc, chúng đã ướt sũng khiến vợ chồng anh thay nhau vắt nước, rồi chèn lại cửa.

Anh Long nhận thấy, gió quá mạnh nên dù đã đóng chặt cửa, nước vẫn bị đẩy nước qua khe cửa sổ làm ướt phòng. Anh đã nghĩ ra cách dựng một "hệ thống" hứng nước tự chế làm từ áo cũ, dao, ống hút và chậu. Anh Long cho biết, cách làm này khá hiệu quả, vợ chồng anh không phải thay nhau vắt áo cũ đến đỏ tay.

nuoc-tran-6-1725757813.png
"Hệ thống" hứng nước tự chế của anh Long

Gia đình chị Đinh Thị Tuyết ở tầng 20 trục hướng Tây Bắc tại một chung cư ở quận Bắc Từ Liêm. Căn hộ có ban công lớn, trước khi bão về, gia đình chị đã kê sát bàn ghế ngoài cửa để tránh gió giật. Dù đã che chắn kỹ nhưng nước vẫn tràn vào cửa sổ. Gia đình 4 người chia nhau ra các phòng ngồi canh chừng. Mỗi người lại cầm khăn thấm nước và đặt bỉm la liệt bên ô cửa để hút nước.

Sau một hồi, chồng chị Tuyết nghĩ ra cách lấy toàn bộ đất sét trong hộp đồ chơi đất nặn của con dính lên những kẽ hở. Những phòng còn lại, gia đình chị sử dụng túi nilong che chắn thay giẻ lau.

nuoc-tran-7-1725758014.jpg
Anh Tuấn chế ra cách chống nước tràn vào nhà qua cửa sổ

Cũng bị nước tràn vào nhà qua cửa số, anh Tuấn - cư dân sống tại khu nhà ở HH Linh Đàm đã "sáng chế" ra cách ngăn nước mưa rất độc đáo. Anh đã khoan hai lỗ nhỏ trên khung cửa sổ, tạo ra một hệ thống dẫn nước tự động. Phía bên dưới, anh để sẵn xô hoặc chậu cho nước chảy vào.

Anh Tuấn chia sẻ, nhờ cách làm này, anh hạn chế được việc sàn gỗ bị hư hỏng. Thấy nhiều người cũng tìm cách để bảo vệ sàn nhà, anh chia sẻ sáng kiến này lên nhóm chung cư để mọi người tham khảo.

Theo báo cáo nhanh của Hà Nội, bão số 3 đã gây thiệt hại nghiêm trọng làm chết 3 người, 8 người bị thương, 19 ngôi nhà và ki-ốt bị tốc mái, 7 ô tô bị hư hỏng và hàng nghìn cây xanh bị gãy đổ. Ngoài ra, 1.700 ha lúa cũng bị ngập nước. Vào sáng ngày 8/9, các lực lượng chức năng đã khẩn trương tiến hành xử lý cây đổ để đảm bảo giao thông được thông suốt.

Sau hơn 10 giờ tàn phá các tỉnh Bắc Bộ, siêu bão Yagi đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới vào rạng sáng nay. Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, vào lúc 4h sáng ngày 8/9, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới nằm ở khoảng 21,2 độ Vĩ Bắc và 104,8 độ Kinh Đông, trên khu vực đất liền phía Tây Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất gần tâm áp thấp nhiệt đới đạt cấp 6 (39 - 49 km/h), giật cấp 7 và di chuyển theo hướng Tây với tốc độ từ 10 - 15 km/h.