Phát triển văn hóa xếp hạng tín nhiệm sẽ giúp minh bạch thị trường trái phiếu

TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, cần phải phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp lành mạnh, đặc biệt là trái phiếu phát hành ra công chúng và tăng xếp hạng tín nhiệm

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) được xem là có vai trò hết sức quan trọng cho việc huy động vốn trung và dài hạn, bảo đảm thanh khoản cho nền kinh tế, thúc đẩy cạnh tranh. Tuy nhiên, thời gian qua kênh huy động này đã bộc lộ nhiều lỗ hổng, rơi vào tình trạng trầm lắng.

Nói về thị trường trái phiếu trong giai đoạn hiện nay, tại hội thảo “Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp tới 2030: Góc nhìn từ xếp hạng tín nhiệm” được phối hợp chức bởi Tạp chí Kinh tế Việt Nam/ VnEconomy,  Moody’s Ratings và VIS Rating, GS.TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính – Ngân sách Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam nhận định, trái phiếu là kênh huy động vốn dài hạn cho doanh nghiệp. Sau giai đoạn tăng trưởng bùng nổ 2018-2021, khủng hoảng thị trường TPDN xảy ra vào năm 2022, tỷ lệ nợ rơi từ 16% GDP xuống còn khoảng 11%, hiện chưa có chiều hướng đi lên mà vẫn bò ngang.

trai-phieu-doanh-nghiep-bds-1716013228.jpeg
TPDN có vai trò rất quan trọng khi các doanh nghiệp đang bước vào giai đoạn phục hồi sản xuất, đặc biệt là các doanh nghiệp bất động sản

“Tăng trưởng chưa rõ, quy mô thị trường nhỏ, khiến mục tiêu đến năm 2025, dư nợ TPDN đạt tối thiểu khoảng 20% GDP là khó. Đến năm 2030, mục tiêu dư nợ TPDN đạt được 25% cũng rất khó”, ông Cường nhận định.

Hiện, các doanh nghiệp đang phụ thuộc nguồn vốn chủ yếu ở kênh ngân hàng. Do đó, TPDN có vai trò rất quan trọng khi các doanh nghiệp đang bước vào giai đoạn phục hồi sản xuất, nhưng lại khó tiếp cận nguồn vốn ngân hàng. Tuy nhiên, muốn phát hành trái phiếu thì phải đạt được độ tin tưởng để khách hàng yên tâm.

Trong một cuộc tọa đàm về trái phiếu được tổ chức trước đó, nhiều chuyên gia cho rằng, có 2 nhiệm vụ rất cần thiết phải làm là thúc đẩy thị trường TPDN bền vững và xử lý vấn đề còn tồn tại của thị trường.

Thị trường TPDN hay bất kì thị trường nào đều phải trải qua những giai đoạn phát triển và những vấp vấp để chỉnh sửa lại những quy định, chính sách, chuẩn hóa quá trình phát triển của mình. Một số trường hợp vi phạm vừa qua mang lại nhiều bài học quý, cả cho người làm chính sách và cả người đầu tư mua trái phiếu.

Đồng quan điểm, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cho rằng, cần phải đưa TPDN thành một thị trường huy động vốn chủ chốt của nền kinh tế. Về lâu dài, trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn chính của doanh nghiệp.

Do đó, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, cần phải phát triển thị trường TPDN lành mạnh, đặc biệt là TPDN phát hành ra công chúng và tăng xếp hạng tín nhiệm.  Việc phát triển văn hóa xếp hạng tín nhiệm sẽ góp phần tăng tính minh bạch, cải thiện niềm tin của nhà đầu tư, giúp hình thành đường cong lợi suất.

ong-hoang-van-cuong-1716013335.jpg
GS.TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính – Ngân sách Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam nhận định, trái phiếu là kênh huy động vốn dài hạn cho doanh nghiệp

Từ đó, tạo đà phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp lành mạnh và bền vững hơn, hiện thực hóa mục tiêu của Chính phủ nâng quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp đạt 20% GDP vào năm 2025 và 30% GDP vào năm 2030 từ mức 10% GDP.

Trong năm 2023, thị trường TPDN chứng kiến sự đột phá về khối lượng phát hành bởi các tooe chức đã xếp hạng đạt 27.700 tỉ đồng, gấp 10 lần giá trị năm 2022. Riêng trong 4 tháng đầu năm nay, có 30 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trị giá hơn 27.000 tỷ đồng, song lượng trái phiếu doanh nghiệp được xếp hạng tín nhiệm chỉ chiếm 7,5% giá trị phát hành.

Tuy theo số liệu của Fiin Ratings, tỷ lệ trái TPDN được xếp hạng ở Việt Nam vẫn còn thấp so với khu vực khi ở Indonesia, Thái Lan, Malaysia đang dao động ở mức trên 50%, nhưng đây cũng là một tín hiệu tốt.  

“Đáng mừng là, các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư tổ chức, như các công ty quản lý quỹ, bảo hiểm, bắt đầu quan tâm và ứng dụng xếp hạng tín nhiệm trong hoạt động phân bổ danh mục tài sản, công tác quản trị đầu tư và quản trị rủi ro. Nếu thiết kế thị trường bài bản, Việt Nam sẽ có thị trường TPDN hàng đầu khu vực”, TS. Lê Xuân Nghĩa nhận định.

ong-jeffrey-lee-1716013394.jpeg
Ông Jeffrey Lee, Giám đốc phụ trách Khu vực châu Á Thái Bình Dương, Moody’s Ratings cho rằng trái phiếu xanh sẽ giúp hệ thống tài chính bền vững

Ở phía góc nhìn của nhà đầu tư quốc tế, tại hội thảo “Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp tới 2030: Góc nhìn từ xếp hạng tín nhiệm”, ông Jeffrey Lee, Giám đốc phụ trách Khu vực châu Á Thái Bình Dương, Moody’s Ratings cho biết, tại nhiều quốc gia trên thế giới đã và đang có nhiều sự hỗ trợ cần thiết về chính sách cũng như tạo cơ sở hạ tầng cho các doanh nghiệp, nhà phát hành tiếp cận thị trường trái phiếu bền vững.

Ông Jeffrey Lee dẫn ví dụ về sự thành công của phát triển thị trường tài chính bền vững là Singapore, quốc gia này đã hoàn thành Hệ thống Phân loại Singapore - Châu Á ( Singapore-Asia Taxonomy) - một công cụ không chỉ xác định các tài sản chính mà còn các tài sản chuyển đổi.

Singapore đã triển khai các chương trình tài trợ và trợ cấp nhằm giảm bớt gánh nặng cho các nhà phát hành. Theo đó, chỉnh phủ Singapore đã cung cấp tài trợ bao gồm chi phí phát hành trái phiếu xanh.

Ngoài Singapore, chính phủ Nhật Bản cũng đã cung cấp một lộ trình toàn diện và thiết lập một điểm tham chiếu cho các doanh nghiệp tư nhân theo dõi trong thị trường tài chính bền vững. Một trong số đó là tạo điều kiện cho khu vực tư nhân tham gia vào thị trường tài chính, cũng như trái phiếu xanh.