Đề xuất nhiều biện pháp ngăn chặn tình trạng đấu giá biển số đẹp xong bỏ cọc

Bộ Công an đề xuất người trúng đấu giá biển số xe không nộp đủ tiền hoặc không nộp tiền theo thời hạn quy định, sẽ không được đăng ký tham gia đấu giá trong thời hạn 12 tháng. Điều này nhằm hạn chế tình trạng gây nhiễu loạn, phức tạp cho hoạt động đấu giá trực tuyến.

Mới đây, Cục Cảnh sát giao thông (CSGT) cho biết, trải qua 188 ngày đấu giá biển số ô tô, đã có hơn 1,1 triệu biển số được đưa ra đấu giá, trong đó hơn 32.000 biển số trúng thầu. Tổng tài sản đấu giá thành công là hơn 2,8 nghìn tỷ đồng. Đến nay, tổng số tiền người trúng đấu giá đã nộp vào tài khoản chuyên thu của Cục CSGT, để nộp ngân sách nhà nước là hơn 2,7 nghìn tỷ đồng.

Trong đó, một số biển ô tô có số tiền trúng đấu giá cao như 51K-888.88 hơn 15,2 tỷ đồng, 30K-555.55 gần 14,5 tỷ đồng, 11A-111.11 hơn 8,7 tỷ đồng, 72A-777.77 hơn 6,8 tỷ đồng, 88A-666.66 hơn 6,7 tỷ đồng...

dau-gia-bien-so-1722818249.jpg
Đầu giá biển số ô tô trực tuyến

Sau những thành công trên, Bộ Công an vừa qua thông tin về việc biển số xe máy đẹp cũng được đưa ra đấu giá. Tuy nhiên, quá trình đấu giá biển số cũng không phải hoàn toàn thuận lợi khi có một số khách sau khi trúng thầu với số tiền lớn đã bỏ cọc, đặc biệt là đối với các biển số VIP.

Như buổi tổ chức đấu giá biển số xe ô tô phiên thứ nhất, gồm 11 biển số của 10 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Tổng số tiền được khách hàng trả giá 82,325 tỷ đồng. Trong đó, biển 51K-888.88 giữ kỷ lục trúng đấu giá cao nhất. Chưa đầy 10 phút, người tham gia đã trả mức giá trên 10 tỷ đồng. Những phút cuối cùng, mức giá của biển số này là hơn 32 tỷ đồng được chốt sau 427 lượt trả.

Nhưng sau đó, biển số này cùng 5 biển số khác cũng với mức giá tiền tỷ đã không được khách hàng thực hiện các nghĩa vụ tài chính theo thời gian quy định. Do đó, kết quả trúng đấu giá này đã bị hủy. 6 biển số được đưa ra đấu giá lại.

Hay biển số 14A - 888.88 được chốt giá trúng thầu là 21,8 tỷ đồng (ngày 4/1). Nhưng người trúng đã bỏ cọc khiến ngày 4/4, biển số này phải đưa ra đấu giá lại. Cuối cùng, biển được chốt với giá 17,3 tỷ đồng.

Tương tự, biển 30K - 999.99 cũng từng có khách trả 75 tỷ đồng hồi tháng 1/2024, rồi bỏ cọc. Khi lên sàn lần tiếp theo vào ngày 5/4, biển số này được đấu giá thành công ở mức hơn 30,6 tỷ đồng, bằng gần một nửa giá trị so với lần lên sàn đầu tiên.

dau-gia-bien-so-1-1722818249.jpg
Cán bộ giám sát các phiên đấu giá biển số xe ô tô (Ảnh: Trần Phan/Thanh Niên)

Để tránh tình trạng này bị lặp lại nhiều lần, Bộ Công an đã đưa ra đề xuất mới trong dự thảo Nghị định quy định về đấu giá biển số xe, đang được lấy ý kiến. Theo đó, người trúng thầu biển số xe không nộp đủ tiền hoặc không nộp tiền theo thời hạn quy định, sẽ không được đăng ký tham gia đấu giá trong thời hạn 12 tháng.

Bộ Công an cho rằng, điều này nhằm hạn chế tình trạng gây nhiễu loạn, phức tạp cho hoạt động đấu giá trực tuyến và ảnh hưởng không tốt đến hiệu quả của hoạt động thí điểm.

Trong nghị định, Bộ Công an còn đề xuất mức thù lao dịch vụ đấu giá, chi phí đấu giá là 8% giá khởi điểm cho tổ chức đấu giá tài sản. Ngoài mức thù lao, để bảo đảm bảo tổ chức đấu giá tài sản thực hiện các trình tự thủ tục đấu giá, dự thảo Nghị định còn quy định tổ chức đấu giá được thanh toán chi phí thực tế, hợp lý với mức 2.000 đồng/1 biển số xe mô tô, xe máy và 10.000 đồng/1 biển số xe ô tô.

Bộ Công an cho biết, ngày 27/6, Quốc hội đã thông qua Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ, sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2025. Việc xây dựng và ban hành Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ, trong đó có nội dung quy định đấu giá biển số xe góp phần khai thác có hiệu quả tài sản công là biển số xe, tạo nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.

Đồng thời, bảo đảm việc cấp biển số xe công khai, minh bạch, đúng quy định của pháp luật. Mọi người dân đều có quyền bình đẳng trong lựa chọn biển số xe ô tô để tham gia đấu giá. Từ các cơ sở pháp lý nêu trên, việc xây dựng Nghị định quy định về đấu giá biển số xe là cần thiết.