Đề nghị các doanh nghiệp công bố giá vật liệu xây dựng phù hợp

Đó là đề nghị của Bộ Xây dựng trong văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tổ chức xác định và công bố giá xây dựng trên địa bàn.


Theo đó, Bộ Xây dựng gửi văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo, đôn đốc các cơ quan quản lý Nhà nước trực thuộc tích cực thực hiện các nội dung, bao gồm: Công bố giá cả vật liệu xây dựng, đơn giá nhân công, giá ca máy, giá thiết bị thi công, chỉ số giá xây dựng theo định kỳ… đảm bảo cập nhật kịp thời, đầy đủ, phù hợp với giá cả thị trường, đúng quy định pháp luật.

Tiếp theo, cập nhật đầy đủ, chính xác dữ liệu vào hệ thống cơ sở dữ liệu (CSDL) về định mức xây dựng, giá cả xây dựng công trình, chỉ số giá xây dựng, định kỳ báo cáo Bộ để theo dõi, tổng hợp theo quy định tại Nghị định số 10. Bộ Xây dựng sẽ tổng hợp, công khai tình hình thực hiện công bố và cập nhật thông tin nêu trên của các địa phương trên Hệ thống CSDL quốc gia.

Các địa phương có dự án công trình giao thông quan trọng, trọng điểm quốc gia, Bộ chỉ đạo cơ quan chuyên môn chủ động, phối hợp với chủ đầu tư, nắm bắt những khó khăn, vướng mắc về giá cả vật liệu xây dựng, đơn giá nhân công, giá ca máy, thiết bị thi công và chỉ số giá xây dựng để điều chỉnh, bổ sung công bố giá kịp thời theo quy định pháp luật.

Công bố giá vật liệu xây dựng đầy đủ, phù hợp với giá cả thị trường.

Hướng dẫn theo thẩm quyền được pháp luật quy định, khi chủ đầu tư yêu cầu cho ý kiến về tính đúng đắn, sự phù hợp của căn cứ, phương pháp xác định đơn giá nhân công, ca máy, chỉ số giá xây dựng để sử dụng cho công trình và các chi phí liên quan đến khai thác vật liệu xây dựng tại mỏ theo cơ chế đặc thù.

Do tình hình thị trường bất động sản chưa phục hồi nên nhiều doanh nghiệp ngành vật liệu xây dựng bị ảnh hưởng, thậm chí thua lỗ trong năm 2023. Nhiều dự báo, 2024 sẽ là một năm tiếp tục đầy thách thức và khó khăn đối với các doanh nghiệp lĩnh vực này.

Như kết quả kinh doanh của Tập đoàn Hòa Phát (mã: HPG) - “ông lớn” ngành xây dựng cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ bởi những tín hiệu tiêu cực từ thị trường. Cụ thể, lũy kế cả năm 2023, doanh thu của Hoà Phát đạt 120.355 tỷ đồng, giảm 16% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi lợi nhuận sau thuế đạt 6.800 tỷ đồng, giảm 19% so với năm 2022, Tập đoàn chỉ hoàn thành 85% kế hoạch năm.

Hay Tổng công ty Viglacera - CTCP lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh 11 tỷ đồng (cùng kỳ lãi thuần 233 tỷ đồng). Sau khấu trừ thuế, Viglacera lỗ ròng 48 tỷ đồng (cùng kỳ lãi 222 tỷ đồng); Công ty CP Xi măng Vicem Hà Tiên (mã: HT1) báo doanh thu thuần cả năm 2023 đạt hơn 7.000 tỷ đồng, mức này giảm 21%. Công ty báo lãi vỏn vẹn 17 tỷ đồng, giảm hơn 93% so với năm 2022.

Sang năm 2024, ngành vật liệu xây dựng được đặt nhiều kỳ vọng vào những nỗ lực thúc đẩy đầu tư công. Ghi nhận, những tháng cuối năm 2023 sang đến đầu năm 2024, Chính phủ đã và đang chỉ đạo quyết liệt thúc đẩy đầu tư công. Hàng loạt dự án hạ tầng giao thông trọng điểm được triển khai cùng với việc thông qua quy hoạch các dự án hạ tầng công nghiệp, đô thị.

Những dự án đầu tư công lớn đã và đang triển khai có thể kể đến như: Cao tốc Bắc - Nam, sân bay Long Thành, mở rộng xây dựng, hoàn thiện các đường vành đai. Các dự án này sẽ giúp cho ngành xây dựng hạ tầng được hưởng lợi lớn trực tiếp trong năm 2024.

Ngoài ra, Quốc hội chính thức thông qua các dự thảo luật sửa đổi, bổ sung về bất động sản như Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đầu tư trong năm 2023, những nghị quyết, nghị định, thông tư... Từ đó, tháo gỡ khó khăn, tác động tích cực đến khả năng phục hồi, tăng trưởng đối với ngành vật liệu xây dựng.