Từ một người lăn lộn khắp các công trường lớn nhỏ đến một Tân Gia Huy có chỗ đứng trên thương trường như hiện tại, xin ông chia sẻ đôi chút về cơ duyên cũng như hành trình khởi nghiệp của mình.
Ông Phạm Văn Tân: Năm 1999, tôi rời bỏ ghế nhà trường khi đang học lớp 9, bởi hoàn cảnh gia đình khó khăn. Sau khi nghỉ học, tôi đi làm phụ hồ ở nhiều công trường khác nhau. Điều này cho tôi có nhiều trải nghiệm và quan sát nhiều hơn ở lĩnh vực xây dựng, cũng là cơ duyên để tôi khởi nghiệp trong lĩnh vực này. Sau này, tệp khách hàng của tôi chủ yếu là những người đang làm trong lĩnh vực xây dựng và cần cung ứng vật liệu xây dựng.
Phải đến năm 2013, sau một thời gian dài lăn lộn làm thuê, tôi thuê một cửa hàng với giá 1,5 triệu đồng/tháng, khoảng 38m2 để khởi nghiệp. Lúc đó, bạn bè, gia đình người quen đều cho rằng tôi sẽ thất bại, bởi vì lúc đó xung quanh nhiều người làm lĩnh vực này và họ đang rất thành công. Trong khi tôi thì gần như không có gì, xuất phát điểm khá thấp.
Hiện nay, Tân Gia Huy kinh doanh thiết bị điện nước dân dụng, gạch ốp lát, sơn nước…, nhưng tôi tâm đắc nhất vẫn là gạch ốp lát. Đây là sản phẩm có vai trò rất quan trọng trong việc hoàn thiện một ngôi nhà. Do đó, sản phẩm này được chúng tôi chú trọng hàng đầu.
Nhìn lại quá trình kinh doanh, theo ông, đâu là dấu mốc quan trọng đánh dấu sự chuyển mình của Tân Gia Huy?
Ông Phạm Văn Tân: Như đã nói, năm 2013 chúng tôi thành lập doanh nghiệp và năm 2014 mở rộng hoạt động kinh doanh, xây dựng showroom khang trang hơn với tên gọi Nội thất Gia Huy. Lúc này, nhân sự gồm 1 kế toán, 1 bán hàng và 2 lái xe giao hàng. Năm 2017 tôi thành lập công ty TNHH TM & XD Tân Gia Huy. Đây là dấu mốc quan trọng đánh dấu sự chuyển mình của Tân Gia Huy như ngày hôm nay.
Năm 2018 chúng tôi mở rộng hoạt động kinh doanh, đầu tư thêm trang thiết bị và máy móc. Thi công và hoàn thiện công trình, chìa khóa trao tay. Cũng trong năm 2018 sau nhiều năm ấp ủ, sản phẩm sơn Nano 4.0 đã được ra đời.
Dần dần sau đó, chúng tôi xây dựng được tòa nhà Tân Gia Huy với diện tích gần 2.000m2 với 7 tầng showroom trưng bày các sản phẩm nội thất hoàn thiện xây dựng trong và ngoài nước. Đến nay, chúng tôi tự hào là 1 trong số ít các đơn vị vật liệu xây dựng tiếp cận và phục vụ đến khách hàng trên khắp 63 tỉnh thành.
Tuy nhiên, mọi sự không hề suôn sẻ từ đầu. Thời gian đầu kinh doanh, càng làm tôi càng nhận thấy công tác quản trị (quản trị kinh doanh, quản trị con người…) có vai trò rất quan trọng, trong khi bản thân mình còn khá nhiều lỗ hổng trong vấn đề này.
Sau đó, tôi bắt đầu lên Hà Nội học một số khoá học ngắn hạn về lĩnh vực này và được mở mang thêm nhiều. Tôi cho rằng đây là bước ngoặt lớn nhất của mình. Đó cũng là thời điểm tôi được khai phóng thực sự về tư duy kinh doanh. Còn trước đó, thực tế chỉ là bán hàng, chứ tôi chứ có tư duy kinh doanh đúng nghĩa.
Trong kinh doanh, để thuyết phục được khách hàng tin tưởng mình không đơn giản, nhất là trong giai đoạn đầu - khi doanh nghiệp còn non trẻ, vậy ông thuyết phục khách hàng thế nào? Đâu là sự khác biệt của Tân Gia Huy so với các đối thủ, thưa ông?
Ông Phạm Văn Tân: Lợi thế của tôi so với các bạn hàng là sự thấu hiểu sản phẩm, khách hàng. Thay vì số vốn đầu tiên mọi người hay bỏ vào để tích trữ hàng hoá trong kho, thì tôi thường tạo dựng không gian trưng bày sản phẩm đủ tinh tế để mang đến khách hàng trải nghiệm tốt nhất.
Những đơn vị khác trưng bày hàng hoá là một viên thì chúng tôi đã trưng bày cả một mảng gạch lớn để khách hàng hình dung khi mang về lát thì sẽ thế nào. Ngoài ra, chúng tôi cũng đến tận chân công trình, đi tận ngõ, gõ tận nhà để tiếp thị sản phẩm, thuyết phục khách hàng.
Càng làm chúng tôi càng nhận thấy việc xây dựng các showroom với trải nghiệm tốt là hướng đi đúng đắn. Hiện nay, khách hàng ngày càng trẻ hơn, họ nhìn ngắm, quan sát, hình dung chân thực sản phẩm trong không gian cụ thể để họ hiểu hơn về sản phẩm. Chúng tôi hiểu được tâm lý này nên bắt buộc phải xây dựng gian hàng để mang đến trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng.
Mỗi một khách hàng một sở thích, yêu cầu riêng, có thể gọi đó là tính cá nhân hoá của khách hàng. Chúng tôi phải nắm được điều đó.
Để thực hiện tốt điều này thì đội ngũ nhân sự phải luôn luôn thấm nhuần rằng “chúng ta giúp được gì cho khách hàng”. Thay vì cố gắng bán hàng thì nên tư duy là giúp khách hàng thế nào để mua được hàng tốt. Con người mới là chìa khoá của mọi sự thành công. Nhân sự ngày hôm sau phải tiến bộ hơn, chỉn chu hơn so với ngày hôm trước.
Khởi nghiệp chưa bao giờ là việc dễ dàng và nhàn hạ. Xin ông chia sẻ một số khó khăn mình gặp phải trong hành trình này?
Ông Phạm Văn Tân: Đúng là kinh doanh không hề dễ dàng. Như đã chia sẻ, bắt đầu khởi nghiệp, nhiều người không tin mình sẽ thành công, bởi lúc đó xung quanh đã có nhiều đơn vị lớn, trong khi bản thân mình gần như không có gì trong tay. Để thực hiện ước mơ của mình thì tôi tâm niệm phải quyết tâm biến những nghi ngờ thành động lực để phấn đấu.
Khó khăn tiếp theo có lẽ hầu hết người khởi nghiệp đều mắc phải, đó là vốn. Thời gian đầu vốn không nhiều, tôi cũng chỉ thuê được một mặt bằng rất nhỏ. Tuy nhiên, có lẽ do bản thân mình cũng có uy tín với người quen, người thân nên cũng nhận được sự tin tưởng. Lúc đó nhiều người có vài chục triệu cũng mang gửi tôi. Nghĩ lại tôi vẫn rất biết ơn những số vốn ban đầu như vậy. Nếu không có họ có lẽ không có Tân Gia Huy như ngày hôm nay.
Quá trình khởi nghiệp cũng nhiều phen “lao đao vì tiền”. Có những lúc tôi đi vay tiền, đến khi đi trả xót xa đến rớt nước mắt. Đã là doanh nghiệp thì có lẽ ai cũng có lúc rơi vào tình trạng này, chẳng qua có thẳng thắn nói ra hay không.
Vì sao tôi lại nói khi trả nợ lại xót xa? Bởi vì có những lúc cạn vốn, công nợ chưa thu được, tôi không đi vay được ở những kênh chính thống, buộc phải tìm đến “tín dụng đen” để được giải ngân nhanh, nhưng đồng thời cũng phải chịu một mức lãi rất cao. Thậm chí, việc kinh doanh không phải lúc nào cũng suôn sẻ, dòng tiền không về đúng như kế hoạch, mà vay lãi ngày thì tiền tăng rất nhanh. Đến khi tiền về, mình cầm đi trả mà rớt nước mắt vì thấy tốn nhiều so với công sức mình kiếm được.
Nhưng rồi chúng tôi cũng bảo nhau là thôi lúc mình thiếu có chỗ đi vay được là tốt rồi. Sau này, để tránh rơi vào những tình cảnh này thì buộc phải nỗ lực hơn mà thôi.
Một khó khăn nữa là việc kinh doanh có yêu cầu về quản trị cũng như các kiến thức về tài chính, maketting rất cao. Trong khi bản thân tôi không được đào tạo bài bản, kiến thức nền thiếu hụt nhiều. Mà nếu kinh doanh thiếu những kiến thức này thì chỉ là làm “phủi”, làm bản năng. Sau này, tôi liên tục đi học thêm để bổ sung kiến thức cho mình.
Đại dịch COVID-19 khiến cả nền kinh tế lao đao và không ít doanh nghiệp đã phải rời thị trường. Ông vượt qua giai đoạn khó khăn đó như thế nào?
Ông Phạm Văn Tân: Trái với hình dung của nhiều người, năm diễn ra bị COVID-19 thì Tân Gia Huy lại không bị ảnh hưởng, thậm chí lại là năm bán được khá nhiều hàng. Lúc đó, người dân rời bỏ thành phố lớn, họ về quê tập trung kiến thiết lại nhà cửa. Trước đây tích luỹ được bao nhiêu tiền thì mang ra xây sửa nhà rất nhiều.
Tuy nhiên, đến năm 2023 mới thực sự “ngấm đòn”. Có những khu vực sụt giảm mức độ xây dựng mới lên tới 45-50%. Nhưng may mắn mà tôi có được là những bạn bè, bạn hàng kinh doanh lớn, họ đã cảnh báo chúng tôi về điều này. Do đó, tôi có được sự chuẩn bị để thích ứng với giai đoạn khó khăn này.
Trong bối cảnh khách hàng có nhu cầu mua hàng ít hơn, mức độ tài chính giảm nên họ phải cân đối nhiều hơn, nên việc để họ mua được hàng ở nơi uý tín hơn, giá tốt hơn nhưng chất lượng cao hơn thì khâu truyền thông rất quan trọng. Tân Gia Huy đã tập trung nhiều vào truyền thông để tìm kiếm khách hàng rộng rãi hơn.
Chúng tôi tự hào là một trong những đơn vị bán lẻ gạch ốp lát mà có thể bán tới 63 tỉnh thành. Hiện nay rất nhiều bạn hàng đang lao đao thì chúng tôi tháng nào cũng vượt doanh số. Do đó, việc mở rộng truyền thông, maketing rất quan trọng.
Trên các nền tảng mạng xã hội, tôi cũng thường xuyên xuất hiện từ 7-10 phút để hướng dẫn sử dụng sản phẩm. Sắp tới chúng tôi sẽ livestream bán gạch, tương tự như nhiều doanh nghiệp lớn bây giờ, thậm chí họ còn livestream bán cả ô tô trên mạng xã hội.
Phác hoạ chân dung khách hàng mục tiêu là ai, khách hàng muốn gì là điều khó nhất. Tôi cố gắng tìm hiểu xem họ muốn gì để đáp ứng cho họ, họ sợ gì thì tôi làm cho họ hiểu biết hơn khi họ mua và trong quá trình họ sử dụng.
Vậy “kim chỉ nam” cho hoạt động kinh doanh của Tân Gia Huy là gì, thưa ông?
Ông Phạm Văn Tân: Slogan của chúng tôi là uy tín - tận tâm - chất lượng. Đây là kim chỉ nam của chúng tôi nhiều năm qua. Chỉ có uy tín mới là sợi dây liên kết tạo dựng niềm tin của doanh nghiệp với khách hàng. Tận tâm là sự hết mình, hy sinh chỉ để thoả mãn cảm xúc cho khách hàng. Trong mọi giao dịch thì chất lượng sản phẩm, dịch vụ vô cùng quan trọng để khách hàng có thể mua hàng lần sau. Chúng tôi luôn luôn nhắc nhở nhau điều này.
Câu châm ngôn dằn lòng mình là “kinh doanh bằng cái tâm tử tế để chạm đến cảm xúc khách hàng”. Sự tử tế này ứng dụng trong bán hàng, chăm sóc khách hàng cũng như đối xử với cộng sự cũng như những người xung quanh.
Theo ông, những tố chất quan trọng của một cá nhân khi khởi nghiệp gồm những gì?
Ông Phạm Văn Tân: Tôi cho rằng, làm bất cứ thứ gì cũng cần có sự kiên trì, bám đuổi mục tiêu, kiên định với định hướng của mình. Nếu không có sự kiên trì thì không thể vượt qua được những chông gai trên hành trình này, bởi khởi nghiệp, kinh doanh là công việc rất vất vả.
Ngoài kiên trì thì kiến thức rất quan trọng. Trong kinh doanh thì cần vô vàn kiến thức ở các lĩnh vực khác nhau, từ kiến thức về sản phẩm, kiến thức maketing bán hàng, kiến thức quản trị, kiến thức về tài chính…, chưa kể còn cần cập nhật thêm nhiều thôngg tin về xu hướng, thị hiếu khách hàng cho đến tình hình kinh tế… Do đó, người làm kinh doanh cần liên tục học hỏi, cập nhật kiến thức. Việc học cũng như bơi thuyền ngược dòng, không tiến sẽ lùi, dẫn đến tụt hậu ngay.
Một yếu tố nữa trong kinh doanh là sự nhạy bén. Sự nhạy bén giúp chúng ta tận dụng cơ hội, cũng giúp doanh nghiệp có thể thích nghi với sự biến động rất nhanh của thực tế kinh doanh.
Có lẽ cần rất nhiều yếu tố nữa để có thể hái được quả ngọt trong kinh doanh, nhưng với cá nhân tôi, tôi cho rằng những yếu tố trên là rất quan trọng.
“Một cây làm chẳng nên non” hay “muốn đi xa thì đi cùng nhau”… là những đúc kết nói lên vai trò quan trọng của cộng sự. Ở Tân Gia Huy, quan điểm với nhân sự đồng hành của ông thế nào?
Ông Phạm Văn Tân: Có lẽ, chúng ta phải thực sự hiểu cộng sự thì mới có thể đồng hành được với nhau lâu dài. Một trong những điều giúp cho tôi và nhân sự gắn bó là giữa chúng tôi như những người bạn, người anh em với nhau.
Những nhân sự bao giờ cũng có những mong muốn, khát vọng riêng, như thu nhập, môi trường làm việc, cơ hội phát triển… Thậm chí ngoài công việc, các nhân viên còn cuộc sống gia đình và những mục tiêu khác, chúng tôi hiểu được điều này và chia sẻ với nhau rất tốt.
Có những lúc công việc nhiều đơn hàng, quá tải, anh em làm đến 2-3h sáng, nhưng ngày mai họ vẫn đến sớm để làm việc, không kêu ca. Tôi cũng nói anh em thông cảm những lúc này, thì anh em nói đây là trách nhiệm của họ, tôi rất cảm động.
Tôi rất coi trọng sức mạnh tập thể, coi trọng những con người đang sát cánh cùng mình. Với anh, mỗi nhân viên không chỉ là một cá nhân mà còn là một mảnh ghép quan trọng trong bức tranh chung của Tân Gia Huy. Chính vì vậy, tôi luôn tạo điều kiện cho họ được phát triển bản thân, được học hỏi và trau dồi kiến thức để ngày càng hoàn thiện mình hơn.
Như vậy có thể nói, ông là một người sếp rất hiểu cộng sự của mình. Ông có thể chia sẻ thêm về điều này?
Ông Phạm Văn Tân: Tôi luôn lắng nghe và thấu hiểu ý kiến của nhân viên khi thường xuyên tổ chức các buổi họp mặt, trao đổi để lắng nghe ý kiến đóng góp của nhân viên. Nhờ vậy, mình có thể nắm bắt được tâm tư nguyện vọng của họ và đưa ra những định hướng phù hợp cho công ty.
Tôi cũng luôn tin tưởng vào năng lực của nhân viên và trao cho họ nhiều quyền tự chủ trong công việc. Điều này giúp nhân viên cảm thấy được tôn trọng và có động lực để cống hiến hết mình cho công ty.
Ngoài ra, tôi tạo điều kiện cho nhân viên học hỏi và phát triển: Công ty thường xuyên tổ chức các khóa học, hội thảo để giúp nhân viên nâng cao kiến thức và kỹ năng chuyên môn; đề cao chính sách chia sẻ lợi ích cho nhân viên...
Như ông từng chia sẻ, hậu phương có vai trò rất quan trọng với người kinh doanh. Xin ông chia sẻ thêm về điều này?
Ông Phạm Văn Tân: Một trong những động lực khiến tôi quyết tâm khởi nghiệp cũng là nghĩ đến công sinh thành của bố mẹ. Gia đình tôi nghèo nhất khu vực đó, bố mẹ nuôi chúng tôi rất khó khăn. Tôi bỏ học cũng vì tài chính gia đình không thể cáng đáng nổi. Tôi quyết tâm phải thành công để cuộc sống đỡ vất vả, cũng là để báo hiếu bố mẹ, để bố mẹ bớt khổ.
Vợ tôi cũng luôn là người song hành, kể cả khi chưa bắt đầu sự nghiệp kinh doanh. Đây là người luôn ủng hộ tuyệt đối cho những quyết định quan trọng. Cho đến nay, hiện tại đã minh chứng đó là những quyết định vô cùng đúng đắn.
Người luôn sẵn sàng sắn tay, cùng đồng cam cộng khổ khi 2 vợ chồng bắt đầu sự nghiệp kinh doanh nhỏ lẻ. Có những ngày đơn hàng quá tải, trời mưa nhưng 2 vợ chồng vẫn hì hụi đẩy xe buổi tối, giao gạch cho khách kịp sớm mai thợ làm.
Cho đến nay 12 năm kể từ ngày 2 vợ chồng cùng nhau, tôi vẫn luôn tự hào vợ tôi lúc nào cũng ủng hộ, tương trợ rất nhiều trong quá trình vận hành kinh doanh. Vừa tháo vát điều phối hàng hóa kinh doanh, vừa khéo léo vận hành tài chính để những kế hoạch hàng năm của công ty được hoạt động trôi chảy.
Trong những năm khởi đầu kinh doanh, có khi quá tải đơn hàng, bố mẹ 2 bên nội ngoại là những người tương trợ nhiều nhất để chuyển hàng cho khách hàng. Nhiều khi chỉ có 2 vợ chồng thì cũng hơi cực. Đó là những năm tháng tôi vô cùng cảm ơn và trân trọng, những ủng hộ, những đồng hành của người thân, gia đình, bạn bè và cả những đối tác đã tiếp xúc và làm việc với tôi.
Nếu khôn có hậu phương vững chắc là bố mẹ, là vợ sát cánh hỗ trợ thì chắc chắn không có một Tân Gia Huy như ngày hôm nay.
Tựu trung lại, triết lý kinh doanh của ông là gì?
Ông Phạm Văn Tân: Trong bối cảnh mà xã hội không ngừng thay đổi thì tôi cho rằng, những thương hiệu tồn tại lâu dài là những thương hiệu được tạo dựng từ trái tim và sự tận tâm – đó là minh chứng cho sự bền vững và chân thật.
Tân Gia Huy sẽ mạnh mẽ hơn khi chúng tôi xây dựng thương hiệu dựa trên chính tâm hồn và sự tận tâm của con người, chứ không đơn thuần là những lời quảng cáo.
Xin cảm ơn ông!
| Nội dung: Hoài Phong – Thiết kế: Thành Trung