Đề xuất ngân hàng nhận chuyển giao TCTD yếu kém được giảm 50% tỷ lệ tiền mặt dự trữ tối thiểu

Đó là đề xuất nổi bật đang được quan tâm tại dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 30 quy định về thực hiện dự trữ bắt buộc của các tổ chức tín dụng của Ngân hàng Nhà nước.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 30 quy định về thực hiện dự trữ bắt buộc của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Trong đó, Dự thảo sẽ sửa đổi, bổ sung Điều 3, Điều 7, Điều 13 và Điều 16 trong Thông tư.

Nội dung nổi bật được quan tâm đó là Điều 7 về giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc. Theo đó, Dự thảo sẽ bổ sung trường hợp giảm 50% tỷ lệ này với tổ chức tín dụng nhận chuyển giao ngân hàng thương mại yếu kém được kiểm soát đặc biệt, để thống nhất với Khoản 1 Điều 185 Luật Tổ chức tín dụng 2024 khi quy định quyền của bên nhận chuyển giao được giảm một nửa tỷ lệ dự trữ bắt buộc.

ngan-c-1713070847.jpeg
NHNN đề xuất nhận chuyển giao TCTD yếu kém được giảm 50% tỷ lệ dự trữ bắt buộc.

Ngoài ra, Điều 7 cũng được sửa các dẫn chiếu theo quy định Luật Tổ chức tín dụng 2024 và sửa kết cấu để rõ ràng hơn. Cụ thể, Điều 7 trong Dự thảo Thông tư như sau: 

Thứ nhất, tổ chức tín dụng hỗ trợ quy định tại khoản 39 Điều 4 (Luật Các tổ chức tín dụng) được giảm 50% tỷ lệ dự trữ bắt buộc theo phương án phục hồi tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt và NHNN phê duyệt.

Thứ hai, tổ chức tín dụng là bên nhận chuyển giao bắt buộc ngân hàng thương mại được kiểm soát đặc biệt theo quy định (Luật Các tổ chức tín dụng) được giảm 50% tỷ lệ dự trữ bắt buộc theo phương án chuyển giao đã được NHNN phê duyệt.

Thứ ba, mức giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với từng tổ chức tín dụng quy định tại Điều này được tính trên cơ sở tỷ lệ này tại khoản 1 Điều 6 Thông tư và áp dụng đối với tất cả các loại tiền gửi.

Ngoài ra, Dự thảo sẽ sửa đổi, bổ sung Điều 3 về các tổ chức tín dụng không thực hiện dự trữ bắt buộc quy định, NHNN dự kiến bổ sung thêm đối tượng là ngân hàng chính sách để phù hợp với Luật Các tổ chức tín dụng 2024.

Còn tại Điều 13 và Điều 16, quy định trách nhiệm của Sở Giao dịch NHNN và Cơ quan Thanh tra, giám sát, dự thảo sửa đổi với việc quy định bổ sung trường hợp giảm 50% tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với tổ chức tín dụng nhận chuyển giao.

4-ngan-hang-kiem-soat-dac-biet-1713070942.png
Hiện có 5 ngân hàng được kiểm soát đặc biệt.

Về việc xử lý các ngân hàng yếu kém, bị kiểm soát đặc biệt kéo dài từ năm 2015 đến nay vẫn chưa dứt điểm. Theo NHNN, 5 nhà băng được kiểm soát đặc biệt gồm: Ngân hàng CBBank; OceanBank; DGPBank; DongABank và Ngân hàng SCB.

Theo đó, quá trình triển khai xử lý các ngân hàng yếu kém còn gặp khó về hành lang pháp lý, cơ chế hỗ trợ. Theo Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng, quá trình tái cơ cấu nhà băng yếu kém kéo dài do việc tìm kiếm, đàm phán ngân hàng thương mại đủ điều kiện nhận chuyển giao bắt buộc không thuận lợi. Việc này phụ thuộc lớn vào sự tự nguyện tham gia của các nhà băng và cần thời gian để thuyết phục cổ đông đồng thuận.

Thậm chí, ngay cả khi các phương án chuyển giao bắt buộc được phê duyệt, lộ trình xử lý cũng phải kéo dài từ 8-10 năm. Bên cạnh đó, cơ chế chính sách, nguồn lực tài chính để xử lý còn nhiều bất cập, vướng mắc, thủ tục kéo dài. 

Trong năm 2024, NHNN sẽ tiếp tục triển khai quyết liệu, hiệu quả Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025; tập trung thực hiện có hiệu quả phương án xử lý các ngân hàng yếu kém.

Dự trữ bắt buộc, hay tỷ lệ dự trữ bắt buộc là một quy định của NNHNN về tỷ lệ giữa tiền mặt và tiền gửi mà các ngân hàng thương mại bắt buộc phải tuân thủ để đảm bảo tính thanh khoản.

Hiện NHNN quy định tiền gửi nội tệ không kỳ hạn hoặc kỳ hạn dưới 12 tháng có tỷ lệ dự trữ 3%. Với tiền gửi có kỳ hạn trên 12 tháng là 1%.

Tỷ lệ dự trữ đối với ngoại tệ được quy định có phần cao hơn. Cụ thể, với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 12 tháng là 8%. Còn tiền gửi kỳ hạn từ một năm trở lên là 6%.