Đi xe đạp sau khi uống rượu, bia cũng bị xử phạt nồng độ cồn

Nhiều người sau khi uống rượu, bia sợ bị phạt nên chuyển từ đi ô tô, xe máy sang xe đạp mà không hề biết rằng, pháp luật cũng quy định mức phạt vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển loại phương tiện thô sơ này.

Đang đạp xe trên đường, anh Nguyễn Văn Long (Long Biên, Hà Nội) bị tổ công tác của cảnh sát giao thông ra hiệu dừng lại, sau đó anh được yêu cầu thổi nồng độ cồn. Hiển thị trên máy đo nồng độ cồn trên hơi thở cho thấy anh Long đã vượt quá 0,3mg/lít khí thở. Anh Long bị xử phạt 300.000 đồng vi phạm nồng độ cồn.

Trước đó, anh Long được bạn hẹn đi ăn tân niên. Đi nhậu, tất nhiên phải uống, thế nên ngay từ đầu anh đã không có ý định tự lái xe đi. Tuy nhiên, điểm hẹn gần nhà, nghĩ đặt xe cũng khó có tài xế muốn nhận nên anh quyết định đi xe đạp. Đến khi nhận xử phạt, anh Long rất bất ngờ vì không nghĩ rằng đi xe đạp cũng bị đo nồng độ cồn.

Đi xe đạp cũng có mức phạt nồng độ cồn

Thực tế, có rất nhiều người giống như anh Long cho rằng đi xe đạp sẽ không bị xử phạt vi phạm nồng độ cồn, phải đến khi bị xử phạt mới biết đến quy định này. Điều 8 Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định 123/2021/NĐ-CP) của Chính phủ quy định mức phạt người điều khiển xe đạp, xe đạp máy (kể cả xe đạp điện), người điều khiển xe thô sơ khác vi phạm quy tắc giao thông đường bộ như sau:

Người điều khiển xe đạp, xe máy điện, xe đạp điện bị phạt tiền từ 80.000 - 100.000 đồng khi nồng độ cồn chưa vượt quá 50mg/100ml máu hoặc chưa có 0,25mg/lít khí thở.

Người đi xe đạp, xe đạp điện, xe máy điện bị phạt tiền từ 200.000 - 300.000 đồng khi có nồng độ cồn vượt quá 50 - 80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,25 - 0,4mg/lít khí thở.

Người điều khiển xe đạp, xe đạp điện, xe máy điện có chứa nồng độ cồn vượt quá mức 80mg/100ml máu hay vượt quá 0,4mg/lít khí thở sẽ bị phạt tiền từ 400.000 - 600.000.

Ngoài mức phạt trên, nếu trong quá trình lực lượng chức năng yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn mà người điều khiển phương tiện cố tình không chấp hành hoặc có hành vi chống đối thì bị phạt tiền ở mức cao nhất. Đồng thời, trường hợp này còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về một trong các tội như gây rối trật tự công cộng, chống người thi hành công vụ…

Căn cứ khoản 1 Điều 82 Nghị định 100/2019/NĐ-CP về tạm giữ phương tiện, giấy tờ có liên quan đến người điều khiển và phương tiện vi phạm, để ngăn chặn ngay vi phạm hành chính, người có thẩm quyền xử phạt được phép tạm giữ phương tiện tối đa đến 7 ngày trước khi ra quyết định xử phạt đối với những hành vi vi phạm.