Mới đây, chủ đầu tư dự án cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên là BQL dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP. HCM đã đề xuất UBND TP. HCM bổ sung 1.570 tỷ đồng để đầu tư thêm các hạng mục của dự án.
Nhu cầu vốn của dự án tăng là do trong quá trình triển khai, chủ đầu tư nhận thấy cần xây dựng thêm các hạng mục để đảm bảo đồng bộ với hạ tầng dọc dòng kênh.
Trong tổng vốn đề xuất được tăng thêm, dự kiến dành 762 tỷ đồng cho xây dựng các công trình. Cụ thể xây nhiều cầu giao thông bắc ngang kênh để tăng kết nối đôi bờ như: cầu Hồng Ký nối Q. Bình Tân và huyện Bình Chánh (quy mô 247 tỷ), cầu rạch Đá Hàn ở Q.12 (chi phí 118 tỷ đồng) và 2 cầu đi bộ. Ngoài ra còn đầu tư thêm 75 vị trí lấy nước PCCC dọc kênh Tham Lương, cửa xả thoát nước, hệ thống thu gom rác thải.
Dự kiến dùng 233 tỷ đồng để mở rộng thêm không gian công viên cây xanh, hệ thống cảnh quan và tiện ích đôi bờ dọc tuyến kênh. Theo đó bổ sung 35 công viên cây xanh với diện tích 22ha, trong đó Q. 12 có 3 công viên, Q. Gò Vấp 9 công viên, Q. Bình Tân gồm 10 công viên và huyện Bình Chánh 1 công viên.
Tại các công viên cây xanh sẽ có khu vui chơi, sàn phun nước, hệ thống chiếu sáng, tập thể dục thể thao… theo ý tưởng hành trình Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên với chủ đề quá khứ - hiện tại - tương lai.
Đề xuất bổ sung thêm hơn 293 tỷ đồng cho chi phí giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ tái định cư. Phần còn lại dành cho một số hạng mục khác và chi phí dự phòng.
Với chiều dài 32km chạy qua địa phận 7 quận, huyện, kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên là tuyến kênh dài nhất của TP. HCM. Kênh này chạy qua địa bàn Q. 12, Q. Bình Tân, Q. Tân Phú, Q. Tân Bình, Q. Gò Vấp, Q. Bình Thạnh và huyện Bình Chánh.
Công trình này được chính thức khởi công vào tháng 2/2023 với tổng mức đầu tư 8.200 tỷ đồng. Dự án được đầu tư, cải tạo các hạng mục lớn như: nạo vét lòng kênh, kè bê tông 2 bên bờ, làm đường 2 bên bờ rộng 7 – 12m. Ngoài ra công trình còn có 12 bến thuyền, 3 cây cầu, 19 cống thoát nước cùng hệ thống chiếu sáng, cây xanh, thoát nước mưa…
Về vấn đề triển khai thi công, tính tới đầu tháng 7/2024, hạng mục xây bờ kè đạt gần 68% khối lượng, xử lý nền đất yếu bằng cọc xi măng đất được gần 53%, thi công cọc bê tông ly tâm được hơn 54%, đặt cống thoát nước đạt 17%, lắp hào kỹ thuật đạt 13%...
Dự án hiện đang gặp nhiều vướng mắc trong việc thu hồi mặt bằng, vướng cáp viễn thông, đường dây điện. Để kịp tiến độ thi công, chủ đầu tư đã kiến nghị UBND thành phố giao các quận, huyện bàn giao mặt bằng trước 15/8.
Chủ đầu tư cũng kiến nghị Sở Công thương và các đơn vị ngành điện xem xét, xác định lại phạm vi an toàn, có thể điều động phân phối trong quá trình vận hành lưới điện để hỗ trợ các nhà thầu đối với các tuyến lưới điện hạ thế, trung thế và trạm biến áp cáp viễn thông.
Theo kế hoạch trước đó, dự án sẽ thi công hoàn thiện vào dịp 30/4/2025. Với đề xuất của chủ đầu tư, dự án này dự kiến điều chỉnh vốn từ 8.200 lên 9.770 tỷ đồng. Nhằm rút ngắn tiến độ thực hiện, chủ đầu tư kiến nghị UBND TP. HCM cho phép lập lại toàn bộ kế hoạch tổ chức thi công, đồng thời cho triển khai các hạng mục phát sinh song song với quá trình làm thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án...