Đăng ký mua vàng online rồi "xù": Người dân không còn mặn mà với vàng?

Một số nhân viên ngân hàng cho biết, sức mua vàng miếng đã có dấu hiệu giảm dần, có một số trường hợp đăng ký mua vàng thành công nhưng sau đó không đến giao dịch.

"Bất động" cả về giá lẫn giao dịch

Tính đến ngày 2/7, giá vàng SJC “giá Nhà nước” vẫn duy trì ở mức 76,98 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra và 74,98 triệu đồng/lượng chiều mua vào tại Công ty SJC. Mức giá này đã được 4 ngân hàng quốc doanh và Công ty SJC duy trì từ ngày 7/6 đến nay.

Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), sau khi thực hiện giải pháp bán vàng cho người dân thông qua 4 ngân hàng Agribank, Vietcombank, BIDV, VietinBank và Công ty SJC với mức giá “bình ổn”, đến nay các đơn vị này đã bán ra hàng trăm nghìn lượng vàng. Tuy nhiên, gần đây xuất hiện nhiều trường hợp đăng ký mua vàng thành công nhưng không đến giao dịch.

Theo đó, Agribank cho biết, trong gần 1 tháng qua, ngân hàng đã bán ra gần 20.000 lượng vàng; VietinBank cũng cho biết đã bán khoảng 16.000 lượng; BIDV khoảng 15.000 lượng…Sau khi các đơn vị chuyển sang bán vàng trực tuyến, tình trạng xếp hàng đông đúc, chen lấn đã chấm dứt hoàn toàn. Tùy theo quy định của mỗi ngân hàng, mà lượng vàng mỗi cá nhân được mua sẽ bị giới hạn trong thời gian 1 tuần, 1 tháng hay 1 lượt mua.

Tuy nhiên, đại diện Agribank cho biết, sau vài ngày đầu “sập web” lượng khách hàng đăng ký mua vàng giảm rất mạnh. Đặc biệt, mỗi ngày có 20-30 người đã đăng ký mua vàng thành công nhưng không đến giao dịch. Ngân hàng đã liên hệ để chốt giao dịch nhưng không thể kết nối được với những người này.

mua-vang-1719895201.jpg

Giao dịch cả trực tuyến và trực tiếp về vàng đang dấu hiệu giảm

Trong thời gian tới, NHNN cho biết sẽ tiếp tục bán vàng cho các ngân hàng thương mại và Công ty SJC để các đơn vị này bán online ra thị trường, đáp nhu cầu của người dân.Hầu hết các ngân hàng thương mại và doanh nghiệp kinh doanh vàng đều đánh giá các biện pháp can thiệp quyết liệt như hiện này của NHNN đã mang lại hiệu quả.

Thực tế đã chứng minh sự hiệu quả này khi chỉ trong 1 thời gian ngắn, thị trường vàng trong nước đã ghi nhận sự biến động mạnh mẽ với biểu đồ đi xuống. Tại thời điểm ngày 10/5, giá vàng miếng SJC đã “phá đỉnh” mọi thời đại với mốc 92,4 triệu đồng/lượng đến nay đã chỉ còn 76,98 triệu đồng/lượng, giảm hơn 15 triệu đồng mỗi lượng. Nếu như cách đây hơn 1 tháng mức chênh giá vàng trong nước và thế giới dao động quanh mức 17-20 triệu đồng/lượng thì tới nay đã giảm xuống mức 4-5 triệu đồng.

Người dân đã "chán" vàng?

Thời gian gần đây, giới chuyên gia đều đưa ra nhận định kênh đầu tư này đã không còn hấp dẫn như trước.  Theo TS. Nguyễn Trí hiếu, chuyên gia kinh tế, nguồn cung vàng SJC khiêm tốn cùng với việc giá vàng “bất động” khiến người dân không còn mặn mà với kênh đầu tư này. Bên cạnh đó, việc kiểm soát hoạt động mua bán tại các công ty kinh doanh, cửa hàng vàng bạc đá quý cũng như ngăn chặn tình trạng buôn lậu đã khiến các giao dịch phải đi vào nền nếp khiến dòng tiền giao dịch không thể “bung xõa”.

Trước đó, ông Nguyễn Minh Tuấn – CEO AFA Capital, đồng sáng lập Cộng đồng cố vấn tài chính Việt Nam (VWA) cũng đưa ra lời khuyên nên hạ tỷ trọng tài sản vàng, bởi khi giá vàng sẽ giảm xuống và mọi thứ bình ổn trở lại. Đây sẽ không còn là kênh đầu tư hấp dẫn.

Ở góc độ đầu tư, ông Phan Dũng Khánh, chuyên gia phân tích cho biết, giá vàng thế giới hiện chỉ giảm nhẹ so với đỉnh cao xoay quanh 2.450 USD/ounce đạt được trong tháng 5 vừa qua nên kim loại quý vẫn còn đang trong vùng đỉnh. Từ nay đến cuối năm, xác suất tăng giá của vàng vẫn có thể xảy ra nhưng khó lên mạnh nên tỷ suất sinh lời không còn cao như những tháng đầu năm. Trong khi đó, giá USD duy trì ở mức khao khiến tỷ lệ rủi ro của vàng cũng nhiều hơn trước.

gia-vang-1719895133.jpg

Giới chuyên gia đánh giá vàng không còn hấp dẫn

Ngoài biến động trên thị trường thế giới rất khó dự báo thì giá vàng tại Việt Nam vẫn có thể biến động ngược chiều thế giới. Trong đó, rủi ro còn tiềm ẩn ở mức chênh lệch giữa giá mua - bán cũng như chênh lệch giá trong nước với thế giới sẽ khiến người mua dễ bị thua lỗ.

Các chuyên gia cũng cho rằng, ngay cả khi NHNN khẳng định không thiếu vàng để bán nhưng chỉ áp dụng biện pháp hiện nay như 1 giải pháp tình thế. Bởi tình trạng “án binh bất động” như hiện nay có thể không kéo dài được lâu vì không phản ánh được nhu cầu của người dân đã giảm thật sự hay chưa và phụ thuộc vào các chính sách sắp tới của NHNN.

Theo PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giá (Bộ Tài chính), biện pháp tăng cung (ngân hàng bán vàng bình ổn) nếu kéo dài sẽ dẫn đến tình trạng “vàng hóa” nền kinh tế khi để một lượng tiền lớn không phục vụ sản xuất mà nằm im trong dân, gây lãng phí nguồn lực.

Trong khi đó, TS Nguyễn Đức Kiên, nguyên Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ lại cho rằng, dù không khuyến khích giữ vàng miếng nhưng người dân có nhu cầu vàng trang sức thì lại khác. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng, mục tiêu là không để vàng trở thành một phương tiện thanh toán trong nền kinh tế thay thế tiền đồng.