Tại Dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật kinh doanh bất động sản 2023, Bộ Xây dựng đề xuất doanh nghiệp phải công khai đầy đủ, trung thực và chính xác thông tin dự án trước khi ký hợp đồng đặt cọc, bán hoặc cho thuê bất động sản trên hệ thống thông tin nhà ở, thị trường địa ốc của các tỉnh. Chủ đầu tư cũng phải tự công bố thông tin trên trang thông tin điện tử của doanh nghiệp.
Dự thảo nêu chi tiết những nội dung mà doanh nghiệp phải công bố như: Quy hoạch chi tiết 1/500 hoặc quy hoạch tổng mặt bằng của dự án, thông báo kết quả thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng đã được cơ quan quản lý phê duyệt.
Các thông tin pháp lý bất động sản, dự án yêu cầu được công bố như văn bản chấp thuận cấp bảo lãnh của ngân hàng; văn bản của chủ đầu tư xác định rõ việc có hoặc không có thế chấp đối với nhà ở, công trình xây dựng, phần diện tích sàn xây dựng trong công trình, quyền sử dụng đất, dự án bất động sản đưa vào kinh doanh;...
Đáng chú ý, khi thay đổi các thông tin đã công bố, doanh nghiệp phải cập nhật lại và thông báo đến cơ quan quản lý hệ thống thông tin các tỉnh nơi có dự án chậm nhất sau 5 ngày làm việc.
Nêu ý kiến về quy định trên, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho rằng, việc công khai thông tin dự án là cần thiết cho người tiêu dùng và các chủ thể liên quan, góp phần xây dựng thị trường bất động sản minh bạch.
Chủ tịch HoREA nhận định, việc công bố danh sách cũng cần cập nhật liên tục, theo thời gian thực để tạo luồng thông tin kịp thời. Đặc biệt cần công khai điều kiện bảo lãnh ngân hàng. Đây là điều mà rất nhiều chủ đầu tư đang né tránh, gây ảnh hưởng lớn đến khách hàng. Ngoài ra, phải có quy định xử lý nghiêm chủ đầu tư “lơ là” công khai thông tin dự án.
Ngoài ra, việc không công khai thông tin dự án cũng phát sinh nhiều rủi ro khi người dân mua nhà ở hình thành trong tương lai. Đó là việc chủ đầu tư “tay không bắt giặc”, chưa đủ điều kiện bán nhưng đã huy động vốn từ khoản tiền “đặt cọc” của khách hàng rồi sử dụng không đúng mục đích, dẫn đến không bàn giao nhà theo đúng cam kết.
Theo ông Nguyễn Văn Đính-Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, trong thời gian sau khi ký kết hợp đồng đến khi nhận nhà, người mua phải thanh toán tiền và người bán phải thực hiện các nghĩa vụ theo hợp đồng. Giai đoạn này có thể mới phát lộ các sai sót như dự án thi công cầm chừng, trao đổi thông tin yếu ớt...
Vì vậy, việc yêu cầu phải công bố thông tin chi tiết dự án địa ốc trên hệ thống thông tin các tỉnh để người mua nhà có thể truy xuất, nghiên cứu ngay từ đầu trước khi “xuống tiền” là điều cần thiết. Qua đó, gia tăng bảo vệ người mua nhà.
Luật sư Nguyễn Hồng Thái, Giám đốc Công ty Luật TNHH quốc tế Hồng Thái và đồng nghiệp (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) đưa ra lời khuyên, để bảo vệ quyền lợi của mình, người dân khi mua cần phải xem xét các tiêu chí để nhà ở hình thành trong tương lai đủ điều kiện ký hợp đồng mua bán, trong đó dự án phải được Sở Xây dựng công bố đủ điều kiện bán. Đặc biệt, yêu cầu chủ đầu tư cung cấp đầy đủ các thông tin dự án.
Trước thực trạng nhiều dự án bất động sản hình thành trong tương lai huy động vốn trái pháp luật, chưa đủ điều kiện pháp lý đã mở bán, trước đó, UBND TP.HCM cũng đã từng gửi văn bản đề xuất Bộ Xây dựng kiến nghị đưa ra quy định xử lý nghiêm các chủ đầu tư không công bố, công khai pháp lý của dự án.