Đấu thầu, nhập khẩu vàng có thể giải quyết tình trạng bất ổn của thị trường?

Ngân hàng Nhà nước đưa ra quyết định đấu thầu vàng miếng, tăng nguồn cung vàng ra thị trường, kịp thời can thiệp và xử lý tình trạng chênh lệch giá vàng miếng trong nước - quốc tế. Vậy sau khi đấu thầu 16.800 lượng vàng miếng, giá vàng SJC liệu sẽ giảm như thế nào?

Đấu thầu vàng sẽ giúp kéo chênh lệch giá vàng trong nước - thế giới?

Ngân hàng Nhà nước vừa phát thông báo về việc sẽ đấu thầu gần 16.800 lượng vàng miếng vào sáng thứ hai tuần tới (ngày 22/4). Hoạt động đấu thầu sẽ diễn ra tại Cục Quản lý dự trữ ngoại hối Nhà nước.

dau-thau-vang-1713662430.jpg
Ngân hàng Nhà nước sẽ đấu thầu gần 16.800 lượng vàng miếng vào ngày 22/4

Theo quy chế, vàng miếng SJC sẽ được đấu thầu theo giá, tỷ lệ đặt cọc 10%. Giá tham chiếu để tính cọc là 81,8 triệu đồng/lượng. Một lô giao dịch được quy định bằng 100 lượng.

Khối lượng đấu thầu tối thiểu một thành viên được phép đặt thầu là 14 lô (tương đương 1.400 lượng) và tối đa là 20 lô (tương đương 2.000 lượng). Bước giá dự thầu là 10.000 đồng/lượng. Bước khối lượng dự thầu là 1 lô (100 lượng).

Mỗi thành viên dự thầu chỉ được đăng ký 1 mức giá tối thiểu. Mức giá này bằng hoặc cao hơn giá sàn do Ngân hàng Nhà nước công bố. Các doanh nghiệp và tổ chức tín dụng muốn tham gia đấu thầu vàng phải đáp ứng điều kiện theo Thông tư 06/2013 của Ngân hàng Nhà nước về hoạt động mua bán vàng miếng trên thị trường trong nước. Ngân hàng Nhà nước cho biết, hiện nay có khoảng 15 đơn vị đủ điều kiện tham gia đấu thầu.

Nguyên nhân Ngân hàng Nhà nước đưa ra quyết định đấu thầu vàng miếng là để tăng nguồn cung vàng ra thị trường, kịp thời can thiệp và xử lý tình trạng giá vàng miếng trong nước - quốc tế chênh lệch ở mức cao. Vậy sau khi đấu thầu 16.800 lượng vàng miếng, giá vàng SJC liệu sẽ giảm bao nhiêu?

Chuyên gia vàng Trần Duy Phương nhận định, với mức giá bán vàng miếng ra thị trường trên 83 triệu đồng/lượng, thì giá sàn quy đổi tiêu chuẩn khi nhập về khoảng 74 triệu đồng/lượng. Giá vàng SJC bắt buộc phải cao hơn vàng nhẫn 9999 khoảng 4 - 5 triệu đồng. Do đó, sau đấu thầu, giá vàng SJC nếu có giảm cũng chỉ về mốc 80 - 81 triệu đồng/lượng, không thể thấp hơn. Trừ trường hợp giá vàng thế giới sụt mạnh một vài trăm USD, vàng SJC mới có giá dưới 80 triệu đồng/lượng.

dau-thau-vang-2-1713662431.png
Vàng SJC được tăng cung sẽ tác động tới giá vàng nhẫn 9999

Khi vàng SJC được tăng cung sẽ tác động tới giá vàng nhẫn 9999. Ông Phương cho hay, giá vàng nhẫn của các thương hiệu lớn những ngày qua đang chững lại, dù vàng thế giới vẫn đang tăng. Một phần nguyên nhân là giá vàng nhẫn chịu tác động từ động thái đấu thầu vàng miếng của Ngân hàng Nhà nước. Nhiều người chờ đợi giá vàng SJC nếu chênh lệch không quá cao so với vàng nhẫn sẽ sẵn sàng mua vàng miếng.

Ông Phương đánh giá, trước đây vàng nhẫn cao hơn giá thế giới 5 - 6 triệu đồng/lượng thì tới đây sẽ chỉ cao hơn 2-3 triệu đồng/lượng. Giá vàng SJC cao hơn 14 - 15 triệu đồng thì sắp tới sẽ chỉ khoảng 7 - 8 triệu đồng/lượng. Nếu đạt được mức chênh lệch này thì đây là thành công lớn của Ngân hàng Nhà nước khi đã kéo giá vàng trong nước sát hơn với giá thế giới.

Không nên nhập khẩu vàng ồ ạt với số lượng lớn

Còn một phương án nữa được các chuyên gia đưa ra nhằm ổn định thị trường vàng là cho phép nhập khẩu vàng. Mới đây, ông Huỳnh Trung Khánh - Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cho biết, đơn vị này đã gửi đề xuất và kiến nghị tới nhà quản lý cho phép 3 doanh nghiệp là SJC, DOJI, PNJ được phép nhập 1,5 tấn vàng/năm, tương ứng mỗi doanh nghiệp nhập 500kg vàng mỗi năm.

Hiệp hội kiến nghị cho nhập vàng nguyên liệu để các doanh nghiệp chế tác vàng nữ trang. Lý do chọn 3 đơn vị trên vì đây là các doanh nghiệp kinh doanh vàng lớn nhất của ngành. Ông Khánh chia sẻ, ông hy vọng cơ quan quản lý sẽ cho thí điểm nhập khẩu vàng trước với 3 đơn vị này chứ không phải làm đại trà.

Ông Khánh cho biết, các doanh nghiệp không nhập luôn một lần 1,5 tấn vàng mà chia làm nhiều lần, phụ thuộc theo quyết định của Ngân hàng Nhà nước. Con số 1,5 tấn không lớn, bởi nhu cầu vàng nữ trang trong nước lên tới 20 tấn.

dau-thau-vang-1-1713662552.jpg
Ông Huỳnh Trung Khánh - Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam

Ông Khánh tính toán, nếu quy đổi ra tiền thì 500kg vàng khoảng hơn 30 triệu USD. Tổng giá trị của 1,5 tấn vàng tính cả tiền nhập khẩu, thuế phí rơi vào khoảng 100 triệu USD. Con số này không quá cao so với nhập khẩu mặt hàng khác.

Ngoài ra, nhập khẩu vàng sẽ giúp thị trường phong phú hơn. Khi đó, chắc chắn giá vàng trong nước sẽ giảm và giúp chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế rút ngắn. Như vậy, người dân được hưởng lợi và thị trường vàng cũng sẽ bình ổn.

PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân - giảng viên Đại học Kinh tế TP. HCM nhận định, nhập khẩu vàng sẽ giúp tăng nguồn cung cho thị trường. Con số 500kg/năm cho mỗi doanh nghiệp vẫn chưa hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu của thị trường, nhưng phù hợp với tình hình kinh tế hiện nay. Bởi nhập khẩu nhiều hơn 1,5 tấn vàng tại thời điểm này, tỷ giá chắc chắn sẽ bị tác động. Giống như giai đoạn trước năm 2012, có thời điểm thị trường nhập khẩu nhiều vàng dẫn đến tỷ giá tăng mạnh.

Ông Huân giải thích, người dân kiếm được tiền và dùng tiền đó để đi mua vàng. Trong khi đó, thị trường nhập khẩu vàng bằng ngoại tệ, rồi lại đem đi bán cho người dân. Như thế, dòng tiền đang chuyển thành USD và chảy ra khỏi quốc gia. Do đó, nhập khẩu vàng một cách ồ ạt với số lượng lớn cũng không nên được khuyến khích.

Trước đề xuất nhập khẩu vàng, đại diện truyền thông SJC cho hay, đề xuất trên mới chỉ dừng lại ở mức độ thông tin, do đó công ty chưa có kế hoạch hay nhận định gì về vấn đề này. Tuy nhiên, nếu các doanh nghiệp được phép nhập khẩu vàng cũng sẽ là tín hiệu tốt cho thị trường, khi đó doanh nghiệp có thêm nguyên liệu để có nhiều sản phẩm đến tay người tiêu dùng hơn. 

Còn bà Cao Thị Ngọc Dung - Chủ tịch HĐQT PNJ cho biết, quý I/2024, doanh nghiệp này gặp khó khăn lớn khi nguồn nguyên liệu bị hạn chế, có những lúc không có vàng. Doanh nghiệp không lo về đầu ra nhưng đầu vào lại không có.

Về việc dự trữ vàng cho cả năm, bà Dung khẳng định không có. Bởi giá vàng biến động từng ngày từng giờ nên phải tính mua lúc nào, mua như thế nào để đảm bảo giá vốn. Nếu số lượng vàng nguyên liệu nhập vào không đủ, doanh nghiệp phải chấp nhận giảm nhịp độ sản xuất.