“Đinh tặc” lộng hành trở lại trên nhiều tuyến quốc lộ

Sau một thời gian lắng xuống, gần đây, nhiều tuyến quốc lộ, tỉnh lộ tại TP. HCM và Bình Dương xuất hiện trở lại hiện tượng rải đinh gây nguy hiểm cho người đi đường, nhất là với xe máy.

Loại đinh được rải hiện nay phần nhiều là đinh caro. Ở tất cả những tuyến đường đang bị các đối tượng rải đinh có nhiều xe tải, xe container chạy đi cùng tuyến. Xe máy cán phải đinh đột ngột sẽ bị đảo tay lái. Nếu người điều khiển không giữ được thăng bằng để xử lý tình huống thì tai nạn hoàn toàn có thể xảy ra.

Anh Nguyễn Văn Tiến (ngụ TP. Dĩ An, Bình Dương) cho biết, mỗi ngày anh đều đến Chợ đầu mối Thủ Đức (TP. Thủ Đức, TP. HCM) mua trái cây về bán. Anh thường di chuyển qua đoạn từ cầu vượt Linh Xuân đến cầu vượt Sóng Thần.

dinh-tac-1-1719654905.jpg
Nhiều tuyến đường tại TP. HCM xuất hiện "đinh tặc" trở lại (Ảnh: PLO)

Gần đây, xe của anh nhiều lần cán đinh khiến công việc gặp khó khăn. Anh Tiến bức xúc chia sẻ, nhiều hôm đang chạy bon bon trên cầu vượt Sóng Thần thì cán phải đinh khiến xe lảo đảo, lạng qua, lạng lại, anh suýt té sấp mặt. Giữa đêm hôm khuya khoắt, một mình anh còng lưng đẩy xe chở trái cây nặng trên đường rất vất vả, khổ sở.

Anh Tiến bảo, thời điểm anh đi lấy hoa quả ít phương tiện trên cầu, chứ xe tự nhiên chao đảo, lạng qua dễ bị xe đi cùng chiều tông vào. Anh tay lái vững, nếu không thì không đếm được số lần bị ngã xe vì cán phải đinh rồi.

Thời gian qua, nhiều người dân quận 12 (TP. HCM) cũng phản ánh đoạn kéo dài khoảng khoảng 200m trên quốc lộ 1 và trên dốc cầu vượt An Sương hướng từ quận 12 đi Bình Tân (phường Trung Mỹ Tây, quận 12) bị dải rất nhiều đinh caro. Người dân dùng nam châm hút đinh tầm 10 phút là đã được gần 100 mảnh đinh hình thoi.

Ông H. (bán nước trên quốc lộ 1) cho hay, ông thường xuyên chứng kiến cảnh người dân chạy xe máy cán phải đinh, phải dắt bộ. Do đó, mỗi lần ra chỗ bán, ông H. đều kiểm tra đoạn đường có dính không để thu gom đem đi xử lý, có lúc ông nhặt cả nắm đinh cả mới lẫn cũ.

Bà Phạm Thị Phượng (công nhân chăm sóc cây xanh gần cầu vượt An Sương) cũng thường xuyên chứng kiến cảnh xe máy bị thủng lốp do cán đinh. Bà Phượng cho hay, nguy hiểm nhất là các trường hợp chạy xe máy chở nặng, cán phải đinh dễ té ngã dẫn đến tai nạn.

dinh-tac-2-1719654905.jpg
Loại đinh caro được sử dụng rất nhiều hiện nay (Ảnh: Trần Kha)

Trong quá khứ, tại khu vực tuyến quốc lộ 1A, đường tỉnh 743, quốc lộ 13, đường Mỹ Phước Tân Vạn… đã có tai nạn chết người do nạn “đinh tặc” gây ra. Nhiều năm nay, những chiếc xe hút đinh của nhiều tổ chức, cá nhân hay chính quyền địa phương cũng liên tục hoạt động vì lo lắng cho tính mạng, sức khoẻ của người đi đường.

Như trưa 29/6, Đoàn thanh niên phường Trung Mỹ Tây (quận 12) đã phối hợp cùng công an phường này triển khai đội xe hút đinh trên quốc lộ 1, từ cầu vượt Quang Trung đến cầu vượt An Sương. Đại diện Đoàn thanh niên phường Trung Mỹ Tây cho biết, hiện tại mỗi ngày sẽ triển khai ra quân hút đinh 1 lần, tuy nhiên cũng sẽ ra quân hút đinh đột xuất khi người dân phản ánh có tình trạng rải đinh tái diễn.

Luật sư Nguyễn Thị Xuyến - Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung quy định hành vi rải đinh là tội "cản trở giao thông đường bộ". Theo đó, người nào đặt, để, đổ... vật sắc nhọn gây cản trở giao thông đường bộ làm chết người, gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của người khác hoặc gây thiệt hại về tài sản từ 100 triệu đồng trở lên thì bị xử lý hình sự.

Tuy nhiên, hậu quả là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm này. Nếu hành vi đặt, rải đinh chưa gây ra thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác thì chưa cấu thành tội phạm.

Trừ trường hợp quy định tại khoản 4 của điều luật: Rải đinh có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả làm chết 3 người trở lên; gây thương tích hoặc tổn hại sức khỏe của 3 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này là 201% trở lên; gây thiệt hại về tài sản 1,5 tỷ đồng trở lên nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt tiền từ 5 triệu - 20 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm.

Luật sư Xuyến cho rằng, nếu dựa theo quy định trên thì rất khó trường hợp "đinh tặc" nào có thể bị xử lý hình sự. Do đó, việc sửa đổi, bổ sung pháp luật là cần thiết để ngăn chặn tình trạng "đinh tặc" xảy ra hiện nay.

Đến nay, không ai có thể thống kê được số lượng đinh rải ra đường là bao nhiêu, số lượng nạn nhân bị thiệt hại thế nào, chỉ biết rằng những kẻ gây ra chuyện này thì vẫn ngang nhiên lộng hành mà chưa bị các cơ quan chức năng xử lý tận gốc.