Đề xuất giảm thuế cho nhóm doanh nghiệp siêu nhỏ: Điều kiện quá khắt khe

Việc được đề xuất giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ 20% xuống còn 15 – 17% được cho là động lực để cho nhóm doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ bứt phá. Tuy nhiên điều kiện để được hưởng mức ưu đãi này đang bị giới chuyên gia đánh giá là khắt khe, ít doanh nghiệp đáp ứng được.

Dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp đang được Bộ Tài chính xây dựng đã bổ sung các quy định về suất thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Theo đó, giảm thuế TNDN cho nhóm doanh nghiệp này xuống mức 15% -17% thay vì 20% như hiện hành. Dự kiến sẽ miễn thuế TNDN trong 2 năm liên tục kể từ khi có thu nhập chịu thuế...

Cụ thể, doanh nghiệp có tổng doanh thu dưới 3 tỉ đồng sẽ chịu mức thuế TNDN 15%; doanh nghiệp có tổng doanh thu năm trên 3 tỉ đồng đến dưới 50 tỉ đồng chịu mức 17%. Thuế suất này không áp dụng với các doanh nghiệp là công ty con hoặc công ty có quan hệ liên kết.

Sở dĩ có sự thay đổi là bởi, từ 1/1/2016 đến nay, thuế suất TNDN đối với các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ đang ở mức cao hơn so với một số nước trong khu vực và trên thế giới. Trong khi đây lại là nhóm doanh nghiệp chiếm tới hơn 90% tổng số doanh nghiệp, đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế.

doanh-nghiep-nho-1724372513.jpg

Sẽ rất ít doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ đáp ứng được điều kiện hưởng ưu đãi thuế

Trước đề xuất này, bà Hoàng Thanh Thủy – Phó Giám đốc Công ty TNHH Phát triển Nadico cho rằng, việc được giảm thuế như đề xuất sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tích tụ vốn, tái đầu tư, nâng cao năng lực sản xuất và mở rộng thị trường hiệu quả hơn.

Đồng tình việc giảm thuế sẽ giúp các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ sẽ có nhiều điều kiện phát triển hơn, nhưng bà Nguyễn Thị Hòa - Giám đốc một doanh nghiệp tư nhân tại TP. HCM, với điều kiện doanh thu dưới 3 tỉ đồng mới được hưởng thuế suất 15% thì ít có đơn vị nào đáp ứng được.

Bởi lẽ, ngày cả một hộ kinh doanh gia đình nhỏ lẻ trong năm cũng có doanh thu 5 – 7 tỉ đồng trong năm, nếu điều kiện doanh thu dưới 10 tỉ đồng/năm thì sẽ có nhiều doanh nghiệp được hưởng hơn.

Tương tự, ông Lại Anh Dương - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Truyền thông và máy tính Thánh Gióng cho biết, với doanh thu khoảng 50 tỉ đồng/năm, doanh nghiệp chỉ đủ chi trả chi phí sản xuất kinh doanh và lương cho khoảng 10 - 15 lao động. Nếu áp dụng tiêu chí này, hầu hết doanh nghiệp nhỏ không tiếp cận được ưu đãi.

Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, quan trọng là mức xác định thế nào là doanh nghiệp siêu nhỏ và thế nào là doanh nghiệp nhỏ. Nếu xác định doanh nghiệp siêu nhỏ trên tổng mức doanh thu 1 năm dưới 3 tỉ đồng để hưởng mức thuế 15% thì chưa hợp lý, bởi đây là mức quá thấp, điều kiện khá khắt khe nên chỉ ít doanh nghiệp đạt được. Tương tự, ngưỡng doanh thu để áp dụng thuế suất 17%, nếu theo quy định này, doanh thu trên 50 tỉ đồng là hầu như không có giảm gì về thuế.

doanh-nghiep-thuong-mai-1724372584.jpg

Doanh nghiệp hoạt động thương mại thường sẽ có doanh thu lớn hơn nhiều so với doanh nghiệp sản xuất nên việc “cào bằng” cũng chưa hợp lý

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, cần tăng quy mô doanh thu của doanh nghiệp lên cao hơn để hưởng mức thuế ưu đãi. Đây mới thực sự là mang mục tiêu hỗ trợ cho nhóm đối tượng doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ cũng như nói chung là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Nếu không thì chỉ ngay sau khi ban hành luật đã bị "lỗi thời", các doanh nghiệp vẫn mãi khó phát triển, tăng sức cạnh tranh.

TS. Trần Đình Thiên - Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cũng cho rằng, nếu áp quy định doanh thu như dự thảo thì hầu như các doanh nghiệp không được hưởng ưu đãi thuế vì mức doanh thu trên 50 tỉ đồng là bình thường đối với các doanh nghiệp nhỏ. Do vậy, có thể tăng quy mô doanh thu năm của doanh nghiệp lên đến 100 tỉ thì số doanh nghiệp hưởng thuế suất mới sẽ tăng lên.

Trong khi đó, luật sư Nguyễn Đức Nghĩa – Phó giám đốc Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thuộc Hội doanh nghiệp TP. HCM (HUBA) đánh giá, quy định để áp dụng thuế suất 15 – 17% trong dự thảo là khó xác định và quá thấp, sẽ rất ít doanh nghiệp đủ điều kiện để tiếp cận mức ưu đãi 15%. Như vậy, sẽ không đạt được mục tiêu đề ra là hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Chưa kể doanh nghiệp hoạt động thương mại thường sẽ có doanh thu lớn hơn nhiều so với doanh nghiệp sản xuất nên việc “cào bằng” cũng chưa hợp lý.