Những điểm lưu ý trong đề xuất lương tối thiểu từ ngày 1/7/2024

Theo khuyến nghị của Hội đồng Tiền lương quốc gia, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đề xuất điều chỉnh lương tối thiểu tháng và giờ thêm 6% từ ngày 1/7 tới đây.
luong-2-1711321290.jpeg
Lương tối thiểu sẽ tăng từ ngày 1/7/2024

Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đang lấy ý kiến các bộ ngành về dự thảo Nghị định quy định mức lương tối thiểu với lao động làm việc theo hợp đồng. Trong bản đề xuất này có 3 điểm lưu ý mới về tăng lương tối thiểu.

Thứ nhất, với đề xuất tăng thêm 6% tương đương lương tối thiểu vùng sẽ tăng 200.000 – 280.000 đồng tùy vùng. Lương hiện hành các vùng đang dao động trong khoảng 3,25 - 4,68 triệu đồng. Nếu đề xuất được thông qua, lương tối thiểu tháng vùng 1 sẽ nâng lên 4,96 triệu đồng, vùng 2 nâng lên 4,41 triệu, vùng 3 là 3,86 triệu và vùng 4 lên 3,45 triệu.

Lương tối thiểu giờ cũng tăng tương ứng 6%, dao động trong khoảng 16.600 - 23.800 đồng. Cụ thể, lương tối thiểu giờ vùng 1 tăng lên 23.800 đồng, vùng 2 là 21.200 đồng, vùng 3 lên 18.600 đồng và vùng 4 là 16.600 đồng.

Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đánh giá, mức lương tối thiểu tháng và giờ hiện nay đã "đảm bảo được mức sống tối thiểu của lao động và gia đình họ, giúp mở rộng độ bao phủ của tiền lương tối thiểu đến những nhóm làm việc linh hoạt, bán thời gian, cũng như phù hợp khả năng chi trả của doanh nghiệp".

Tuy nhiên, giá trị thực tế của tiền lương bị suy giảm dần theo thời gian do chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng vọt. CPI năm nay dự kiến tăng 4 - 4,5%. Như vậy, mức lương tối thiểu hiện hành sẽ không còn đảm bảo đời sống lao động nên cần sớm điều chỉnh. Bộ Lao động Thương binh và Xã hội nhận định, mức tăng 6% là "hài hòa giữa hai bên (doanh nghiệp và lao động), cơ bản đảm bảo mức sống tối thiểu năm 2025". Điều này đđồng nghĩa với việc Bộ đã tính trước một phần CPI của năm sau vào mức sống tối thiểu để lao động thụ hưởng trong năm nay.

luong-1-1711321120.jpg
Một số địa phương có điều chỉnh nâng vùng

Thứ hai, địa bàn một số vùng cũng sẽ được điều chỉnh. Cụ thể, thị xã Quảng Yên, thị xã Đông Triều, TP. Uông Bí, TP. Móng Cái (Quảng Ninh) được điều chỉnh từ vùng II lên vùng I. Điều chỉnh từ vùng III lên vùng II đối với TP. Thái Bình (tỉnh Thái Bình); TP. Thanh Hóa, TP. Sầm Sơn, thị xã Nghi Sơn, thị xã Bỉm Sơn (Thanh Hóa); thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa); TP. Sóc Trăng (Sóc Trăng).

Điều chỉnh từ vùng IV lên vùng III các huyện Triệu Sơn, Thọ Xuân, Yên Định, Vĩnh Lộc, Thiệu Hóa, Hà Trung, Hậu Lộc, Nga Sơn, Hoằng Hóa, Nông Cống (Thanh Hóa); Thái Thụy, Tiền Hải (Thái Bình); huyện Ninh Phước (Ninh Thuận).

Từ ngày 1/7, ngoài tăng lương của lao động trong doanh nghiệp thì lương khu vực công cũng thay đổi. Cán bộ, công chức, viên chức sẽ được trả lương theo vị trí việc làm thay vì hệ số cào bằng hiện nay. Bắt đầu từ năm 2025, dự kiến tiền lương khu vực này tiếp tục tăng bình quân 7% mỗi năm, đến khi mức lương thấp nhất khu vực công bằng hoặc cao hơn lương thấp nhất vùng 1 khối doanh nghiệp.

Thứ ba, đề xuất được thông qua thì sẽ là lần thứ hai trong 4 năm, lương tối thiểu vùng tăng vào đầu tháng 7. Kỳ điều chỉnh trước là vào ngày 1/7/2022 do ảnh hưởng của đại dịch Covid. Theo thông lệ hơn 10 năm qua, lương tối thiểu vùng tăng vào ngày 1/1.

Theo khảo sát quý II/2023 của Viện Công nhân Công đoàn, thu nhập trung bình của lao động khoảng 7,88 triệu đồng, trong khi chi tiêu mỗi tháng của gia đình họ là 11,7 triệu đồng. Tiền dành cho lương thực, thực phẩm chiếm 70%. Mức chi tiêu của người lao động đã tăng 19% so với năm 2022, chủ yếu do giá cả, tiền điện nước tăng cao.

Trong khảo sát, chỉ có 24,5% lao động cho hay thu nhập của họ vừa đủ chi tiêu cho các khoản sinh hoạt, số còn lại thiếu trước hụt sau. Nhiều người phải đi làm thêm để tăng thu nhập ngoài công việc trong nhà máy.

Thống kê của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam thời kỳ 2015 - 2019, lương tối thiểu danh nghĩa tăng 42,7%, song lạm phát khiến tiền lương thực tế chỉ tăng 20,1%. Giai đoạn 2020 - 2022, lương tối thiểu điều chỉnh trên 6%, song tiền lương thực tế chỉ tăng 0,7%.