Theo đó, ý tưởng đảo vườn được Liên danh tư vấn Tổ chức Khoa học và chuyên gia Việt Nam toàn cầu - Viện Quy hoạch vùng Paris đưa ra trong nghiên cứu phát triển toàn diện hành lang sông Sài Gòn, đang được TP. HCM đặt làm cơ sở quy hoạch.
Liên danh tư vấn đã nghiên cứu và nhận thấy dọc sông Sài Gòn đoạn chảy qua địa phận TP. HCM có nhiều khu vực, môi trường khác nhau. Dựa trên lợi thế và đặc trưng riêng của mỗi khu vực, nhóm nghiên cứu đã đề xuất chia làm 4 phân khu để phát triển. Trong đó, các đảo vườn giữa sông sẽ được xây dựng tại phân khu thứ 4 tức là vùng lõi giao giữa Q.1 và Thủ Thiêm. Những đảo vườn này sẽ là điểm dừng chân, kết nối các cầu đi bộ (khi được thành phố bổ sung xây dựng), tạo liên kết và thu hẹp không gian hai bờ khi mặt sông Sài Gòn ở khu vực này đang khá rộng (khoảng 250m).
Theo gợi ý của liên danh tư vấn, những đảo vườn có thể được xây nổi hoặc cố định, bố trí gần bờ nơi có dòng chảy chậm, hạn chế ảnh hưởng qua lại của tàu thuyền. Các hoạt động giải trí như quán nhạc, cà phê, nhà hàng nổi, hồ bơi cũng có thể tổ chức trên đảo, nhằm tăng trải nghiệm vượt sông đồng thời tạo điểm nhấn du lịch, giải trí hấp dẫn cho khu vực trung tâm.
Về ý tưởng mô hình đảo vườn trên sông, Giám đốc dự án quy hoạch chiến lược phát triển hành lang sông Sài Gòn – TS. Nguyễn Thu Trà chia sẻ, hiện nay trên thế giới mô hình này chưa phổ biến, chỉ có một số vườn nổi đã thử nghiệm ở Paris, Nantes (Pháp) và trên sông Rhine (Đức). Bên cạnh đó, trước khi lên ý tưởng thực hiện ở sông Sài Gòn, liên danh tư vấn cũng tham khảo quá trình phát triển không gian công cộng trên mặt nước tại cảng Copenhagen (Đan Mạch).
Bà Trà cho hay, ý tưởng xây dựng đảo vườn xuất phát từ thực tế trung tâm TP. HCM thiếu không gian xanh và kết nối đi bộ ở hai bờ Q.1 – Thủ Thiêm.
Nguyên Phó KTS trưởng TP. HCM – TS. Võ Kim Cương đánh giá, đây là ý tưởng lạ, độc đáo. Đặt trong bối cảnh tổng thể quy hoạch chung thành phố đang được xây dựng và điều chỉnh, đảo vườn có thể kết hợp với công viên sinh thái trong khu Thủ Thiêm, kết hợp quảng trường phía Thủ Thiêm, trong tương lai sẽ đem tới những trải nghiệm tốt hơn cho người dân, du khách.
Ông Cương phân tích thêm, nếu đảo nổi làm ở khu vực gần bờ Thủ Thiêm sẽ không ảnh hưởng tới giao thông đường thủy. Do đây là khu vực cạn, ít tàu thuyền qua lại, chủ yếu neo đậu. Hiện nay, phía bờ trung tâm TP. HCM là điểm sâu nhất của sông Sài Gòn nên tàu thuyến sẽ lưu thông về hướng này. Bởi vậy việc xây dựng đảo vườn phía vòng cung Thủ Thiêm là hợp lý hơn.
Liên danh tư vấn nhận định, khi làm đảo vườn giữa sông Sài Gòn, TP. HCM và người dân sẽ được hưởng nhiều lợi ích về kinh tế, xã hội. Việc hình thành các đảo vườn tại đây ngoài tăng kết nối đối bờ, còn là cơ hội giúp TP. HCM cải tạo sinh thái, phát triển công viên công cộng, cân bằng quá trình đô thị hóa. Các đảo vườn cũng có thể giúp TP. HCM tạo ra sự khác biệt trong cách nhìn nhận, đánh giá từ quốc tế.
Ngoài khu vực trung tâm, dọc tuyến sông chảy qua TP. HCM với chiều dài khoảng 80 km cũng được liên danh tư vấn đề xuất chia làm nhiều phân khu khác nhau và phát triển dựa theo lợi thế song song với bảo tồn các giá trị văn hóa, lịch sử. Khi kết hợp hài hòa sẽ tạo ra chuỗi giá trị lớn trên hành lang sông Sài Gòn, làm nổi bật hình ảnh, văn hóa, di sản của dòng sông.
Bên cạnh đó, cùng với ý tưởng xây dựng khu "công viên đầm lầy Thanh Đa", đảo vườn trên sông không chỉ là các công trình tạo điểm nhấn cho TP. HCM mà còn thu hút đầu tư và ủng hộ của các nhóm cộng đồng cho quá trình phát triển bền vững.