Doanh nghiệp thêm cơ hội phục hồi khi Thông tư 02 được gia hạn

NHNN đã trình Chính phủ gia hạn Thông tư 02, về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn thêm 6 tháng, thay vì kết thúc vào 30/6/2024.

Thông tin này được Phó Thống đốc Đào Minh Tú chia sẻ tại hội thảo "Khơi thông nguồn vốn ra thị trường" diễn ra vừa qua. Theo đó, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, để thúc đẩy tín dụng, ngay từ đầu năm, NHNN tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng như giảm lãi suất.

Hiện, lãi suất bình quân huy động đối với các giao dịch phát sinh mới lần lượt ở mức 3,1%/năm và 6,5%/năm, giảm tương ứng khoảng 0,4%/năm và 0,6%/năm so với cuối năm ngoái. Tính đến 27/3, dư nợ tín dụng nền kinh tế đạt hơn 13,651 triệu tỷ đồng, tăng 0,61% so với cùng kỳ.

Đến cuối tháng 2, tín dụng phục vụ nông nghiệp, nông thôn chiếm 24,35% dư nợ toàn nền kinh tế; Tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 17,94%; Tín dụng lĩnh vực xuất khẩu chiếm 2,25%; Tín dụng lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ chiếm 2,75%...

nhnna-1712452003.jpg
Gia hạn Thông tư 02 là giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Lãnh đạo NHNN chia sẻ, tín dụng đầu năm tăng thấp do yếu tố mùa vụ của dịp Tết Nguyên đán và khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp chưa cao. Điểm sáng của hoạt động ngân hàng là tín dụng đã phục hồi, tăng trưởng trở lại trong tháng 3. Vì thế, cần tập trung vào các giải pháp khơi thông tín dụng nhằm hỗ trợ hoạt động sản xuất - kinh doanh và góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế.

Dự kiến tới đây, Chính phủ tiếp tục có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhiều hơn nữa để tăng trưởng kinh tế, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Dù vốn ngân hàng dồi dào nhưng vẫn là vấn đề khó khăn đối với một số doanh nghiệp, nhất là hiện lãi suất thấp nhất trong 20 năm qua. 

Phó Thống đốc nhấn mạnh, đối với các ngân hàng thương mại, nhóm này luôn đảm bảo thanh khoản đầy đủ, thậm chí dư giả. Ngoài ra, NHNN sử dụng các công cụ chính sách để đảm bảo tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận vốn. NHNN đã giao hạn mức tín dụng cho ngân hàng thương mại ngay từ đầu năm với mức 15%. Nếu như điều kiện nền kinh tế cho phép và nền kinh tế cần vốn thì có thể tăng hạn mức tín dụng lên.

Giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, NHNN tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ theo thông tư 02. Để tiếp tục tạo điều kiện cho khách hàng phục hồi sản xuất kinh doanh, NHNN đã trình Chính phủ gia hạn thông tư 02 thêm 6 tháng nữa, thay vì kết thúc vào 30/6/2024.

Thông tư 02 được NHNN ban hành vào cuối tháng 4/2023 quy định về việc tổ chức tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn có hiệu lực đến hết ngày 30/6/2024. Đối tượng là những khách hàng gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh và việc trả nợ các khoản vay phục vụ đời sống, tiêu dùng.

NHNN trao quyền chủ động cho các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài trong việc xem xét, đánh giá khó khăn của khách hàng để quyết định việc cơ cấu lại khoản nợ vay. Thời gian thực hiện do tổ chức tín dụng quyết định nhưng không vượt quá 12 tháng kể từ ngày đến hạn của số dư nợ được xem xét cơ cấu lại thời hạn trả.

Số liệu của NHNN cho thấy, tính đến cuối năm 2023, có gần 188.000 lượt khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 02, với tổng giá trị nợ gốc và lãi được cơ cấu là trên 183.500 tỷ đồng. 

gia-han-xx-1712452076.jpg
Nhiều ngân hàng đồng tình, kiến nghị gia hạn Thông tư 02 về cơ cấu, gia hạn nợ.

Trước đó, tại hội nghị trực tuyến toàn ngành về đẩy mạnh tín dụng ngân hàng năm 2024, đại diện lãnh đạo nhiều nhà băng cũng kiến nghị và mong muốn NHNN gia hạn Thông tư 02 về cơ cấu, gia hạn nợ để cả khách lẫn ngân hàng có điều kiện hơn trong việc trả nợ.

Phó tổng giám đốc BIDV ông Trần Long cho rằng, trong tháng đầu năm 2024 sở dĩ tín dụng giảm là do sức hấp thụ vốn chậm. Trong đó, xuất khẩu, tiêu dùng còn yếu. Doanh nghiệp còn một số vướng về pháp lý và thị trường xuất khẩu khó khăn. Những nguyên nhân này sẽ ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của khách hàng. Đáng chú ý, khi Thông tư 02 hết hiệu lực từ ngày 30/6 tới đây, khả năng nợ xấu sẽ tăng.

Hay ông Hồ Nam Tiến, Phó chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc LPBank cho biết, đến nay nhà băng này cơ cấu được khoảng 2.500 tỷ đồng dư nợ theo Thông tư 02. Tuy nhiên, việc trả nợ khi Thông tư đến hạn là vô cùng khó khăn, do đó các ngân hàng mong muốn được gia hạn thêm thời gian cơ cấu, gia hạn nợ theo Thông tư 02.