Đầu năm, FPT đã báo lãi đậm, tăng trưởng nhanh ở mảng dịch vụ ở nước ngoài

Tập đoàn FPT vừa công bố kết quả kinh doanh sơ bộ 2 tháng đầu năm 2024 với những con số đầy khả quan cho thấy sự phát triển mạnh mẽ ở hầu hết các mảng dịch vụ, đặc biệt là mảng dịch vụ CNTT nước ngoài. Qua đó cũng cho thấy đà tăng trưởng chung của lĩnh vực CNTT nước nhà.

Theo đó, doanh số cả tập đoàn FPT trong 2 tháng đầu năm ước đạt 8.966 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 1.567 tỷ đồng, mức tăng trưởng tương ứng lần lượt là 22,9% và 19,5% so với cùng kỳ năm 2023.
Sau thuế, lợi nhuận của Tập đoàn đạt 1.137 tỷ đồng, tăng 22,8% so với cùng kỳ 2022. Thu nhập trên mỗi cổ phiếu (EPS) tương ứng đạt 896 đồng.

fpt-1711077697.jpg
FPT đạt được thành tích kinh doanh ấn tượng trong 2 tháng đầu năm 2024.

Cũng theo báo cáo, mảng dịch vụ CNTT dành cho thị trường nước ngoài đạt mức tăng trưởng mạnh nhất, ở mức 29,7% so với cùng kỳ năm 2023, tương ứng doanh thu 4.354 tỷ đồng. Trong đó, thị trường Nhật Bản và APAC tăng lần lượt 30,8% và 36,8%.

Báo cáo cũng ghi nhận, khối lượng đơn hàng ký mới tại thị trường nước ngoài đạt 5.797 tỷ đồng, giảm nhẹ 13,5% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, sự sụt giảm này lại xuát phát từ việc FPT đã dồn lực cho ký kết các đơn hàng mới vào tháng 12 trước đó. Tổng 3 tháng trong quý I (tính từ tháng 12//2023 đến hết tháng 2/2024), khối lượng đơn hàng ký mới của FPT đạt tăng trưởng 37,3% so với cùng kỳ năm 2023. Giá trị đơn hàng thắng thầu và đang trong giai đoạn xúc tiến ký kết trong 2 tháng đầu năm cũng đạt mức tăng trưởng 30%.

Về mảng dịch vụ trong nước, FPT cũng ghi nhận doanh thu 847 tỷ đồng, đạt mức tăng trưởng 10,4% so với cùng kỳ năm 2023. 

Theo kế hoạch kinh doanh năm 2024, FPT đặt mục tiêu doanh thu 61.850 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 10.875 tỷ đồng, tương đương mức tăng 18% so với kết quả năm 2023. Như vậy, sau 2 tháng đầu năm Tập đoàn này mới chỉ thực hiện được 14,5 % kế hoạch đề ra cả năm.

Một số điểm nhấn trong hoạt động của FPT trong 2 tháng đầu năm phải kể đến việc công bố mua 100% vốn của Next Advanced Communications NAC Co., Ldt. (NAC) của Nhật Bản, việc mua lại NAC được cho là sẽ giúp rộng đường hơn cho FPT xâm nhập thị trường CNTT tiềm năng nhưng đầy khó tính này.

df84d841-53a9-4c37-b9bf-aa34d2726f59-1711077976.png

Liên doanh Konica Minolta FPT Solution Labs Inc., được thành lập tháng 1/2024 sẽ giúp mở rộng gấp đôi tệp khách hàng dịch vụ CNTT cho FPT tại thị trường Nhật Bản.

FPT cũng nỗ lực hợp tác với các doanh nghiệp CNTT tiềm năng bên ngoài để phát triển những công nghệ mới hàng đầu như IoT, Big Data, AI… Tập đoàn đã thành lập liên doanh phần mềm với Konica Minolta dưới tên gọi Konica Minolta FPT Solution Labs…

Đáp ứng quá trình chuyển đổi số quốc gia, nhu cầu lớn của các bộ ngành, tổ chức xã hội, doanh nghiệp và người dân, cùng với những chính sách tạo điều kiện cho phát triển các dịch vụ số hóa, trong những năm gần đây, FPT đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Trước đó, năm 2023, FPT cũng đạt danh hiệu Thương hiệu công nghệ giá trị nhất Việt Nam, đồng thời giữ vị trí top 2 Thương hiệu tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam dựa trên giá trị thương hiệu. Đánh giá được thực hiện bởi Brand Finance – công ty định giá thương hiệu hàng đầu thế giới.