Đề xuất nuôi chó, mèo phải đăng ký kê khai: “Ý thức của người nuôi vẫn là quan trọng nhất”

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM vừa có tờ trình gửi UBND TP.HCM về việc xây dựng quy định tạm thời quản lý nuôi chó, mèo trên địa bàn thành phố. Theo đó, chủ nuôi chó, mèo phải đăng ký với UBND xã, phường và khuyến khích gắn chip điện tử cho vật nuôi. Đề xuất này đang nhận được sự ủng hộ của đông đảo người dân.

Theo tờ trình mới đây của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Hồ Chí Minh, chủ nuôi chó, mèo phải đăng ký, khai báo định kỳ với UBND cấp xã, phường, khuyến khích gắn chip điện tử vật nuôi để dễ quản lý, theo đề xuất của ngành nông nghiệp.

Theo nội dung tờ trình, người dân muốn nuôi chó, mèo phải đăng ký với UBND cấp xã. Khuyến khích các hộ nuôi gắn microchip như chip điện tử hay một phần mềm mạch vi xử lý trên vật nuôi. Việc này giúp quản lý thông tin phối giống, tiêm phòng, kiểm dịch vận chuyển...Việc kê khai được thực hiện định kỳ hai lần trong năm. Ngoài ra, người dân phải kê khai đột xuất trong thời hạn ba ngày kể từ khi nhập về nuôi mới, hoặc theo yêu cầu của cơ quan chức năng.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn TP.HCM, hiện nay trên địa bàn có hơn 184.000 con chó, mèo được nuôi tại hơn 105.000 hộ, trong đó khoảng 34% nuôi ở khu vực 5 huyện ngoại thành (Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè và Cần Giờ).

Sau khi có đề xuất này của Sở, theo ghi nhận của PV Đô Thị Mới, đa số người dân khi được hỏi đều bày tỏ sự đồng tình ủng hộ. Tuy nhiên cần phải có những giải pháp cụ thể để có thể không gây phiền hà cho người nuôi, cũng như giúp chính quyền dễ quản lý.

Chị Trần Thị Thanh, sống tại một chung cư ở quận Gò Vấp cho biết, trước đây chị cũng nuôi chó. Nhưng sau một thời gian thấy khá phiền hà, bất tiện nên quyết định mang đi cho: “Mình thích nuôi chó nhưng ở đây đông đúc rất ảnh hưởng người khác, nhất là trẻ con. Ở đây đã từng có việc trẻ em bị chó cắn, khiế người dân không thiện cảm với chó nuôi. Mình ủng hộ việc chủ chó, mèo phải khai báo với chính quyền để có biện pháp quản lý".

z5291576500891-2b7ed5d36e9e9f78a375d40b997fb5e1-1711588658.jpg
Một chung cư ở quận Bình Tân để biển cấm nuôi chó mèo ở nơi công cộng

Tại một công viên ở khu dân cư Vĩnh Lộc (quận Bình Tân, TP HCM), chiều nào người ta cũng thấy một người đàn ông dắt theo 4 con chó ra ngồi ghế đá. Mặc dù dắt theo nhiều chó như vậy nhưng không khiến người xung quanh sợ hãi, mà còn gây tò mò, có không ít người lại hỏi thăm. Bởi 4 con chó của ông được xích dây cẩn thận, chỉ quanh quẩn quanh chủ. Ông Nguyễn Châu Giang, chủ nhân của 4 con chó cho biết, khi ở nhà ông cũng không bao giờ để chó ra ngoài đường, phần vì để an toàn cho người khác, phần vì sợ kẻ gian bắt cắp. Về đề xuất nuôi chó, mèo phải đăng ký, ông Giang cho biết, nếu áp dụng thì ông ủng hộ, sẵn sàng đi đăng ký cho đàn chó của mình.

z5291576500894-8c543c83c782f2d5c1b2e5b64aca58be-1711588871.jpg
Ông Giang ủng hộ việc nuôi chó, mèo phải đăng ký với chính quyền

Ở trên các diễn đàn mạng xã hội, khi nói về đề xuất này, cũng có một số ý kiến trái chiều, tuy nhiên phần lớn là ủng hộ. Tài khoản có tên Nguyễn Trung bình luận: “Mình không ghét gì chó mèo. Nhưng người nuôi phải có ý thức, không để chạy ra đường lung tung, phóng uế bừa bãi”.

Tài khoản có tên Đinh Huyền thì bình luận ngắn gọn: “Chở chó trên xe mô tô chạy ào ào, chó nhảy xuống xe, đang đi phía sau hết hồn”. Một tài khoản khác thì khẳng định: “Nuôi không ai cấm, nhưng nuôi không có ý thức thì cấm luôn cho người xung quanh họ đỡ phiền”.

Trao đổi với phóng viên Đô Thị Mới, bác sĩ thú y Nguyễn Văn Thanh, chủ một phòng khám thú y ở huyện Củ Chi cho biết, ủng hộ đề xuất việc người nuôi chó, mèo phải đăng ký với chính quyền, nhưng phải có biện pháp cụ thể để người nuôi có thể tự nguyện làm theo quy định". 

“Việc vận động người ta đi tiêm vắc xin cho chó đã khó rồi chứ chưa nói đến những việc khác. Theo tôi, cần phải có quy định để siết chặt việc nuôi chó, mèo, tuy nhiên cái quan trọng nhất vẫn là ý thức của người nuôi. Có quy định nhưng người nuôi không có ý thức thì chính quyền sẽ gặp khó khăn trong việc quản lý”, ông Thanh nói.

Theo ông Thanh, việc gắn Microchip cho chó mèo cũng là biện pháp giúp người nuôi, chính quyền dễ dàng hơn trong việc quản lý. Việc cấy ghép Microchip không gây đau đớn, phiền hà gì cho vật nuôi. Mỗi Microchip sẽ có một ID mang mã số khác nhau. Khi quét Microchip trong cơ thể con vật bằng máy đọc chip sẽ ra được mã số đó. Do đó khi xảy ra tranh chấp, hay chó rông cắn người, gây tai nạn…có thể nhờ mã số này để chứng minh con vật nuôi đó là của chủ nhân nào. Microchip ID này không có chức năng định vị nên không thể phát GPS để có thể biết con vật đang ở đâu mà chỉ có chức năng chứa mã ID như là số CCCD của mỗi người.

Hạn chế nuôi chó dữ

Bên cạnh việc đề xuất người nuôi chó, mèo phải đăng ký với UBND xã, phường, Sở NNPTNT cũng đề xuất hạn chế nuôi các giống chó to, bản tính hung dữ như chó Pit Bull (Mỹ), chó Perro de Presa Canarios (Tây Ban Nha), chó săn Dogo Argentinos (Argentina), chó Tosa (Nhật Bản) và chó Fila Brasileiros (Brazil)...

Ngoài ra, chủ vật nuôi cần theo dõi tình hình sức khỏe vật nuôi thường xuyên. Chó, mèo có biểu hiện bất thường nghi bệnh truyền nhiễm nguy hiểm phải cách ly, theo dõi và báo ngay cơ quan thú y hoặc chính quyền địa phương để được hỗ trợ, xử lý theo quy định. Chó, mèo phải được tiêm phòng dại bắt buộc để hạn chế nguy cơ lây nhiễm bệnh cho người, chó, các vật nuôi khác.

Theo Sở NN&PTNT, chủ vật nuôi cần chấp hành các quy định về phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh theo hướng dẫn của cơ quan thú y. Chủ vật nuôi không thả rông chó nơi công cộng, không để chó tấn công người, chó và các vật nuôi khác. Khi đưa chó ra nơi công cộng, chủ vật nuôi phải bảo đảm an toàn cho người xung quanh; chó phải được xích, đeo rọ mõm và có người dắt.

Về vệ sinh môi trường, chủ vật nuôi phải đăng ký và cam kết thực hiện công tác bảo vệ môi trường trong chăn nuôi và áp dụng các biện pháp xử lý chất thải chăn nuôi theo quy định hiện hành. Khi đưa chó ra nơi công cộng, chủ vật nuôi phải mang đủ dụng cụ đựng chất thải và dọn sạch chất thải do chó thải ra nơi công cộng.

Chủ vật nuôi áp dụng các biện pháp nhằm đảm bảo tiếng ồn do hoạt động nuôi chó không được vượt quá 70dBA (từ 6-21 giờ) và 55dBA (21 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau). Ngoài ra, trong tờ trình đề xuất cũng đề cập tới vấn đề đối xử nhân đạo khi nuôi chó, mèo. Theo đó, tổ chức, cá nhân có hoạt động chăn nuôi chó, mèo cần có chuồng trại, không gian chăn nuôi phù hợp với vật nuôi.

Đối với chó dữ, Sở NN&PTNT đề xuất nuôi giữ ở trong nhà hoặc nuôi trong chuồng ngoài trờ, phải luôn chú ý tránh để chó ngoài tầm kiểm soát của chủ và tấn công người, thú khác.

Chuồng nuôi chó dữ phải đảm bảo không để mọi người tiếp cận, có bảng cảnh báo chó dữ. Chuồng nuôi cũng cần chỗ ngủ phù hợp với điều kiện thời tiết; diện tích sàn tối thiểu 1m2/con, chiều cao và chiều rộng tối thiểu 1,8m.