Điểm mới cần biết trong đăng ký thường trú cho trẻ mới sinh

Trong thời hạn tối đa 60 ngày, từ khi trẻ em được đăng ký khai sinh, cha mẹ hoặc đại diện hộ gia đình, người nuôi dưỡng, chăm sóc, người giám hộ có trách nhiệm làm thủ tục đăng ký thường trú cho trẻ em đó.

Bộ Công an đang lấy ý dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Cư trú. Theo Bộ Công an đất nước ta đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và chủ động hội nhập quốc tế, yêu cầu đặt ra cho công tác quản lý cư trú phải bắt kịp thời đại theo hướng ứng dụng thành tựu khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến.

Các bộ, ngành, địa phương trên cả nước hiện cũng đang tiến hành chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính, xây dựng hệ thống Cơ sở dữ liệu. Để đảm bảo thống nhất, đồng bộ và ứng dụng tối ưu hóa các hệ thống dữ liệu cần điều chỉnh quy định về Cơ sở dữ liệu về cư trú, việc xây dựng Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Cư trú là rất cần thiết.

dang-ky-thuong-tru-1-1715214462.jpg
Cha, mẹ có nơi thường trú khác nhau thì trẻ mới sinh được đăng ký theo cha hoặc mẹ thường xuyên chung sống

Trong dự thảo Nghị định này, Bộ Công an đã đề xuất một số điểm mới về thủ tục xóa đăng ký thường trú, tạm trú. Đáng chú ý, Điều 7 của dự thảo có quy định về đăng ký thường trú cho trẻ em mới sinh.

Theo đó, trẻ mới sinh được đăng ký nơi thường trú của cha, mẹ. Nếu cha, mẹ có nơi thường trú khác nhau thì trẻ mới sinh sẽ được đăng ký theo cha hoặc mẹ mà trẻ em mới sinh thường xuyên chung sống. Trường hợp không xác định được nơi thường xuyên chung sống thì thường trú của trẻ mới sinh là nơi do cha mẹ thỏa thuận.

Trong thời hạn tối đa 60 ngày, từ khi trẻ em được đăng ký khai sinh, cha mẹ hoặc đại diện hộ gia đình, người nuôi dưỡng, chăm sóc, người giám hộ có trách nhiệm làm thủ tục đăng ký thường trú cho trẻ em đó. Nếu không đủ điều kiện đăng ký thường trú, phải thực hiện đăng ký tạm trú, khai báo thông tin về cư trú cho trẻ.

Ngoài ra, dự thảo cũng bổ sung quy định về một số nội dung xóa đăng ký thường trú, tạm trú.

Cụ thể, trong thời hạn 1 ngày kể khi nhận được quyết định khai tử; quyết định tuyên bố chết, mất tích của tòa án; tước quốc tịch Việt Nam, thôi quốc tịch Việt Nam, hủy bỏ quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam; quyết định hủy bỏ đăng ký thường trú/tạm trú của thủ trưởng cấp trên trực tiếp hoặc ngay sau khi ra quyết định hủy bỏ đăng ký thường trú/tạm trú với công dân, cơ quan đăng ký cư trú sẽ xóa đăng ký thường trú/tạm trú với công dân và cập nhật thông tin này vào Cơ sở dữ liệu về cư trú và Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

dang-ky-thuong-tru-1715214462.jpg
Bộ Công an đưa ra một số thay đổi trong xóa đăng ký tạm trú, thường trú

Trừ các trường hợp trên, trong 7 ngày từ khi hộ gia đình có người thuộc diện xóa đăng ký thường trú/tạm trú thì nộp hồ sơ đến cơ quan đăng ký cư trú.

Cơ quan, đơn vị quản lý người học tập, công tác, làm việc trong lực lượng vũ trang nhân dân có văn bản đề nghị cơ quan đăng ký cư trú trên địa bàn đóng quân xóa đăng ký thường trú/tạm trú với người thuộc đơn vị mình quản lý. Văn bản đề nghị cần nêu rõ họ, chữ đệm và tên khai sinh; số căn cước công dân, số căn cước hoặc chứng minh nhân dân; số định danh cá nhân; lý do đề nghị xóa đăng ký thường trú.

Trong 5 ngày làm việc tính từ khi nhận được hồ sơ hợp lệ, cơ quan đăng ký cư trú phải xóa đăng ký thường trú với công dân và cập nhật việc xóa đăng ký thường trú vào Cơ sở dữ liệu về cư trú, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Trong dự thảo nêu rõ, trường hợp quá 7 ngày tính từ khi cơ quan đăng ký cư trú thông báo mà người thuộc diện xóa đăng ký thường trú/tạm trú hoặc đại diện hộ gia đình không nộp hồ sơ thì sẽ bị lập biên bản về vụ việc.

Cơ quan đăng ký cư trú thông báo bằng văn bản cho công dân đó hoặc chủ hộ về việc xóa đăng ký thường trú sau khi đã thực hiện.