Đến lượt Shopee khuyến nghị gỡ bỏ các sản phẩm của Apple khỏi các phiên livestream

Sau khi Apple gửi “tối hậu thư” tới các nhà phân phối chính hãng tại Việt Nam, yêu cầu gỡ bỏ sản phẩm trên TikTok Shop, mới đây, sàn TMĐT Shopee khuyến nghị về việc gỡ bỏ các sản phẩm của thương hiệu này ra khỏi các phiên livestream trên nền tảng.

Được biết, trong ngày 13/6, một số nhà phân phối ủy quyền của Apple tại Việt Nam đã nhận được email thông báo từ Shopee về việc cần gỡ bỏ các sản phẩm của “nhà Táo” khỏi các phiên livestream. Shopee không nêu rõ lý do vì sao dẫn đến khuyến nghị này, chỉ cho biết: “Không nên livestream các sản phẩm Apple”, đồng thời yêu cầu các mạng lưới đa kênh (MCN) loại bỏ sản phẩm iPhone, iPad ra khỏi các giỏ hàng livestream. “Nếu trong các phiên livestream có phát sinh các vấn đề liên quan đến các sản phẩm này, team Shopee MCN sẽ không chịu trách nhiệm”.

shopee-1718294899.jpg

Shopee vừa có khuyến nghị các đại lý phân phối ủy quyền loại bỏ sản phẩm chính hãng của Apple ra khỏi giỏ hàng trong các phiên livestream.

Thông tin này khiến nhiều người tiêu dùng quan tâm bởi trước đó, Apple cũng đã có biện pháp cứng rắn yêu cầu các đối tác của mình gỡ bỏ hoàn toàn các sản phẩm của mình khỏi TikTok Shop. Tuy nhiên, thực tế trường hợp của Shopee lại có sự khác biệt, sản phẩm của Apple không bị gỡ bỏ hoàn toàn khỏi sàn mà vẫn được phân phối chính hãng trên gian hàng Apple Flagship Store.

Theo giới quan sát, đây có thể là một trong những biện pháp nhằm thắt chặt hơn các hình ảnh thương hiệu, sản phẩm của Apple đối với các sàn thương mại điện tử. Apple luôn được định danh là một thương hiệu kỹ tính và cẩn thận trên tất cả các kênh bán hàng. Công ty cũng không vì theo đuổi mục tiêu doanh số mà thả nổi cho các đối tác triển khai bán hàng không kiểm soát. Việc sản phẩm của hãng xuất hiện trong các phiên livestream, đặc biệt là những phiên đình đám trị giá hàng trăm tỷ đồng nhưng lại không tập trung vào giá trị thương hiệu, sản phẩm của “nhà Táo” không được hãng đánh giá cao. Thậm chí, Apple còn cảm thấy khó chịu khi sản phẩm của mình được bán chung với những sản phẩm như tã bỉm, thời trang, hàng bình dân…

Chưa kể, trong các phiên livestream bán hàng trên sàn thương mại điện tử, có thể có nguy cơ xuất hiện sản phẩm của hãng cùng với những mặt hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả, hàng nhái…. Điều này sẽ ảnh hưởng trầm trọng tới giá trị thương hiệu, đồng thời có những tác động nhất định tới các kênh bán hàng khác đang hoạt động ổn định.

ceo-tim-cool-den-vn-1718295090.jpg

CEO Tim Cook trong chuyến công tác tại Việt Nam trong tháng 4/2024.

Apple gần đây đang có những động thái thể hiện sự quan tâm mạnh tới thị trường Việt Nam. Tháng 5/2023, hãng đã mở cửa hàng trực tuyến đầu tiên tại Việt Nam, cung cấp các sản phẩm, dịch vụ chính hãng của thương hiệu tới người tiêu dùng. CEO Tim Cook cũng đã nhiều lần đánh giá cao tiềm năng của thị trường Việt.

Mới đây nhất, tháng 4/2024, ông Cook cùng đoàn cán bộ cấp cao của Apple cũng đã có chuyến công tác tại Việt Nam, cam kết tăng cường sự hiện diện và kết nối với các đối tác trong nước. Hãng cũng sẽ gia tăng chi tiêu cho các đối tác trong chuỗi cung ứng. Việc Apple coi trọng thị trường Việt và việc tăng cường kiểm soát hình ảnh, thương hiệu trên mọi “mặt trận” bao gồm các sàn TMĐT là điều dễ hiểu.

Liên quan đến sự xuất hiện của hình ảnh, sản phẩm Apple trên các sàn thương mại điện tử, mới đây, các lực lượng chức năng của Hà Nội cũng đã phát hiện một kho hàng thiết bị điện tử, đồ gia dụng, quần áo có dấu hiệu nhập lậu. Trong số đó, có khoảng 2.000 chiếc iPhone, iPad không có giấy tờ nguồn gốc. Vụ việc được điều tra, phát hiện sau một thời gian dài theo dõi hàng hóa được đăng bán trên các nền tảng thương mại điện tử tại Việt Nam. Vụ việc hiện vẫn đang tiếp tục được điều tra, làm rõ.