Số liệu được cung cấp bởi nền tảng phân tích dữ liệu TMĐT Metric cho thấy sự tăng trưởng vượt bậc của các sàn TMĐT tại Việt Nam thời gian qua cả về doanh thu lẫn sản lượng. Theo đó, đã có tới 13,1 triệu sản phẩm có lượt bán, tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái, 766,7 triệu đơn vị sản phẩm được giao thành công trong quý I, ghi nhận mứ tăng trưởng tới 83% so với cùng kỳ.
Cũng đã có 510.500 gian hàng phát sinh đơn đặt hàng, tăng 9%. Thị trường đặc biệt bùng nổ vào tháng 3, đạt 28.300 tỷ đồng, khi người mua hàng không còn e ngại tình trạng gián đoạn vận chuyển giao hàng như trong tháng cận Tết và Tết âm lịch trước đó.
Metric dự báo, tốc độ tăng trưởng của các sàn TMĐT trong năm 2024 có thể cán mốc 35% khi người dân đang có xu hướng chi tiêu thoải mái hơn và mua sắm online đang trở thành thói quen tiêu dùng mới. TMĐT cũng sẽ là sân chơi buộc các doanh nghiệp, nhà bán lẻ phải tham gia nếu muốn tiếp cận tệp khách hàng khổng lồ hơn nữa.
Tuy nhiên, cùng với sự tăng trưởng mạnh, các sàn TMĐT cũng ghi nhận sự cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa các doanh nghiệp. Với số lượng nhà bán hàng tăng lên, cuộc chiến trên TMĐT càng trở nên phức tạp. Nếu không có chiến lược kinh doanh hiệu quả, các nhà bán lẻ sẽ bị đào thải bất kỳ lúc nào.
Cũng theo Metric, mức giá phổ biến trên các sàn TMĐT hiện nay đang nằm trong khoảng từ 10 nghìn đồng đến 350 nghìn đồng. Riêng nhóm hàng đặc trưng như làm đẹp không bị phụ thuộc vào yếu tố giá rẻ, khách hàng có xu hướng quan tâm hơn về chất lượng.
Doanh số bán ra theo các ngành hàng trên 5 sàn TMĐT thì nhóm sản phẩm làm đẹp chiếm tới 11,25 nghìn tỷ đồng, tăng 62,53% so với cùng kỳ năm ngoái. Tiếp đến là nhóm hàng thời trang nữ, đạt 9,58 nghìn tỷ đồng, tăng 93,65%. Các nhóm sản phẩm bán chạy tiếp theo lần lượt là Nhà cửa- đời sống đạt 9,13 nghìn tỷ đồng, điện gia dụng đạt 6,29 nghìn tỷ đồng, thời trang nam đạt 4,70 nghìn tỷ đồng, mẹ và bé đạt 3,94 nghìn tỷ đồng...
2 địa phương dẫn đầu về doanh số và sản lượng TMĐT bán ra là TP.HCM và Hà Nội, chiếm tới 70% toàn thị trường. Quảng Ninh, Bắc Ninh, Hải Dương, Bình Dương là những tỉnh có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất trong top 10 khu vực có doanh số cao nhât nước. Trong đó, Quảng Ninh có lợi thế khi là thành phố lớn, sở hữu cửa khẩu quốc tế, 3 tỉnh còn lại lại là nơi tậm trung nhiều khu công nghiệp.
Tổng doanh thu và sản lượng TMĐT của các địa phương khác đều ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng trên 50%.
Theo dự báo của Metric, bước sang quý II, các sàn TMĐT tại Việt Nam tiếp tục ghi nhận mức tăng trưởng mạnh với doanh số ước đạt 84.870 tỷ đồng với 882,12 triệu đơn vị sản phẩm được giao tới tay khách hàng, tăng tương ứng 19% và 14% so với quý I.
Mục tiêu kể trên là hoàn toàn có thể đạt được, tuy nhiên cũng sẽ có các biến số khi những biến động về chính trị trên thế giới sẽ ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng, sự xâm nhập từ các nhà bán hàng nước ngoài cũng như sự thay đổi chính sách từ phía các sàn TMĐT.