Đấu thầu vàng miếng ngày 23/4: 11 đơn vị tham gia và 13.400 lượng vàng bị ế

Phiên đấu thầu vàng đầu tiên sau 11 năm tạm dừng đã được tổ chức sáng 23/4. Kết quả, chỉ có 2 thành viên trúng thầu với tổng khối lượng 34 lô, tương đương 3.400 lượng vàng.

9h sáng nay (23/4), Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã tiến hành đấu thầu vàng miếng SJC tại Cục Quản lý dự trữ ngoại hối Nhà nước (TP. Hà Nội).

Tham gia dự thầu có 11 đơn vị là 7 ngân hàng và 4 doanh nghiệp gồm: ACB, Sacombank, Eximbank, MSB, Techcombank, VPBank, HDBank và Công ty SJC, PNJ, DOJI, Phú Quý.

Tổng khối lượng vàng miếng đưa ra đấu thầu ngày 23/4 vẫn là 16.800 lượng. Với 1kg vàng = 26 cây 6 chỉ 6 phân = 997,5 gam vàng, thì 16.800 lượng sẽ tương đương 631kg vàng.

trung-thau-vang-1713861223.jpg
11 đơn vị là 7 ngân hàng và 4 doanh nghiệp đã tham gia phiên đấu giá

Các quy định đấu thầu vàng vẫn giữ như cũ. Tuy nhiên, giá tham chiếu để tính tiền đặt cọc còn 80,7 triệu đồng/lượng, đã giảm 1,1 triệu đồng/lượng so với mức giá đưa ra ngày 22/4. Khối lượng mà 1 thành viên được phép đặt thầu tối thiểu là 14 lô (tương đương 1.400 lượng) và tối đa là 2.000 lượng.

Đến trưa cùng ngày, Ngân hàng Nhà nước đã phát đi thông báo kết quả đấu thầu này. Theo đó, chỉ có 2 thành viên trúng thầu với tổng khối lượng 34 lô, tương đương 3.400 lượng vàng. Như vậy, có đến 13.400 lượng vàng miếng SJC “bị ế”.

Hai đơn vị trúng thầu là Ngân hàng ACB và Công ty SJC. Cụ thể, Công ty SJC trúng thầu 2.000 lượng với giá 81,33 triệu đồng/lượng. Còn Ngân hàng ACB trúng thầu 1.500 lượng với giá 81,32 triệu đồng/lượng.

Như vậy, giá trúng thầu cao nhất là 81,33 triệu đồng/lượng. Giá trúng thầu thấp nhất là 81,32 triệu đồng/lượng. Đây cũng là mức giá mà Ngân hàng Nhà nước phát ra sáng nay. Các đơn  vị  trúng  thầu  sẽ  phải thanh toán tiền cho Ngân hàng Nhà nước trước 16 giờ hôm nay (23/4).

Phiên đấu thầu vàng miếng đầu tiên được tổ chức trong bối cảnh giá vàng thế giới lao dốc rất mạnh. Riêng từ đêm qua đến 10h15 sáng nay, giá vàng đã mất 92,3 USD/ounce (quy đổi tỷ giá VNĐ khoảng 2,84 triệu đồng/lượng), về mức 2.301,6 USD/ounce. Giá vàng thế giới tương đương khoảng 70,73 triệu đồng/lượng.

Ông Đinh Nho Bảng - Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam đánh giá, kết quả phiên đấu thầu vàng miếng đầu tiên cho thấy các đơn vị tham gia đều rất thận trọng. 11 đơn vị tham gia nhưng chỉ có 2 doanh nghiệp trúng thầu đã nói lên điều đó. Thực tế, nhu cầu thị trường trong nước mang yếu tố tâm lý nhiều hơn.

Ông Bảng cho biết, việc tham gia đấu thầu ngoài giá còn phải mua tối thiểu 1.400 lượng vàng SJC khiến các doanh nghiệp rất thận trọng. Bởi 2 ngày nay, giá thế giới đều đi xuống, do đó mua vào lúc này không thực sự thuận lợi.

Nhiều chuyên gia khác cũng chung nhận định, việc giá vàng giảm liên tục như hiện nay khiến rất ít công ty vàng có can đảm để "ôm" một lúc 1.400 lượng vàng. Ông Nguyễn Hưng - Tổng giám đốc TPBank cho biết, TPBank không tham gia đấu thầu vàng lần này bởi biên lợi nhuận thấp.

trung-thau-vang-1-1713861223.jpg
3.400 lượng vàng miếng đã được bán trong phiên đấu giá đầu tiên

Ông Huỳnh Trung Khánh - Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA), cố vấn Hội đồng Vàng thế giới tại Việt Nam cho rằng, việc Ngân hàng Nhà nước đấu thầu vàng ở thời điểm này và yêu cầu mua số lượng tối thiểu 1.400 lượng khiến các đơn vị tham gia đấu giá phải cân nhắc vô cùng cẩn trọng.

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu phân tích, 2 phiên gần đây, giá vàng thế giới có xu hướng đảo chiều, không chỉ doanh nghiệp tham gia đấu thầu vàng mà người dân mua tích trữ cũng thận trọng. Bất kỳ doanh nghiệp nào cũng cần 1 sự ổn định, thị trường ổn định và tâm lý ổn định để có thể đưa ra một mức giá phù hợp khi quyết định mua vàng.

Tại thời điểm này, 1.400 lượng vàng miếng SJC tương đương hơn 113 tỷ đồng. Doanh nghiệp phải tính toán bỏ ra số tiền khổng lồ để trúng thầu, nhưng không biết có tiêu thụ kịp không vì sức mua của thị trường lúc này rất chậm.

Một số doanh nghiệp vàng cho biết, 1.400 lượng tương đương số lượng vàng mà họ bán ra trong vòng một tuần. Giá vàng thế giới hiện nay biến động trong biên độ rất lớn, nên rủi ro về giá rất cao.

Trong khi đó, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhận định, khi sử dụng vàng dự trữ để can thiệp thị trường, Ngân hàng Nhà nước sẽ thận trọng một cách hợp lý. Can thiệp thị trường phải có quá trình, một phiên đấu thầu không thể đánh giá hết được. Ngân hàng Nhà nước sẽ làm nhiều bước để đi đến mục tiêu đưa giá vàng trong nước bám sát giá vàng thế giới.

Về diễn biến giá vàng sắp tới, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, vừa qua thị trường thế giới đã tăng rất mạnh nên xu thế điều chỉnh là tất yếu, nhưng có một điều chắc chắn, giá vàng còn biến động trước những nguy cơ cao như xung đột địa chính trị và chiến sự đang diễn ra tại Ukraine hay diễn biến bầu cử tại Mỹ. Việc tái đắc cử của Tổng thống Mỹ hoặc ngược lại dẫn tới những chính sách tiền tệ của Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ (Fed) hoàn toàn có thể đảo ngược mọi suy đoán. Đó chính là nguy cơ đẩy giá vàng lên cao, bất cứ lúc nào.