Mua đất dịch vụ tưởng "hời" nhưng lại tiềm ẩn quá nhiều rủi ro

Loại hình đất dịch vụ được giới đầu tư đánh giá đang ở mức cao, vượt xa giá trị thực. Bên cạnh đó, loại đất này mất khá nhiều thời gian chờ đợi và tiềm ẩn những rủi ro cho người mua.

“Đất dịch vụ“ (đất đền bù 10% cho người dân bị thu hồi đất nông nghiệp) được rất nhiều nhà đầu tư quan tâm, săn đón. Đất thường được quy hoạch ở các khu đất đẹp, nằm sát các dự án lớn nên cũng được hưởng các tiện ích như cây xanh, hồ điều hoà và các tiện ích cao cấp khác. Ngoài ra, khu đất dịch vụ thường gần trường, chợ, trung tâm y tế và bệnh viện.

Các ô đất có diện tích vừa và nhỏ phù hợp cho các hộ gia đình mua để vừa ở vừa kinh doanh. Bên cạnh đó, đất dịch vụ được phép xây cao tầng, xây hết diện tích. Chính vì vậy không cần quảng cáo nhiều như đất dự án hay chung cư mà các nhà đầu tư nhìn thấy tiềm năng sinh lời cao vẫn lao như thiêu thân.

Thời gian gần đây, nhiều nhà đầu tư và cả người có nhu cầu về nhà ở thực đã rục rịch lên kế hoạch gom góp tiền, vay thêm ngân hàng trong bối cảnh lãi suất mua bất động sản đang vô cùng hấp dẫn. Tuy nhiên, dù thị trường ít giao dịch nhưng giá bất động sản nói chung và phân khúc đất dịch vụ vẫn đang ở mức cao.

Đặc biệt, nhiều mảnh đất ở vùng ven đang được chủ, môi giới rao bán với giá cao ngất ngưởng. Điều này là rào cản lớn khiến cầu không gặp cung.

dat-dich-vu-1711960145.jpeg
Đất dịch vụ ở An Khánh, Hoài Đức, Hà Nội đang được đẩy lên cao

Với khoản tài chính hơn 3 tỉ đồng, vợ chồng anh Nguyễn Duy Thành (37 tuổi, ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) sẵn sàng đầu tư vào bất động sản.

Phân khúc mà vợ chồng anh muốn đầu tư là đất dịch vụ, đất tái định cư ở ven đô. Tuy nhiên, quá trình tìm hiểu giá loại đất này đang được chủ và môi giới đẩy lên cao hơn so với giá trị thực.

"Dù chủ đất rao bán cắt lỗ so với giá mua vào cuối năm 2021 khoảng 200 triệu đồng nhưng vợ chồng tôi vẫn thấy còn khá cao”. Vừa nói, anh Thành vừa đưa ra dẫn chứng, một lô đất nền dịch vụ ở xã An Khánh, huyện Hoài Đức có diện tích 50m2 nhưng vẫn được được rao với giá 5,2 tỉ đồng.

Cũng như anh Thành, một số nhà đầu tư với nguồn tài chính dưới 2,5 tỉ đồng cũng đang tìm "săn" đất nền ven ngoại thành. Tuy nhiên, đa số số tỏ ra thất vọng vì bị chủ nhà và môi giới liên tục hét giá trên trời.

Tìm hiểu của phóng viên Đô Thị Mới, qua một số đơn vị môi giới khu vực đất ven đô cho thấy, nhu cầu tìm hiểu đất dịch vụ, đất nền thời gian qua tăng mạnh hơn so với năm 2023. Tuy nhiên, số lượng giao dịch thành công chỉ ở mức khiêm tốn cao so với nhu cầu tìm kiếm.

Theo một môi giới bất động sản, với loại hình đất này, nhà đầu tư phải trường vốn vì đây là đất hình thành trong tương lai, phải chờ đợi một thời gian dài, cho đến khi nhà nước đền bù đất cho người dân. Tiếp đó, sẽ là bước hoàn thành các thủ tục ra quyết định nhận đất, giao đất thực địa, ra sổ đỏ lần 1 (ra tên chủ đất) và làm hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Tóm lại, đến khi đất hiện hữu, những thủ tục mua bán thông thường mới chính thức bắt đầu. Chính vì các thủ tục rườm rà, kéo dài và vẫn phải liên quan đến chủ đất nên về mặt pháp luật tiềm ẩn khá nhiều rủi ro.

Việc “vòi tiền” là một câu chuyện không hiếm gặp khi mua bán đất dịch vụ. Thông thường, khi cần quay về chủ cũ để giải quyết các công việc liên quan đến thửa đất, người mua vẫn tự nguyện gửi thêm một chút tiền tùy tâm. Nhưng thái độ quá đáng, “vòi” với một số tiền lớn như một số người mua gặp phải thì quả là bức xúc. Hệ lụy của nó sẽ gây khó khăn cho các giao dịch đất dịch vụ, làm ảnh hưởng đến thị trường mua bán đất dịch vụ vì tâm lý e ngại sẽ có rủi ro, thiệt hại xảy ra.

Dư luận từng xôn xao về câu chuyện mua đất dịch vụ của bà Nguyễn Hồng Hạnh (Nam Từ Liêm, TP Hà Nội). Bà Hạnh tố cáo gia đình bà Nguyễn Thị Khằng (địa chỉ xóm Cầu Ốc, thôn Ngự Câu, xã An Thượng) chủ ô đất số 304 giai đoạn 1 – Khu đất dịch vụ xã An Thượng có biểu hiện “vòi tiền” khi xin chữ ký để hoàn thiện hồ sơ, xin cấp sổ đỏ.

Trong đơn tố cáo, bà Hạnh cho biết, khi bán đất, gia đình bà Khằng đã ký biên bản họp gia đình, ký cam kết sẽ có trách nhiệm với tất cả các loại giấy tờ có liên quan cho đến khi bà Nguyễn Hồng Hạnh nhận được GCNQSDD. Nhưng khi bà Hạnh quay lại gia đình bà Khằng xin chữ ký vào đơn xin giao đất dịch vụ thì con gái cả của bà Khằng (chị Nguyễn Thị Lan) yêu cầu bà Hạnh phải đưa thêm 500 triệu đồng thì mới có  đủ 6 chữ ký của các thành viên trong gia đình. "Một người trong gia đình họ nói với tôi, thời điểm đó bán với giá rẻ quá. Giờ giá lên 5-6 triệu đồng/m2 nên chủ mới phải "hỗ trợ" thêm. Thực tế, đây là một sự thách thức vì nếu gia đình bà Khằng không ký vào đơn thì tôi không thể làm được sổ đỏ", bà Hạnh cho biết.

Về vấn đề pháp lý của đất dịch vụ, luật sư Nguyễn Huy An (Đoàn luật sư thành phố Hà Nội) cho biết, đối với người mua đất, kể cả khi uỷ quyền vẫn chưa thể đứng tên. Các công việc liên quan sau này đến thửa đất, người nhận chuyển nhượng vẫn cần phải nhờ tới chủ đất cũ.

Theo ông An, trong thời gian chờ sổ hồng, giá đất có thể tăng lên nên họ thấy tiếc, mới phát sinh lòng tham, đòi thêm tiền khi ký hoàn thiện các thủ tục. Vì vậy, các nhà đầu tư nên cân nhắc khi giao dịch đất dịch vụ.