Đề xuất cấm loại hình cho thuê trọ kết hợp kinh doanh sau vụ cháy ở Trung Kính

Sau vụ cháy nhà trọ ở phố Trung Kính (Hà Nội) để lại hậu quả thương tâm, các đại biểu Quốc hội đề xuất cần có giải pháp dài hạn, đặc biệt xem xét cấm loại hình cho thuê trọ kết hợp kinh doanh.

Khoảng 0h40 phút ngày 24/5, tại một khu nhà trọ trong ngách 98, ngõ 119 phố Trung Kính, quận Cầu Giấy, Hà Nội đã xảy ra một vụ hỏa hoạn nghiêm trọng, gây ra hậu quả 14 người tử vong và nhiều người bị thương đang điều trị tại bệnh viện. Theo thông tin ban đầu từ cơ quan chức năng, ngôi nhà xảy ra cháy là nhà ở gia đình kết hợp cho thuê để ở lại. Tầng 1 của ngôi nhà là một cửa tiệm chuyên mua bán, sửa chữa xe đạp điện, xe máy điện.

Sau sự việc thương tâm này, trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, đại biểu Phạm Văn Hòa – đoàn Đồng Tháp cho biết, trong thời gian qua, đã có nhiều vụ cháy liên quan đến chung cư mini, nhà trọ, khách sạn…do không đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy (PCCC) như không có cửa thoát hiểm, thang thoát nạn, hệ thống chữa cháy yếu, hệ thống điện không đảm bảo an toàn…Đây là một vấn đề cần phải kiểm điểm, nghiên cứu để khắc phục.

dai-bieu-an-1716543012.jpeg
Đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An, Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng – An ninh cho rằng cần phải cấm loại hình nhà trọ kết hợp kinh doanh

Đồng quan điểm, đại biểu Trịnh Xuân An, Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng – An ninh nhận xét, sau vụ cháy chung cư mini xảy ra ở quận Thanh Xuân, các lực lượng chức năng đã rà doát và có cảnh báo cụ thể. Tuy nhiên, thực tế, cần phải chấp nhận một thực trạng, người dân, người lao động khi đến sinh sống và làm việc tại các thành phố lớn đều phải có nơi trú ngụ, mà không phải ai cũng đủ điều kiện để thuê nhà tại những nơi có điều kiện cơ sở vật chất tốt.

Do đó, người đi thuê nhà, người dân có nhà cho thuê kết hợp kinh doanh tại Hà Nội hay các thành phố lớn là điều bình thường. Giải pháp cần tính tới là sự đồng bộ trong quản lý dân cư và cơ sở hạ tầng, đầu tư thêm vào nhà ở xã hội, nhà ở cho thuê với người thu nhập thấp.

Tuy nhiên, kế hoạch này vẫn cần nhiều thời gian, trước mắt cần ưu tiên khâu phòng ngừa, các cấp chính quyền cần phải có sự mạnh tay hơn, rà soát lại toàn bộ các khu nhà cho thuê, khoanh vùng các khu có nguy cơ cao, nếu không đảm bảo yêu cẩu PCCC và cần những biện pháp xử lý mạnh tay. Riêng với loại hình nhà ở kết hợp kinh doanh, ông An cho rằng cần phải cấm, nhất là kinh doanh các vật liệu dễ cháy.

“Trong quá trình ở cơ sở, thực tiễn phải làm sâu sát hơn, vấn đề này cần phải có giải pháp ngắn hạn và dài hạn”, ông An đề xuất.

Cũng theo ông An, tới đây, Quốc hội sẽ thảo luận về Luật PCCC sửa đổi. Nếu có thể cần thiết kế một mục riêng về PCCC đối với loại hình nhà ở. Các nội dung dựa trên nguyên tắc phù hợp với quy hoạch hạ tầng đô thị, thẩm quyền của chính quyền địa phương, cũng như nghĩa vụ của công dân…

Ngoài ra, cần cụ thể được quy định đối với nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh phải có phương án và giải pháp PCCC, ngăn cháy. Nếu trường hợp kết hợp với sản xuất kinh doanh có cả phòng trọ thì nên cấm, để không thể tạo ra những rủi ro cao.

Tương tự, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, đoàn Hải Dương nêu ý kiến, trên thực tế đã có rất nhiều vụ cháy để lại hậu quả thương tâm, khiến nhiều người tử vong, tài sản bị thiêu rụi. Sau đó, đã có rất nhiều ý kiến liên quan đến các vụ cháy và nguy cơ xảy ra cháy ở các khu nhà trọ cho thuê, chung cư mini ở các đô thị lớn, trong đó có Hà Nội nhưng vẫn chưa có nhiều biện pháp cải tổ.

chay-nha-1716543250.jpg
Tại tầng 1 ngôi nhà bị cháy ngõ 119 Trung Kính còn kinh doanh dịch vụ mua bán, sửa chữa xe đạp điện

Bà Nga cho rằng, với các quy định PCCC hiện nay, trách nhiệm từng cấp ngành cũng được quy định rõ, nhưng để rà soát một cách triệt để trên địa bàn Hà Nội sẽ rất khó khăn. Bởi lẽ, số lượng chung cư mini, khu nhà trọ ở thủ đô là rất lớn, nếu xử lý theo hướng tất cả không bảo đảm tiêu chuẩn PCCC thì không được hoạt động nữa, sẽ dẫn đến một số hệ lụy.

Cụ thể, với chủ đầu tư hoặc chủ nhà cho thuê trọ sẽ bị mất đi nguồn thu nhập, người lao động có thu nhập thấp sẽ mất nơi sinh sống. Tuy nhiên, cũng không vì các hệ lụy này mà không rà soát, xử lý.

Theo đó, điều quan trọng là rà soát tích cực, có phương án cụ thể với từng loại hình. Riêng đối với các loại hình cho thuê nhà trọ chật hẹp, nhiều tầng, nhiều người thuê trọ nhưng ở trong ngõ sâu, cần phải kiểm tra kết cấu vì phần lớn những hậu quả thương tâm đều do không có lối thoát hiểm. Công tác tập huấn về PCCC và kỹ năng ứng phó khi có sự cố cháy xảy ra cũng là vấn đề rất cần thiết.

 “Tôi cảm giác rằng chúng ta chỉ làm rốt ráo mỗi khi có vụ cháy thương tâm nào đó xảy ra, nhưng sau đó lại bị trôi đi. Nên việc tập huấn thường xuyên, liên tục và nâng cao ý thức của mỗi người là rất quan trọng”, bà Nga nhận định.