Đấu thầu vàng miếng: Lùi lại 1 ngày và giảm mức tham chiếu đặt cọc

Ngân hàng Nhà nước đã hủy phiên đấu thầu vàng sáng 22/4, chuyển sang sáng 23/4. Ngoài ra, giá tham chiếu đặt cọc đã được điều chỉnh từ 81,8 triệu đồng/lượng ban đầu, nay xuống 80,7 triệu đồng/lượng, giảm 1,1 triệu đồng.

Theo kế hoạch, 10h sáng nay (ngày 22/4), Ngân hàng Nhà nước đấu thầu 16.800 lượng vàng miếng SJC. Nhưng khi cách thời gian mở thầu còn 1 tiếng, Ngân hàng Nhà nước đã thông báo hủy phiên đấu thầu. Nguyên nhân được đưa ra là không có đủ số lượng thành viên đăng ký dự thầu và chuyển tiền đặt cọc đúng quy định.

vang-dau-gia-1713780729.jpg
Phiên đấu giá vàng được chuyển sang sáng ngày 23/4

Việc phiên đấu thầu vàng đầu tiên không đủ thành viên tham gia là bình thường. Trong đợt đấu thầu vàng cách đây 11 năm, phiên đầu tiên diễn ra vào ngày 28/3/2013 cũng chứng kiến tình trạng ế vàng do giá sàn ở mức quá cao. Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức 76 phiên đấu thầu bán vàng miếng với tổng khối lượng trúng thầu là 1.819.900 lượng trên tổng số 1.932.000 lượng chào thầu. Khi đó, giá vàng miếng SJC đắt hơn vàng thế giới chỉ khoảng 4,2 triệu đồng/lượng

Ngân hàng Nhà nước cho biết, thời gian đấu thầu sẽ được lùi lại vào 9h sáng ngày mai (23/4). Khối lượng đấu thầu vẫn là 16.800 lượng, mỗi lô giao dịch là 100 lượng với tỷ lệ đặt cọc là 10%.

Tuy nhiên, Ngân hàng nhà nước đã có điều chỉnh về giá tham chiếu đặt cọc cho phiên đấu thầu ngày mai. Ban đầu, giá tham chiếu đặt cọc là 81,8 triệu đồng/lượng, nay đã xuống 80,7 triệu đồng, giảm 1,1 triệu đồng. Bước giá vẫn giữ nguyên là 10.000 đồng.

Nguyên nhân để Ngân hàng Nhà nước đưa ra mức giá tham chiếu là do giá vàng thế giới giảm mạnh trong sáng 22/4. Cụ thể, giá vàng giao ngay trên thị trường châu Á quay đầu giảm rất mạnh từ 2.392 USD/ounce cuối tuần trước xuống mức 2.365 USD/ounce. Quy đổi tỷ giá USD/VND tại Ngân hàng Vietcombank sáng 22/4 là 25.485 đồng/USD, giá vàng thế giới ở mức hơn 73,3 triệu đồng/lượng.

vang-dau-thau-1-1713780730.jpeg
Giá vàng thế giới bất ngờ giảm mạnh vào sáng 22/4

Từ ảnh hưởng này, giá vàng miếng SJC trong nước giảm khoảng 1 triệu đồng, về mức gần 81 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và 83 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra. Tuy nhiên, đến chiều mức giá này đã thay đổi.

Cụ thể, giá vàng miếng SJC được Tập đoàn DOJI niêm yết ở ngưỡng 80,9 chiều mua vào và 83,35 triệu đồng/lượng bán ra, tăng 200.000 đồng ở cả hai chiều. Còn Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá vàng miếng SJC ở ngưỡng 80,95 - 83,35 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Chênh lệch giá mua - bán vàng SJC ở mức 2,4 triệu đồng/lượng. So với đầu giờ sáng nay, giá vàng SJC được Bảo Tín Minh Châu điều chỉnh tăng 400.000 đồng/lượng chiều mua vào và tăng 450.000 đồng/lượng chiều bán ra.

Theo mức giá này thì chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC và thế giới còn khoảng 10 triệu đồng/lượng. Như vậy, dù phiên đấu giá vàng phải lùi ngày nhưng việc Ngân hàng Nhà nước cùng cơ quan liên quan tham gia bình ổn thị trường đã giúp giá vàng miếng SJC giảm khoảng 2,5 triệu so với đỉnh điểm. Mức giảm là đáng kể do giá vàng thế giới gần đây leo thang theo đà nóng lên tại khu vực Trung Đông.

Trước đó, thời điểm cuối năm 2023 và đầu năm 2024, giá vàng miếng SJC đã có lúc cao hơn giá vàng thế giới quy đổi tới 18 - 20 triệu đồng/lượng.

Việc đưa ra mức giá tham chiếu đặt cọc 81,8 đồng/lượng có thể cũng là bước “test” thị trường của Ngân hàng Nhà nước. Mức giá sau đó có thể sẽ được điều chỉnh hợp lý hơn như thời điểm năm 2013. Hoạt động đấu thầu vàng vừa phải đảm bảo yếu tố tăng cung cho thị trường, giúp giảm tâm lý đua nhau mua hoặc găm hàng gây sốt... vừa phải bảo đảm không thiệt hại tới ngân sách Nhà nước.