Điểm “tử huyệt" khiến startup triệu đô của shark Thủy phá sản

Dù để lại không ít dấu ấn trên thị trường, hầu hết dự án nhận vốn từ Shark Thủy đều sớm nở chóng tàn

Trước khi dính đến các lùm xùm và bị bắt tạm giam, ông Nguyễn Ngọc Thủy - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc CTCP tập đoàn giáo dục Egroup - từng được coi như vị "cá mập vàng" của làng Shark Tank Việt Nam, với tham vọng mỗi mùa Shark Tank sẽ chọn 1 dự án và nuôi dưỡng thành startup kỳ lân.

nha-san-xuat-shark-tank-viet-nam-tung-phai-len-tieng-vi-nhung-thong-tin-lien-quan-den-shark-thuy-sha-1711424810-96-width951height634-17114374565961004200346-1711524369.jpeg
Ông Nguyễn Ngọc Thủy - Shark Thuỷ

8 startup Shark Thủy rót vốn sau Shark Tank Việt Nam bao gồm: Chuỗi sữa đậu nành Soya Garden: 100 tỷ đồng (cam kết 15 tỷ đồng); Umbala: 260.000 USD đổi 15% cổ phần (deal chung với Shark Vương); Xe lăn đa năng VH: 1 tỷ đồng đổi 36% cổ phần (deal chung với Shark Vương và Shark Hưng); Bống chè bưởi: 300 triệu đồng đổi lấy 30% cổ phần (deal chung với Shark Hưng); Chuỗi Talks cafe: 5 tỷ đồng đổi lấy 45% cổ phần; Nhà hàng chay Pema: 3 tỷ đồng đổi lấy 80% cổ phần; Trò chơi nhập vai We Escape: 30 tỷ đồng (gấp 6 lần cam kết); Luxstay: 3 triệu USD + 3 triệu USD quyền mua (deal chung với Shark Việt và Shark Hưng, mỗi Shark 1 triệu USD + quyền mua 1 triệu USD trong round sau).

2 startup ông kỳ vọng "ấp trứng kỳ lân" là Soya Garden (thực rót 100 tỷ đồng) và We Escape (thực rót 25 tỷ đồng), dù trên truyền hình, vốn cam kết dành cho 2 startup trên chỉ lần lượt là 15 tỷ và 5 tỷ đồng. Cả 2 startup ông chọn ươm trên đều đã chính thức đóng cửa.

"Trứng kỳ lân" của Shark Tank Việt Nam mùa 3 ông chọn là Luxstay, cùng chung tay cùng Shark Việt và Shark Hưng. Luxstay cũng chỉ tỏa sáng trong phút chốc với việc mời Sơn Tùng M-TP làm đại sứ thương hiệu, trước khi lay lắt sau làn sóng Covid – 19.

Điểm “tử huyệt”

Sau khi nhận được đầu tư từ Shark Thủy, tháng 3/2018, Soya Garden tăng vốn điều lệ từ 30 triệu đồng lên 20 tỷ đồng. Trong đó, 82% cổ phần thuộc về CTCP Tập đoàn Ozen (là công ty của Shark Thủy), còn lại của chị em Hoàng Anh Tuấn.

soy-1711524579.jpeg
Soya Garden được mở ở những vị trí đắc địa

Tháng 3/2019, Soya Garden tăng vốn điều lệ gấp 5 lần, lên 100 tỷ đồng, nguồn vốn này phần lớn đến từ tập đoàn Egroup của Shark Thủy. Với màn bơm vốn này, Soya Garden nhanh chóng mở rộng quy mô lên mức 50 cửa hàng tại nhiều tỉnh, thành phố lớn trên cả nước.

Tuy nhiên việc kinh doanh không hiệu quả cùng với tác động của dịch bệnh, chuỗi đồ uống này đã phải đóng phần lớn cửa hàng. Đến tháng 7/2021, hệ thống này chỉ còn 10 điểm (giảm 80%), trong đó tại TP.HCM đã đóng toàn bộ và tại Hà Nội còn 6 cửa hàng.

Đến thời điểm hiện tại (tháng 8/2022), theo thông tin trên website con số Soya Garden chỉ còn vỏn vẹn 4 cửa hàng tại Hà Nội, giảm 92% so với thời điểm có quy mô cao nhất.

Trên thực tế, Soya chưa thành công trong việc tạo dựng được sản phẩm nổi bật gắn với thương hiệu của mình. Hương vị thức uống của Soya không đủ sức gây nghiện, trong khi giá bán lại khá cao, từ 45.000-60.000 đồng/món đồ uống.

Chiến lược marketing của nhãn cũng được cho rằng quá tập trung vào yếu tố "hữu cơ" mà quên mất với thực phẩm hương vị ngon miệng là một điều kiện tiên quyết.

Soya Garden tham vọng hoạt động với mô hình chuỗi cửa hàng, tập trung vào trải nghiệm khách hàng tại chỗ. Các cửa hàng đều được đặt ở vị trí đắc địa với diện tích lớn và thiết kế mở. Soya Garden trước khi lay lắt và chính thức đóng cửa, cũng gồng mình mở cửa hàng tại Ngã 6 Phù Đổng - cứ điểm của Phúc Long với giá thuê 25.000 USD (khoảng hơn 600 triệu đồng/tháng), đối diện Starbucks, nhưng chỉ trụ được gần 2 năm. Chi phí vận hành lớn, làm giảm hiệu quả hoạt động.

Ngoài ra, theo đánh giá của khách hàng, dù được quảng cáo với phong cách chuẩn Nhật nhưng các tiêu chuẩn vệ sinh, dịch vụ chăm sóc của nhân viên chưa đạt tới chuẩn, nhiều tiểu tiết như chuẩn bị muỗng, ống hút phù hợp với từng loại món bị bỏ ra khiến trải nghiệm của khách hàng chưa được tối ưu.

Chiến lược mở rộng "thần tốc" để nhằm dẫn đầu thị trường của Soya Garden sau đó không đạt được hiệu quả, doanh thu không theo kịp chi phí. Càng mở rộng càng lỗ nhiều, Soya Garden trở thành "miếng bọt biển" hút tiền, thay vì "con gà đẻ trứng vàng" cho Shark Thủy.

Một trong những "tử huyệt" của Soya Garden cũng chính là của các startup mảng giải trí, F&B (ngành công nghiệp thực phẩm và dịch vụ ăn uống) mà ông Thủy rót vốn là chi phí mặt bằng. Cùng với tham vọng mở rộng quy mô nhanh chóng, chi phí mặt bằng cũng tăng lên chóng mặt.

"Chi phí mặt bằng quá lớn đã khiến chúng mình phải đóng dần những "đứa con" của mình, mặc dù mỗi lần như vậy đều là những vết đâm thẳng vào trong tim cả đội ngũ", CEO We Escape Nhân Vương biên tâm thư trước khi đóng cửa toàn bộ hệ thống hồi đầu năm.

Ngày 26/3, Trung tướng Tô Ân Xô, Người phát ngôn Bộ Công an cho biết, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Bộ Công an (C03) vừa khởi tố bắt tạm giam đối với Nguyễn Ngọc Thủy (người thường được biết đến là Shark Thủy) - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn giáo dục Egroup, Công ty CP Đầu tư và Phân phối Egame cùng đồng phạm về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, thông qua hình thức chuyển nhượng cổ phần Công ty CP Tập đoàn Giáo dục Egroup.

Cơ quan điều tra đã khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Nguyễn Ngọc Thủy và Đặng Văn Hiền - Trưởng Ban quan hệ cổ đông Công ty CP Đầu tư và Phân phối Egame. Công ty CP Tập đoàn Giáo dục Egroup là công ty mẹ, là doanh nghiệp chủ chốt trong hệ sinh thái của ông Nguyễn Ngọc Thủy, trải rộng trên nhiều lĩnh vực từ giáo dục đào tạo, chăm sóc sức khỏe đến thực phẩm. Các công ty con nổi bật của Egroup, gồm Công ty CP Đầu tư Apax Holdings (mã chứng khoán: IBC) - đứng sau chuỗi trung tâm Anh ngữ Apax Leaders, hệ thống mầm non Igarten, trường liên cấp Firbank Australia...