Đấu thầu vàng đang là tác nhân khiến giá vàng tăng lên

Hầu hết ý kiến của các đại biểu Quốc hội cho rằng, việc đấu thầu vàng đang cho thấy tác dụng ngược, khi càng đấu thầu thì giá càng được “hâm nóng”.

Sáng ngày 23/5, Quốc hội thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế - xã hội năm 2023 và các tháng đầu năm 2024. Nhiều ý kiến tại phiên thảo luận đã nhắc tới tình trạng giá vàng “nhảy múa” trong suốt thời gian qua.

Theo đó, đại biểu Nguyễn Đại Thắng – Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên cho rằng, dù có nguyên nhân khách quan nhưng chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới có những thời điểm tăng rất lớn, chạm ngưỡng 20 triệu đồng. Đây cũng là lý do khiến tình trạng buôn lậu vàng nhiều hơn. Cùng với đó, dòng tiền không đưa vào sản xuất mà lại “đổ” vào vàng, gây áp lực lên tỷ giá.

Đồng quan điểm, nêu ý kiến thảo luận tại tổ Thành phố Hà Nội, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, giá vàng thế giới tăng cao thì trong nước tăng cao là điều đương nhiên, nhưng mức độ chênh lệch lại đang càng ngày càng lớn. Khi giá vàng tăng cao sẽ tác động đến tâm lý người dân, kéo theo việc đổ xô đi mua, tích trữ vàng.

vang-mieng-1716460683.jpg
Chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới luôn dao động từ mức 15-20 triệu đồng/lượng

Trong thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tổ chức 9 phiên đấu thầu vàng nhằm tăng nguồn cung, trung hòa nhu cầu thị trường, qua đó hạ nhiệt giá vàng miếng về sát với thế giới. Tính đến phiên đấu thầu ngày 23/5, NHNN đã cung ứng ra thị trường 49.400 lượng vàng với 6/9 phiên đấu thầu thành công, sau 11 năm ngừng nhập khẩu vàng miếng.

Tuy nhiên, đang có một nghịch lý diễn ra là càng đấu thầu thì giá vàng càng tăng. Theo đó, đại biểu Hoàng Văn Cường nhìn nhận, cơ chế đấu thầu vàng của NHNN đang là “đấu thầu ngược” tức là chính việc đấu thầu là tác nhân làm giá vàng tăng lên. Bởi giá sàn cao nên doanh nghiệp trúng thầu phải bán giá cao hơn, từ đó tác động đến giá thị trường.

Điều này khiến mục tiêu của những phiên đấu thầu vừa qua không phải giảm giá vàng mà là làm sao thu được nhiều tiền. Nếu mục tiêu là để giảm giá thì giá tham chiếu nên bằng giá vàng thế giới cộng với các loại thuế phí. Ngoài ra, khi đấu thầu, đơn vị nào mua vào phải bán ra với giá sát nhất của giá tham chiếu thì mới được trúng thầu.

Tương tự, đại biểu Trần Văn Lâm – đoàn Bắc Giang cũng đưa ra nhận xét, biện pháp để thu hẹp chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới đang không hiệu quả. Các phiên đấu thầu vàng miếng lại khiến thị trường nóng hơn. Nguyên nhân là do cách thức triển khai không rõ mục tiêu, giá khởi điểm đấu thầu gần sát với giá thị trường trong nước chứ không phải thế giới.

“Chúng ta mang vàng ra đấu giá nhưng lại bỏ giá sàn sát với giá thị trường Việt Nam. Vậy, việc bán vàng giá cao là để thu về nhiều tiền về hay để ổn định thị trường, ổn định tâm lý người dân?”, đại biểu Trần Văn Lâm đặt câu hỏi.

dai-bieu-hoang-van-cuong-1716460753.png
Đại biểu Hoàng Văn Cường, đoàn Thành phố Hà Nội cho rằng đang có một nghịch lý diễn ra là càng đấu thầu thì giá vàng lại càng tăng

Kể từ đầu năm 2024 đến nay, giá vàng liên tục tăng cao. Tính đến phiên giao dịch chiều ngày 23/5, vàng miếng SJC vẫn đang giao dịch quanh ngưỡng dưới 90 triệu đồng, giảm gần 1 triệu đồng/lượng so với phiên hôm qua. Tuy nhiên, ngay cả khi đã giảm, giá vàng miếng trong nước vẫn chênh lệch so với thế giới 14 triệu đồng/lượng.

Kiến nghị giải pháp trung hòa giá vàng trong nước và thế giới, hầu hết các đại biểu đều đưa ra đề xuất, cần sớm bỏ độc quyền vàng miếng, nhập khẩu vàng. Đồng thời sửa đổi bổ sung Nghị định 24 của Chính phủ cho phép doanh nghiệp nhập khẩu vàng nguyên liệu, in vàng miếng dưới sự quản lý chặt chẽ của NHNN.

Đồng quan điểm, Nghị định 24 về quản lý vàng đã hết giá trị lịch sử; thời gian tới, cơ quan chức năng cần hoàn thiện phương thức, chính sách quản lý phù hợp đối với vàng, nhưng ông Phạm Đức Ấn - Chủ tịch HĐTV Agribank cho rằng, hiện tượng càng đấu thầu vàng giá càng tăng chỉ xuất hiện trong giai đoạn đầu.

“Cần hết sức cẩn trọng trong quản lý vàng, nếu đầu tư chạy theo vàng quốc tế có khi mất nhiều hơn được, thậm chí quay lại thời kỳ vàng hóa trước đây. Việc đấu thầu khiến giá vàng tăng lên chỉ là hiện tượng trong giai đoạn đầu. Thời gian tới, cơ quan chức năng cần hoàn thiện phương thức, chính sách quản lý phù hợp đối với vàng để tránh rủi ro”, đại biểu Phạm Đức Ấn đánh giá.