Điều gì khiến nhiều người trẻ gặp áp lực so sánh khi lướt mạng xã hội

Theo thạc sĩ Đặng Hoàng An, thiếu kỹ năng sống khiến họ gặp khó khăn trong việc chọn lọc thông tin trên mạng xã hội. Nhiều bạn trẻ chưa biết cách định vị chính xác giá trị bản thân, thay vì so sánh mình với phiên bản trước đây của chính mình, họ lại dễ dàng so sánh với người khác. Điều này vô tình tạo ra áp lực không cần thiết.

Bài đăng từ bạn bè đồng trang lứa

Một cuộc khảo sát nhanh với một nhóm sinh viên tại khu đô thị Đại học Quốc gia TP. HCM cho thấy, đa số các bạn trẻ dành hơn 1 giờ đồng hồ mỗi ngày cho việc sử dụng mạng xã hội với mục đích giải trí. Một số trường hợp, sinh viên dành tới 5, 6 giờ đồng hồ chỉ để "lướt" mạng xã hội. Điều đáng chú ý là tất cả các bạn đều thừa nhận rằng trong quá trình giải trí đó, đôi khi họ phải đối mặt với những bài viết khiến họ cảm thấy áp lực.

mang-xa-hoi-1-1734225578.png
Nhiều sinh viên dành tới 5 - 6 giờ đồng hồ chỉ để "lướt" mạng xã hội

Trần Anh Huy (20 tuổi, Dĩ An, Bình Dương) - sinh viên một trường đại học trên địa bàn TP. HCM cho biết, cậu thường dành khoảng 4 giờ đồng hồ mỗi ngày để sử dụng các mạng xã hội như Threads và Facebook. Tuy nhiên, gần đây, Huy thấy áp lực khi thường xuyên bắt gặp các bài đăng khoe thu nhập và chia sẻ về hành trình thành công.

Huy chia sẻ, một số bài viết chia sẻ về cách học và kiếm tiền rất bổ ích. Tuy nhiên, người viết những bài đó thường cùng tuổi hoặc thậm chí nhỏ hơn khiến cậu cảm thấy mình còn kém cỏi.

Lê Minh Hoàng (TP. Thủ Đức, TP.HCM) cũng bày tỏ sự lo lắng khi việc lướt mạng xã hội khiến cậu phải đối mặt với áp lực từ đồng trang lứa. Hoàng bảo, không chỉ là những bài đăng của người lạ, mà cả bài đăng của bạn bè quen biết chia sẻ thành tích cá nhân khiến cậu thường xuyên so sánh bản thân với bạn bè và cảm thấy căng thẳng, tự ti hoặc lo lắng về tương lai của mình.

Nguyễn Phương Linh (23 tuổi) hiện là du học sinh tại Hàn Quốc. Trong mắt bạn bè, cô là một người có cuộc sống đáng mơ ước. Với thành tích học tập xuất sắc, Linh được nhiều bạn bè ngưỡng mộ và cho rằng cô là người tài giỏi. Tuy nhiên, Linh cũng không ít lần cảm thấy áp lực khi tình cờ nhìn thấy các bài đăng của bạn bè trên Facebook và Instagram.

Linh chia sẻ, khi thấy bạn bè đăng ảnh đi làm, vui chơi hoặc nhận giải thưởng, cô thường tự hỏi tại sao họ làm được những điều đó, còn mình thì không? Bên cạnh đó, Linh cũng đưa ra một góc nhìn về vấn đề này: Áp lực này giống như một chuỗi liên tiếp. Khi mình cảm thấy áp lực trước thành tựu của người khác, thì cũng có người cảm thấy áp lực với những gì mình làm được. Cứ thế, áp lực sẽ không bao giờ kết thúc.

Giảm sút lòng tự tin vì thiếu kỹ năng sống

Thạc sĩ tâm lý Đặng Hoàng An - cựu giảng viên Khoa Tâm lý học, Trường Đại học Sư phạm TP. HCM chia sẻ, việc thường xuyên tiếp xúc với các bài viết trên mạng xã hội của những người xung quanh khiến giới trẻ dễ dàng so sánh bản thân với hình ảnh hoàn hảo, đầy đủ mà họ thấy. Điều này có thể dẫn đến những rối loạn tâm lý như căng thẳng, lo âu, sợ hãi và đặc biệt là sự giảm sút lòng tự tin.

mang-xa-hoi-1734225578.jpg
Khi lướt mạng xã hội, người trẻ dễ dàng so sánh bản thân mình với người khác

Theo thạc sĩ Đặng Hoàng An, ngoài những tác động từ bên ngoài, nguyên nhân chính khiến giới trẻ cảm thấy căng thẳng còn xuất phát từ chính bản thân họ. Việc thiếu kỹ năng sống khiến họ gặp khó khăn trong việc chọn lọc thông tin trên mạng xã hội. Nhiều bạn trẻ chưa biết cách định vị chính xác giá trị bản thân, thay vì so sánh mình với phiên bản trước đây của chính mình, họ lại dễ dàng so sánh với người khác. Điều này vô tình tạo ra áp lực không cần thiết.

Tuy nhiên, vẫn có một bộ phận giới trẻ giữ được sự tỉnh táo và vững vàng trước thông tin hỗn tạp trên mạng xã hội. Họ nhận thức rằng, đằng sau lớp vỏ hào nhoáng trên các nền tảng xã hội, luôn tồn tại những khía cạnh không hoàn hảo hoặc những khuyết điểm mà người khác không công khai.

Thạc sĩ Đặng Hoàng An khuyến nghị, giới trẻ cần giữ cái đầu lạnh khi tiếp nhận thông tin trên mạng xã hội, hiểu rõ nguyên nhân gây ra áp lực cho bản thân và biết cách giảm thiểu tiếp xúc với những nội dung tiêu cực. Họ cần trau dồi thêm kỹ năng sử dụng mạng xã hội sao cho có thể nhìn nhận thông tin một cách đa chiều. Quan trọng hơn cả, các bạn nên hạn chế tương tác trực tuyến và thay vào đó tham gia nhiều hoạt động thực tế như thể thao, gặp gỡ bạn bè để tạo dựng những kết nối chân thật hơn.

Theo nhà tham vấn tâm lý Nguyễn Dạ Đan Trang - Giám đốc điều hành CoRe (Trung tâm tham vấn, nghiên cứu và phát triển cộng đồng), khi người trẻ dành quá nhiều thời gian trên mạng xã hội mà không có mục tiêu rõ ràng, sẽ dẫn đến các tác động tiêu cực cho sức khỏe thể chất và tinh thần.

Việc sử dụng mạng xã hội quá mức có thể làm gián đoạn giấc ngủ, ảnh hưởng đến chế độ ăn uống và thói quen sinh hoạt, khiến người trẻ thiếu năng lượng và dễ bị stress. Nếu tình trạng này kéo dài, việc lệ thuộc vào các mối quan hệ ảo và thiếu kết nối thực tế có thể khiến người trẻ cảm thấy cô đơn, dễ bị tổn thương cảm xúc, và tăng nguy cơ mắc các chứng rối loạn lo âu, trầm cảm.

Chuyên gia Đan Trang chia sẻ, khi lướt mạng xã hội quá nhiều, người dùng có thể rơi vào trạng thái so sánh với người khác, dẫn đến cảm giác không hài lòng với chính mình và cuộc sống. Điều này tạo ra những áp lực vô hình, khiến người trẻ cảm thấy mất phương hướng, không còn kết nối với cảm xúc và nhu cầu thật sự của bản thân.

Một nguy cơ lớn khi dành quá nhiều thời gian trên mạng xã hội là người dùng có thể bị “nhốt” trong một “bong bóng” thông tin hẹp. Tiến sĩ Huỳnh Văn Thông - Trưởng bộ môn truyền thông, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP. HCM) cho biết, nhờ vào thuật toán, mạng xã hội liên tục đề xuất các nội dung phù hợp với sở thích và hành vi của người dùng, tạo nên một vòng lặp khép kín.

Điều này khiến người dùng chỉ tiếp xúc với những quan điểm và thông tin quen thuộc, từ đó hạn chế khả năng tiếp nhận ý tưởng mới và mở rộng tầm nhìn. Nếu người dùng tiếp xúc với thông tin tiêu cực, sức khỏe tinh thần của họ có thể bị ảnh hưởng, dẫn đến tình trạng “ngộ độc” thông tin.