Theo phản ánh của những người muốn mua vàng để trả nợ, thời gian gần đây, lượng vàng ngân hàng bán rất hạn chế, đăng ký online cũng không dễ, tại các cơ sở kinh doanh vàng cũng thường xuyên thông báo “không có cả vàng miếng lẫn vàng nhẫn và không biết bao giờ mới có”.
Diễn biến lạ trên thị trường vàng
Thế nhưng, tại các cửa hàng nhỏ lẻ khi được hỏi cũng luôn trả lời không có, nhưng khi ngỏ ý muốn mua số lượng lớn thì họ lại trả lời là có nhưng vàng sẽ không được giao dịch tại cửa hàng. Để mua được vàng, khách hàng phải chuyển cọc sau đó sẽ tiến hành giao dịch tại nhà của khách hàng hoặc quán cà phê với cam kết vàng chuẩn, đầy đủ giấy tờ…
Tuy nhiên, mức giá mà họ đưa ra sẽ chênh khoảng 2,5 – 3,5 triệu đồng/lượng so với giá niêm yết của Nhà nước. Cũng có nơi họ đồng ý giao dịch với khách ngay tại cửa hàng nhưng họ phải chắc chắn là khách mua thật mới phát giá, cam kết giao vàng và kèm theo “mua bao nhiêu cũng có”.
Không chỉ vậy, trên mạng xã hội cũng xuất hiện nhiều diễn đàn, hội nhóm mua bán trao đổi vàng miếng SJC với hàng chục nghìn người tham gia.
Lý giải nguyên nhân của diễn biến này, PGS.TS Nguyễn Hữu Huân – giảng viên cao cấp Đại học Kinh tế TP. HCM, thời gian qua khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) triển khai bán vàng miếng SJC trực tiếp cho người dân thông qua các đơn vị chỉ định, đã xuất hiện tình trạng vàng “2 giá” gồm: giá bán chính thức và giá trên thị trường tự do.
Điều này xuất phát từ nhu cầu thị trường vẫn lớn nhưng lượng người mua được vàng miếng không nhiều nên những người này đã mang vàng ra ngoài bán kiếm chênh lệch, có thời điểm khoảng cách giữa thị trường chính thức và tự do lên đến 4 triệu đồng/lượng.
Thực tế, kể từ khi NHNN giới hạn việc bán vàng miếng SJC qua 4 ngân hàng quốc doanh và Công ty SJC, thị trường vàng đã chứng kiến nhiều diễn biến bất thường như trên, cùng với đó là những tin đồn thất thiệt về việc NHNN “hết vàng” tạo tâm lý hoang mang cho người dân…
Để thực hiện đúng mục tiêu bình ổn, minh bạch thị trường vàng, NHNN đã và đang phối hợp với cơ quan Công an nhằm xác minh và xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, thao túng thị trường. Đồng thời thanh tra, làm rõ các sai phạm (nếu có) của các doanh nghiệp kinh doanh vàng.
Đặc biệt, cuối tháng 7 vừa quan, NHNN chi nhánh TP.HCM đã thành lập Tổ công tác bảo đảm an ninh thị trường vàng trên địa bàn thành phố với nhiệm vụ thu thập, phân tích thông tin, số liệu, tình hình về khách hàng mua bán vàng miếng trên địa bàn. Cùng với đó, kiểm tra các tổ chức, cá nhân có dấu hiệu nghi vấn đầu cơ, trục lợi, gây bất ổn thị trường vàng.
Công tác quản lý là cần thiết
Theo ông Trần Duy Phương, chuyên gia độc lập về thị trường vàng, NHNN đã có nhiều thành công trong quản lý thị trường vàng thời gian gần đây như rút ngắn được chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới từ 17, 18 triệu đồng/lượng xuống còn khoảng 5 – 6 triệu đồng/lượng.
Ngoài ra, với việc yêu cầu người mua vàng phải đăng ký thông tin và có sự giám sát của cơ quan quản lý, ông Phương cho rằng hoạt động đầu cơ tích trữ vàng đã giảm đáng kể hoặc gần như được triệt tiêu.
Ngay cả giải pháp của UBND TP. HCM vừa triển khai nhiều người cho rằng không cần thiết nhưng cũng sẽ góp phần ngăn chặn nạn đầu cơ, làm giá, trục lợi trên thị trường vàng. Khi đó, thị trường chỉ những người có nhu cầu thật sự, nắm giữ vàng lâu dài, tâm lý đổ xô mua vàng miếng SJC sẽ giảm bớt.
Nhìn từ thực tế thị trường vàng từ trước đến nay, nhiều chuyên gia nhận định, đặc điểm của thị trường vàng Việt Nam là không có sàn giao dịch tập trung, thiếu sự minh bạch, người dân mua bán chủ yếu tại các cửa hàng vàng với mức giá do những người chủ ấn định, người mua bán không quyết định được giá.
Trong nhiều năm qua, có hàng chục nghìn doanh nghiệp đăng ký kinh doanh vàng trên cả nước nhưng mức giá quy định tương đương nhau, chênh lệch không đáng kể. Bởi lẽ, giá trên thị trường đã được “nhà cái” ấn định. Đây là những nhóm đầu cơ, có khả năng lũng đoạn thị trường.
Tại một tọa đàm về thị trường vàng, ông Nguyễn Văn Phụng, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) phân tích, lịch sử những “cơn bão giá vàng” đều có “bàn tay” của một số nhóm đầu cơ mượn “sóng” vàng thế giới để đẩy giá trong nước nhằm trục lợi.
Thực tế, nhu cầu mua vàng của người dân không quá lớn để NHNN phải hy sinh dự trữ ngoại tệ quốc gia để giải quyết và cơ quan quản lý cũng đã có khuyến nghị những cơ quan liên quan triển khai các giải pháp ứng xử phù hợp với thị trường.
Theo đó, để quản lý thị trường vàng hiệu quả, Chính phủ cần có đề án tổng thể, phân rõ vai trò, trách nhiệm của từng bộ, ngành. Đồng thời, đưa ra cơ chế phối hợp hiệu quả để tiến tới định danh vàng, ngăn chặn hiệu quả buôn lậu vàng, làm lộ diện những “nhà cái”.
Giới chuyên gia vừa đưa ra cảnh báo 3 hình thức lừa đảo phổ biến khi giao dịch vàng trên môi trường mạng xã hội. Đầu tiên, những người rao bán bằng giá ngân hàng nhưng thực chất là vàng giả, vàng kém chất lượng, hóa đơn cũng có thể làm giả.
Thứ hai, người mua bán hẹn nhau lên ngân hàng để giao vàng và nhận tiền nhưng người có nhu cầu mua vàng phải đưa tiền trước, người nhận tiền sau đó sẽ tìm cách "chuồn" với lý do “đi làm thủ tục”.
Thứ ba, hai bên hẹn gặp tại một địa điểm để giao dịch. Theo đó, kẻ xấu có thể đánh thuốc mê người muốn mua vàng để cướp tài sản và hiện tượng này đã xảy ra khiến một số người dân mất số tiền lớn.