Đấu thầu vàng ngày 16/5: Thành công đưa ra thị trường 12.300 lượng

Trong phiên đấu thầu lần thứ 7, 12.300 lượng vàng miếng SJC được bán, 11/11 thành viên đều trúng thầu. Đây là phiên trúng thầu số lượng vàng lớn nhất tới thời điểm này.

Sáng 16/5, Ngân hàng Nhà nước đã mở phiên đấu thầu vàng miếng thứ 7. Kết quả, 12.300 lượng vàng SJC (tương đương 123 lô) đã được đấu thầu thành công. Số thành viên tham gia trúng thầu là 11/11.

Giá trúng thầu cao nhất là 88,92 triệu đồng/lượng, so với giá tham chiếu cao hơn 1,42 triệu đồng/lượng. Giá trúng thầu thấp nhất là 88,89 triệu đồng/lượng, so với giá tham chiếu cao hơn 1,39 triệu đồng/lượng.

dau-thau-vang-lan-7-1-1715851793.jpg
Phiên gọi thấu thứ 7, cả 11 thành viên tham gia đều trúng thầu

Trước đó, Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra giá tham chiếu để tính giá đặt cọc cho phiên thầu sáng nay là 88,89 triệu đồng/lượng, cao hơn 890.000 đồng so với giá tham chiếu của phiên đấu thầu ngày 14/5. Các quy định khác về đấu thầu vàng không đổi. Tổng số vàng miếng được bán vẫn là 16.800 lượng. Đơn vị tham gia được yêu cầu đặt cọc 10% với bước giá dự thầu 10.000 đồng/lượng, bước khối lượng dự thầu là 1 lô (100 lượng).

Như vậy, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức thành công 4 phiên đấu thầu. Phiên gần đây nhất diễn ra vào ngày 14/5, Ngân hàng Nhà nước đã bán thành công 8.100 lượng vàng miếng SJC cho 8 đơn vị trúng thầu. Tổng khối lượng vàng miếng đấu thầu thành công tính đến nay là 27.200 lượng.

Vào 13h30 hôm nay, giá vàng miếng SJC được Công ty SJC niêm yết ở mức 87,5 - 90 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Tập đoàn Vàng bạc Đá quý Doji niêm yết vàng miếng SJC ở mức 87,5 - 89,7 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Mức kỷ lục từng ghi nhận của vàng miếng đến thời điểm này là 92,4 triệu đồng/lượng vào ngày 10/5.

Thời gian qua, giá vàng lên xuống thất thường khiến nhiệm vụ ổn định thị trường vàng trở thành cấp thiết. Không riêng Ngân hàng Nhà nước mà nhiều cơ quan, đơn vị, ban ngành khác cùng phối hợp đưa ra các giải pháp. Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào sáng 15/5, Trung tướng Lê Quốc Hùng - Thứ trưởng Bộ Công an đã đưa ra các thông tin về quản lý thị trường vàng.

dau-thau-vang-lan-7-1715851793.jpeg
12.300 lượng vàng đã thành công đưa ra thị trường

Thứ trưởng Lê Quốc Hùng cho biết thời gian qua, tình hình biến động giá vàng vô cùng phức tạp. Bộ Công an đã nắm bắt tình hình, tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ nhiều vấn đề, đặc biệt kiến nghị các giải pháp quan trọng liên quan đến an ninh tiền tệ, quản lý thị trường vàng.

Cụ thể, cần sửa đổi, bổ sung một số quy định tại Nghị định 24/2012 về độc quyền vàng miếng SJC, tăng cường quy mô dự trữ vàng, quản lý khuôn vàng miếng SJC tại nhà máy in tiền quốc gia...

Bộ Công an kiến nghị Ngân hàng Nhà nước khẩn trương xây dựng, áp dụng cơ chế can thiệp của cơ quan quản lý vào thị trường vàng như các cơ chế can thiệp vào giá mua - bán, cung - cầu thị trường. Cùng với đó, kịp thời bổ sung quy định về biên độ chênh lệch tối đa giữa giá mua và giá bán. Ban hành quy định về trách nhiệm của các cơ quan liên quan quản lý thị trường vàng gồm vàng miếng, sản xuất gia công vàng trang sức...

Bộ Công an cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra thị trường, đảm bảo kỷ cương, kỷ luật thị trường như kiểm soát tối đa, nguyên liệu đầu vào, chất lượng sản phẩm...

Thứ trưởng Lê Quốc Hùng cho biết, cơ quan này cũng đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu ban hành quy định pháp lý kiểm soát nghĩa vụ thuế về kinh doanh vàng như quy định về thuế giá trị gia tăng, bắt buộc xuất hóa đơn hàng điện tử... nhằm ngăn chặn tình trạng mua vàng miếng, vàng trang sức, mỹ nghệ tự do… hay một số đơn vị cơ sở kinh doanh vàng miếng chưa được cấp phép nhưng bán chui cho người dân gây thất thu.

Ngoài ra, Bộ Công an kiến nghị với UBND các tỉnh, thành phố cần kiểm soát, quản lý hoạt động khai thác, sản xuất, kinh doanh vàng của doanh nghiệp, cá nhân được cấp phép, không để xảy ra các đơn vị kinh doanh vàng vi phạm pháp luật như hiện nay, nhập lậu vàng, vàng giả, vàng giả SJC... Kịp thời phát hiện các hoạt động vi phạm, đấu tranh, xử lý các vi phạm.

Bộ Công an trước đó cũng cho biết, mức chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới cao dẫn đến tình trạng buôn lậu vàng gia tăng, gây bất ổn tình hình an ninh trật tự xã hội. Việc này cũng ảnh hưởng an ninh tiền tệ, nhất là các tỉnh biên giới.