Động đất 4 độ richter ở Hà Nội: Đã đến lúc bàn chuyện kháng chấn với các công trình xây dựng

Phó giáo sư, tiến sĩ Cao Đình Triều chia sẻ, thời gian tới Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng cần để ý hơn tới câu chuyện kháng chấn đối với các công trình xây dựng, nhất là đối với công trình dân sinh.
dong-dat-ha-noi-1711342973.jpg
Động đất xảy ra tại huyện Mỹ Đức

Khoảng 8h5 sáng nay (ngày 25/3), một trận động đất có độ lớn 4.0, ở độ sâu khoảng 16km đã xảy ra tại huyện Mỹ Đức (Hà Nội). Người dân ở một số khu vực huyện Mỹ Đức cho biết, họ đã cảm nhận rõ sự rung lắc mạnh. Camera an ninh tại một nhà dân ở khu vực Mỹ Đức ghi lại rõ hình ảnh rung lắc thời điểm động đất. Lúc này, một chú chó đang nằm ngủ cũng bị chấn động làm giật mình hoảng sợ.

Dù tâm chấn cách trung tâm Hà Nội hơn 40km, nhưng các quận nội thành như Đống Đa, Hai Bà Trưng, Cầu Giấy, Thanh Xuân, người dân vẫn cảm nhận rõ hiện tượng rung lắc diễn ra liên tiếp 2-3 lần. Anh Lưu Hải (24 tuổi, quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết, hơn 8h sáng nay, khi đang ngồi làm việc, anh cảm nhận một số đồ vật trong nhà rung lắc. Sau khi đó, anh nhắn tin cho một vài người bạn hỏi chuyện mới biết xảy ra động đất.

Hiện Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần, Viện Vật lý Địa cầu vẫn đang tiếp tục theo dõi trận động đất này.

Theo Phó giáo sư, tiến sĩ Cao Đình Triều - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật Địa Vật lý Việt Nam (Viện trưởng Viện Địa Vật lý ứng dụng), trận động đất sáng nay được xem là động đất nhỏ, ít gây rủi ro thiên tai. Những trận động đất từ 5 đến 6 độ richter trở lên được gọi là trung bình, có nguy cơ xảy ra rủi ro thiên tai. Động đất từ 6 độ trở lên được coi là lớn với nguy cơ rủi ro thiên tai rất cao. Thực tế, Việt Nam từng ghi nhận trận động đất mạnh 6,9 độ tại lòng chảo Điện Biên vào năm 1935.

dong-dat-ha-noi-1-1711342973.jpg
Ảnh hưởng dư chấn của động đất sáng 25/3

Ông Triều cho biết, Hà Nội nằm trong vùng đứt gãy sông Hồng - sông Chảy, nơi từng xảy ra các trận động đất có độ lớn từ 5,1-5,5 độ. Thông thường chu kỳ lặp lại động đất có độ lớn 5,3 tại thành phố Hà Nội là 1.100 năm. Trận động đất mạnh cuối cùng xảy ra năm 1285, cách đây hơn 700.

Ông Triều cũng nhấn mạnh, Hà Nội có nền đất không tốt nên động đất cấp 8 cũng có nguy cơ xảy ra. Nguyên nhân là nếu động đất xảy ra ở vùng đứt gãy sông Hồng - sông Chảy (đới động đất này đi qua thành phố Hà Nội), với số liệu tối đa ghi nhận được bằng trạm quan trắc ở cấp độ 6 thì khả năng tác động trong tự nhiên có thể lên tới cấp độ 8.

Do đó, nếu Hà Nội xảy ra động đất thì sẽ gây ra các chấn động lớn. Chỉ cần xảy ra động đất với độ lớn trên 4, những tòa nhà chung cư cũ, khu tập thể cũ đã xuống cấp tại thành phố sẽ không thể chịu nổi.

Ngoài ra, nền đất không tốt còn khiến Hà Nội dễ “cảm nhận” được rung chấn khi có động đất lớn ở nơi khác. Thực tế cho thấy, Hà Nội từng xuất hiện các đợt rung lắc do ảnh hưởng bởi dư chấn động đất từ các nước láng giềng như Lào, Trung Quốc. Gần đây nhất, vào khoảng 20h43 ngày 24/12/2021, nhiều người dân sống tại các tòa nhà cao tầng tại Hà Nội cảm nhận được rung lắc mạnh. Nguyên nhân sau đó được xác định là do ảnh hưởng từ trận động đất mạnh 5,5 độ richter tại Lào.

Ông Triều cho rằng, từ thực tế trên, thời gian tới Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng cần để ý hơn tới câu chuyện kháng chấn đối với các công trình xây dựng, nhất là đối với công trình dân sinh (như chung cư cao tầng,…) để đảm bảo an toàn cũng như giảm thiểu các nguy cơ tiềm ẩn có thể xảy tới với người dân.

Ông Triều chia sẻ: “Tôi cho rằng tới đây chúng ta cần quan tâm tới việc củng cố, thiết lập lại mạng lưới trạm quan trắc giám sát động đất ở Hà Nội. Đây là điều rất quan trọng, bởi thời gian gần đây, cứ một trận động đất vừa xảy ra từ xa cũng khiến nhiều tòa nhà bị rung, có thể là do nền móng công trình ở Hà Nội hơi yếu”.