Đất đấu giá “hạ nhiệt” nhưng vẫn bán chênh cả tỷ đồng

Các phiên đấu giá quyền sử dụng đất tại khu vực ven đô Hà Nội, dù đã có dấu hiệu “giảm nhiệt” cả về số lượng người tham gia và mức giá trúng, nhưng vẫn chứng kiến cảnh các lô đất được mua đi bán lại với giá chênh lệch lớn, từ vài trăm triệu đến cả tỷ đồng.

Ngày 16/11, Hà Nội tiếp tục tổ chức các phiên đấu giá quyền sử dụng đất tại các huyện vùng ven nhằm tăng nguồn thu cho ngân sách những tháng cuối năm. Trong đó, có phiên đấu giá 25 lô đất tại xã Đỗ Động (huyện Thanh Oai). Đây là những lô đất từng bị tạm dừng đấu giá để cơ quan chức năng kiểm tra do giá trúng tại các phiên trước tăng đột biến gấp nhiều lần giá khởi điểm.

Hạ nhiệt cả về người tham dự lẫn giá trúng

Các lô đất tại khu Man Cá, Man Cổng, Mạ Man Trong thuộc thôn Văn Quán có diện tích từ 84 đến 143 m², với giá khởi điểm 5,3 triệu đồng/m², thấp hơn 38% so với phiên ngày 10/8. Hình thức đấu giá yêu cầu tối thiểu 6 vòng, mỗi bước giá tăng 5 triệu đồng/m².

Kết quả phiên đấu giá ghi nhận hai lô góc có giá trúng cao nhất lên tới 90,3 triệu đồng/m², tương ứng giá trị hơn 11 tỷ đồng mỗi lô, gấp 17 lần giá khởi điểm. Giá trúng thấp nhất cũng đạt hơn 45 triệu đồng/m², gấp hơn 8 lần mức khởi điểm. Một số nhà đầu tư nhận định, mức giá từ 45 đến 50 triệu đồng/m² phù hợp với thị trường, nhưng mức giá từ 60 đến 90 triệu đồng/m² cao hơn giá trị thực khu vực từ 10 đến 30 triệu đồng/m².

san-giao-dich-1731806373.jpg

"Chợ đất" hình thành ngay sau các phiên đấu giá

Theo UBND huyện Thanh Oai, phiên đấu giá này có 111 người tham gia với 400 hồ sơ đăng ký, thấp hơn nhiều so với phiên ngày 10/8 tại khu Ngõ Ba, xã Thanh Cao, khi có hơn 1.500 người tham gia và 4.000 hồ sơ. Giá trúng tại phiên trước dao động từ 63 đến 80 triệu đồng/m², thậm chí một số lô đạt 100 triệu đồng/m². Tuy nhiên, nhiều trường hợp không hoàn thành nghĩa vụ tài chính dù giá trúng cao ngất ngưởng.

Trước đó, tại huyện Phúc Thọ, Trung tâm Phát triển Quỹ đất phối hợp tổ chức đấu giá 12 lô đất tại các khu Dộc Tranh, Hương Nam và Cổng Chợ. Mức giá trúng tại đây dao động từ 28,8 đến 37,6 triệu đồng/m², thấp hơn nhiều so với phiên đấu ngày 17/9, khi giá trúng cao nhất lên tới 75 triệu đồng/m², gấp đôi giá khởi điểm.

Nhìn lại cách đây hơn 3 tháng, các phiên đấu giá đất tại vùng ven Hà Nội thu hút hàng trăm, thậm chí hàng nghìn người tham gia, với giá trúng liên tục phá kỷ lục, vượt ngưỡng 100 triệu đồng/m². Tuy nhiên, sau các biện pháp kiểm soát và chấn chỉnh của cơ quan chức năng, thị trường đấu giá đất đã phần nào giảm nhiệt, dù những giao dịch chênh lệch lớn vẫn âm thầm diễn ra.

Thực tế, ngay khi phiên đấu giá ngày 16/11 chưa kết thúc, nhiều “cò” đất đã tụ tập chào bán suất trúng với mức chênh lệch từ vài trăm triệu đồng, đặc biệt các lô góc rao chênh tới gần 1 tỷ đồng. Trên mạng xã hội, hàng loạt tin rao bán cũng được đăng tải, khiến dư luận tiếp tục quan tâm.

Hiện tượng nguy hiểm

Chia sẻ tại hội nghị của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) diễn ra mới đây, TS Nguyễn Văn Khôi, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) cho rằng, nguyên nhân chính của sự tăng giá đột biến này là do tình trạng thiếu hụt nguồn cung, cùng với những yếu tố như chính sách đất đai chưa rõ ràng, thủ tục pháp lý phức tạp, và đặc biệt là sự thao túng giá từ một số nhà đầu cơ.

Cũng theo ông Khôi, mặc dù thị trường bắt đầu có những tín hiệu khởi sắc từ giữa năm 2024 sau khi các luật sửa đổi được thông qua và có hiệu lực, nhưng quá trình thực thi tại các địa phương vẫn còn nhiều khó khăn. Nhiều dự án bị kéo dài do vướng mắc thủ tục hành chính, dẫn đến tình trạng nguồn cung bị hạn chế, trong khi cầu vẫn rất cao.

Trên cương vị doanh nghiệp, ông Nguyễn Đức Cây, Chủ tịch HĐQT CTCP Phát triển nhà Constrexim chia sẻ, sau hơn 40 năm làm trong ngành, ông chưa bao giờ chứng kiến mức độ tăng giá bất động sản "khủng khiếp" như hiện nay. Một số khu vực đã ghi nhận mức tăng giá từ 10 đến 20 lần trong một thời gian ngắn.

dau-gia-dat-4-1731806507.jpg

Đã không còn những phiên đấu giá đất xuyên đêm với hàng nghìn người tham dự

Theo ông Cây, nguyên nhân chính khiến giá bất động sản tăng mạnh là do đầu cơ, khi một số đối tượng cố tình thổi giá lên cao để kiếm lời. Điều này đã khiến thị trường trở nên méo mó và không còn phản ánh đúng giá trị thực của bất động sản.

"Đây là một hiện tượng rất nguy hiểm, bởi giá đất tăng cao không chỉ làm mất ổn định thị trường mà còn khiến người dân, đặc biệt là những người có nhu cầu mua nhà thực sự, phải gánh chịu hậu quả. Khi giá đất tăng, tất cả các loại hình sản phẩm bất động sản đều bị đẩy lên theo, gây ra áp lực lớn đối với người dân", ông Cây nhấn mạnh.

Ông Lê Quang Tiến, Phó Chủ tịch Tập đoàn FPT, cho rằng việc kiểm soát giá bất động sản không thể chỉ phụ thuộc vào các doanh nghiệp hay môi giới mà cần có sự can thiệp mạnh mẽ từ Nhà nước. Theo ông, Nhà nước cần tham gia điều chỉnh giá đất, bởi nếu giá đất không được kiểm soát hợp lý, các loại hình bất động sản khác cũng sẽ đồng loạt tăng giá. Điều này không chỉ kéo dài tình trạng "sốt đất" mà còn khiến thị trường trở nên bất ổn.

Ông Tiến đề xuất, để hạn chế đà tăng giá bất động sản, cần triển khai các chính sách ưu đãi đối với các dự án nhà ở cao tầng. Đây được xem là giải pháp hiệu quả vừa tiết kiệm quỹ đất, vừa đáp ứng nhu cầu nhà ở ngày càng lớn của người dân.

Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh, chính sách về tiền sử dụng đất đối với các dự án cao tầng cần được điều chỉnh hợp lý hơn, nhằm giảm bớt áp lực chi phí cho các nhà đầu tư, từ đó thúc đẩy sự phát triển bền vững của thị trường bất động sản.