Đầu cơ, "chôn" tiền vào đất đang gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội

Trong khi người có nhu cầu thực không thể tiếp cận thì đất đai lại bị bỏ hoang quá nhiều do đầu cơ. Đáng lẽ nguồn lực xã hội dành cho kinh doanh, sản xuất, tạo việc làm lại bị “chôn” vào bất động sản, làm giảm khả năng cạnh tranh của nền kinh tế.

Tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV diễn ra sáng ngày 20/5, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh đã trình bày Báo cáo thẩm tra đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và NSNN năm 2023, tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2024.

Trong đó có nội dung đánh giá về thị trường bất động sản, Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh cho biết, đã có tín hiệu phục hồi nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là về quy trình, thủ tục phát triển các dự án nhà ở xã hội, xuất hiện tình trạng “lách luật” để đầu tư, mua bán nhà ở xã hội; tiến độ triển khai gói 120.000 tỉ đồng còn chậm.

vu-hong-thanh-1716191112.jpeg
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra tại Quốc hội. Ảnh: Quochoi.vn

Doanh nghiệp bất động sản tiếp tục đối mặt khó khăn về thanh khoản, dòng tiền. Trong khi đó, thị trường tài chính, tiền tệ còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, tỷ lệ nợ xấu có xu hướng gia tăng khiến các ngân hàng cẩn trọng, doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn. Cùng với đó, áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp đang ở mức cao nhất trong 3 năm gần đây, khoảng 300.000 tỉ đồng, nhóm bất động sản chiếm 44,2%. Trong khi thị trường chung chưa thể sôi động trở lại do mất niềm tin của nhà đầu tư, càng gây khó đến cho hoạt động kinh doanh của nhóm bất động sản.

Đáng chú ý, báo cáo của Ủy ban Kinh tế Quốc hội cũng chỉ ra thực trạng giá nhà chung cư, kể cả nhà ở xã hội tại một số địa bàn tăng cao đột biến do nguồn cung khan hiếm, mất cân đối cơ cấu sản phẩm của thị trường. Giá đất nền có dấu hiệu tăng trở lại ở các thành phố lớn, thậm chí tăng giá cao cục bộ do đầu cơ, ảnh hưởng đến nhu cầu về nhà ở của người dân, người lao động.

Xét về khía cạnh hiệu quả kinh tế - xã hội, ông Vũ Hồng Thanh cho rằng, tình trạng này dẫn đến nhiều hệ lụy. Trước hết là người có nhu cầu thực không thể tiếp cận đất đai trong khi lượng lớn đất đai bị bỏ hoang do đầu cơ; nguồn lực xã hội thay vì dành cho đầu tư sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm lại bị "chôn" vào đất, làm tăng chi phí của doanh nghiệp, giảm khả năng cạnh tranh của nền kinh tế.

Bên cạnh đó, người có nhu cầu mua nhà, đất ở thực sự đang phải trả một khoản tiền lớn cho giới đầu cơ, người nghèo đang phải chi trả nhiều hơn cho nhu cầu về nhà ở, khiến tình trạng gia tăng khoảng cách giàu nghèo trong xã hội ngày càng lớn.

Nguyên nhân của thực trạng này, theo Ủy ban Kinh tế là có cả chủ quan và khách quan. Theo đó, những tác động, ảnh hưởng của các yếu tố bất lợi từ bên ngoài, những hạn chế, bất cập từ nội tại nền kinh tế tích tụ trong thời gian dài chưa được xử lý hiệu quả đã ảnh hưởng đến sự phát triển chung, nhất là quy mô nền kinh tế còn nhỏ, sức chống chịu, năng lực cạnh tranh còn hạn chế.

Ngoài ra vẫn còn tồn tại những bất cập, yếu kém về cơ cấu kinh tế, năng lực sản xuất, năng suất lao động. Công tác dự báo còn hạn hạn chế, vai trò quản lý Nhà nước, phản ứng chính sách, sự phối hợp của một số Bộ, ngành trong một số trường hợp chưa kịp thời, có nơi, có lúc còn bị động, hiệu quả chưa cao. 

khu-do-thi-co-duong-1716191485.jpg
Dự án Khu đô thị Cổ Xương, xã Tiên Dương, huyện Đông Anh là một trong nhiều dự án đã mua bán qua tay nhiều lần nhưng vẫn chưa triển khai xây dựng, bỏ hoang, cỏ mọc um tùm

Do đó, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ nhận diện đầy đủ những kết quả đạt được và những tồn tại, hạn chế của nền kinh tế, làm rõ nguyên nhân khách quan, nguyên nhân chủ quan, bài học kinh nghiệm để có giải pháp khắc phục.

Liên quan đến vấn đề đầu cơ đất đai, khảo sát thực tế tại nhiều huyện ngoại thành Hà Nội như Đông Anh, Sóc Sơn, Quốc Oai…không khó để tìm thấy những diện tích lơn 1.000 – 2.000m2, được các cá nhân, doanh nghiệp gom lại của các hộ gia đình, sau đó lập hồ sơ dự án chuyển đổi mục đích sử dụng để phân lô, bán nền.

Trong đó có nhiều lô đất đã tồn tại hàng chục năm, được bán qua tay rất nhiều người nhưng luôn trong tình trạng bỏ hoang, cỏ mục um tùm hoặc hoặc làm nơi trồng cây, chăn thả gia súc. Không chỉ những dự án nhỏ lẻ, nhiều dự án quy mô lớn như Khu đô thị Cổ Dương (Đông Anh), dự án khu làng nghề Sơn Đồng- Song Phương (Hoài Đức), dự án đất dịch vụ Vân Canh (Hoài Đức)…cũng chung tình trạnh mua bán qua tay nhiều lần nhưng vẫn chưa triển khai xây dựng để đưa vào sử dụng.

Nhận định về vấn đề này, GS. Đặng Hùng Võ cho biết, các quốc gia trên thế giới dùng hình thức phân lô bán nền để giải quyết nhà ở đô thị, không đưa vào thương mại. Về nguyên tắc, thị trường bất động sản phải khai thác giá trị đầu tư trên đất chứ không phải chờ tăng giá để gặt hái lợi nhuận, hay còn gọi là đầu cơ. Đây là hành động làm hại nền kinh tế.

Tới đây, Luật Kinh doanh Bất động sản 2023 (sửa đổi) đang được đề xuất có hiệu lực từ 1/7/2024 với những quy định mới theo xu hướng "siết" hoạt động phân lô, bán nền sẽ hạn chế được tình trạng bỏ hoang đất đai như hiện nay. Cụ thể, quy định không được chuyển nhượng  quyền sử dụng đất cho cá nhân tự xây dựng nhà ở, tự phân lô bán nền trong khu vực các phường, quận, thành phố của đô thị loại đặc biệt, loại I, II và III; không cho phân lô, bán nền tại tổng cộng 105 thành phố, thị xã trên toàn quốc, tăng thêm 81 thành phố, thị xã so với quy định hiện hành.