Đấu thầu vàng miếng ngày 14/5: 8 đơn vị trúng 8.100 lượng

Trong phiên đấu thầu lần thứ 6, đã có 8 đơn vị trúng tổng 8.100 lượng vàng, tương đương 48% tổng khối lượng chào thầu. Giá trúng thầu cao nhất ở mức 87,73 triệu đồng/lượng.

Sáng 14/5, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức phiên đấu thầu vàng lần thứ 6. Số vàng miếng SJC trong phiên gọi thầu này vẫn là 16.800 lượng.

Cũng như trước đó, doanh nghiệp tham gia đấu giá phải đặt cọc 10% giá trị khối lượng đăng ký (theo giá tham chiếu). Bước giá dự thầu là 10.000 đồng/lượng, bước khối lượng dự thầu là 1 lô (100 lượng).

dau-thau-vang-lan-6-1715678212.png
Trong phiên đấu thầu vàng lần thứ 6, đã có 8 đơn vị trúng thầu 8.100 lượng

Sau các lần đấu thầu "ế ẩm" trước, phiên đấu thầu vàng sáng nay đã nới điều kiện về quy mô tối thiểu và tối đa đặt thầu nhằm tạo điều kiện để nhiều thành viên tham gia hơn. Theo đó, mức mua tối thiểu mà doanh nghiệp đặt trong phiên đấu giá từ 700 lượng giảm xuống còn 500 lượng. Số lượng tối đa được mua từ 2.000 lượng tăng gấp đôi lên 4.000 lượng.

Kết quả của phiêu đấu thầu lần này: 8 đơn vị trúng thầu 8.100 lượng, tương đương khoảng 48% so với quy mô gọi thầu 16.800 lượng. Giá trúng thầu cao nhất là 87,73 triệu đồng, giá thấp nhất là 87,72 triệu đồng. Đây là lần thứ 3 đấu thầu vàng thành công và cũng ghi nhận lượng vàng miếng trúng thầu cao nhất. Dự kiến, số vàng này sẽ tới tay các doanh nghiệp và ngân hàng vào ngày 15/5.

Trong phiên trước vào ngày 8/5, có 3 đơn vị trúng thầu với khối lượng trúng 3.400 lượng. Giá trúng thầu là 86,05 triệu đồng. Còn tại phiên đấu thầu ngày 23/4, 2 đơn vị trúng 3.400 lượng. Giá trúng thầu cao nhất là 81,33 triệu đồng, thấp nhất 81,32 triệu đồng.

Như vậy, sau 3 phiên đấu thầu thành công, 14.900 lượng vàng miếng đã được cung ứng ra thị trường.

Sau khi giảm 1 - 1,5 triệu đồng/lượng so với mức mở cửa sáng nay,  lúc mở cửa. Tới trưa nay, giá vàng miếng được SJC được niêm yết ở mức 86 triệu đồng/lượng mua vào và 89 triệu đồng/lượng bán ra. Mức giá này giảm 1 - 1,5 triệu đồng/lượng so với lúc mở cửa buổi sáng và giảm hơn 2,5 triệu đồng so với mức đỉnh thiết lập vào tuần trước.

Nhiều chuyên gia đánh giá, về lý thuyết, việc đấu thầu là giải pháp tăng nguồn cung trong dài hạn để trung hòa nhu cầu thị trường, từ đó giúp "hạ nhiệt" giá vàng miếng về sát với thế giới.

Tuy nhiên, thị trường đang có những phản ứng "ngược" trong ngắn hạn. Phần lớn phiên đấu thầu đầu tiên được đánh giá không thành công, bị chê giá cao, lượng trúng thầu "nhỏ giọt" khiến người dân tin rằng giá vàng miếng tiếp tục đi lên. Theo cơ chế nguồn cung tăng trong dài hạn thì giá sẽ giảm, nhưng nhiều người lại cho rằng Ngân hàng Nhà nước bán giá cao, đương nhiên doanh nghiệp cũng phải bán giá cao, từ đó đẩy giá tăng.

Sau phản ứng của thị trường, Ngân hàng Nhà nước gần đây khẳng định tăng tần suất đấu thầu để tăng nguồn cung phù hợp ra thị trường. Đồng thời, cơ quan quản lý này cũng khuyến cáo người dân thận trọng khi giao dịch giai đoạn này để tránh rủi ro.

dau-thau-vang-lan-6-1-1715678212.jpg
Ngân hàng Nhà nước khuyến cáo người dân thận trọng khi giao dịch giai đoạn này để tránh rủi ro

Sáng 13/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp cho ý kiến về báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2023, kế hoạch những tháng đầu năm 2024. Tại cuộc họp, giá vàng là vấn đề nóng được nhiều đại biểu quan tâm đề cập. Nhiều ý kiến chia sẻ lo ngại trước thực trạng thị trường vàng liên tục "nhảy múa".

Ông Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ quan tâm, đánh giá kỹ việc quản lý thị trường vàng. Theo ông, quản lý thị trường vàng còn nhiều bất cập, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới lớn, tình trạng buôn lậu vàng diễn biến phức tạp.

Ủy ban Kinh tế nhận định, thị trường vàng có nhiều biến động, chỉ số giá vàng trong nước bình quân 4 tháng đầu năm tăng 20,8% so với cùng kỳ khi giá vàng thế giới tăng cao kỷ lục.

Trong khi đó, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đánh giá biến động của thị trường vàng khó lường. Giá vàng trong nước tăng cao hơn so với giá thế giới, giá mua - bán cũng có chênh lệch. Điều này đòi hỏi phải quản lý thị trường vàng bằng các giải pháp đồng bộ, nếu không sẽ "rất khó". Các giải pháp Ngân hàng Nhà nước đưa ra, có xoay chuyển được tình hình, song vẫn phải tiếp tục theo dõi vì đây là vấn đề rất phức tạp.

Phó Thủ tướng khẳng định thị trường vàng cần được kiểm soát bằng các giải pháp đồng bộ. Ông tin nếu các bộ, ngành vào cuộc tích cực, không khó khăn gì không xử lý được.

Tới đây, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái sẽ họp cùng Ngân hàng Nhà nước về quản lý, điều hành thị trường vàng. Sau khi đánh giá, sẽ giao thanh tra chuyên ngành, nếu phát hiện hành vi vi phạm như buôn lậu tại cửa khẩu, biên giới, sẽ chuyển Bộ Công an xử lý ngay.