Dự án Vành đai 3 TP. HCM có nguy cơ bị ảnh hưởng tiến độ vì 4 hộ dân

Tiến độ thi công dự án Vành đai 3 TP. HCM đoạn qua TP. Thủ Đức đang gặp phải vướng mắc do vẫn còn 4 hộ dân chưa chịu di dời, bàn giao lại mặt bằng.

Dự án Vành đai 3 qua TP. HCM có chiều dài hơn 47km với tổng mức đầu tư khoảng 41.387 tỷ đồng, trong đó chiếm 18.975 tỷ đồng là chi phí giải phóng mặt bằng.

Trong đó, đoạn qua TP. Thủ Đức có chiều dài hơn 14km, ở giai đoạn 1 được thiết kế đường trên cao với 4 làn xe. Tuyến đường này kết nối từ cao tốc TP. HCM – Long Thành – Dầu Giây và đi xuyên qua TP. Thủ Đức, kết thúc tại nút giao Tân Vạn (Bình Dương).

Hiện nay, dự án Vành đai 3 TP. HCM đoạn qua TP. Thủ Đức đã hoàn thành việc lắp đặt dầm tại nhiều đoạn cầu cạn. Nhưng giữa công trường vẫn còn 4 căn nhà chưa được di dời, gây ảnh hưởng trực tiếp tới tiến độ thi công dự án.

vanh-dai-3-doan-qua-tp-thu-duc-1735873390.jpg
Hiện trạng 4 căn nhà chưa di dời gây ảnh hưởng tiến độ thi công của dự án Vành đai 3 TP. HCM đoạn qua TP. Thủ Đức (Ảnh: Anh Tú - Lao Động)

Phó Tổng Giám đốc Công ty CP đầu tư xây dựng Thái Yên (thành viên liên danh thực hiện gói thầu XL3) – ông Phạm Văn Thắng cho hay, hiện nay đơn vị nhà thầu chưa thể thi công 3 trụ cầu cạn do vướng mặt bằng 4 căn nhà.

Để đảm bảo dự án hoàn thành đúng tiến độ, ông Thắng nhấn mạnh cần phải sớm giải quyết vướng mắc về mặt bằng.

Với mục tiêu hoàn thành thông xe kỹ thuật toàn bộ đoạn trên cao dài hơn 14km qua TP. Thủ Đức vào ngày 31/12/2025, vừa qua, dự án Vành đai 3 TP. HCM đã phát động phong trào thi đua “365 ngày đêm đẩy nhanh tiến độ”.

Liên quan tới 4 căn nhà chưa di dời, Trưởng Ban bồi thường giải phóng mặt bằng TP. Thủ Đức – ông Võ Trí Dũng cho hay, việc bồi thường cho 4 ngôi nhà này không thuộc dự án bồi thường của Vành đai 3 mà thuộc đất dự án của doanh nghiệp. Theo nguyên tắc, doanh nghiệp phải bồi thường và bàn giao lại mặt bằng cho TP. Thủ Đức.

vanh-dai-3-qua-thu-duc-1-1735873213.jpg
Vì vướng 4 ngôi nhà nên dự án chưa thể triển khai 3 trụ cầu cạn (Ảnh: Anh Tú - Lao Động)

Hiện nay, mức yêu cầu bồi thường mà người dân đưa ra là khoảng 100 triệu đồng/m². Nhưng theo ông Dũng, khu vực này được quy hoạch làm đất giao thông, không phải đất đưa vào xây nhà ở thương mại hoặc đất công viên, nên mức giá này không được chủ đầu tư chấp nhận.

Ông Dũng nói thêm, TP. Thủ Đức hiện đang phối hợp với doanh nghiệp để tiếp tục thương lượng với 4 hộ dân này. Trong trường hợp người dân yêu cầu bồi thường quá cao thì buộc phải thực hiện theo quy định của pháp luật. TP. Thủ Đức đang đặt mục tiêu trong tháng 1/2025 phải giải quyết dứt điểm vấn đề về mặt bằng.

Ngoài đoạn Vành đai 3 TP. HCM đoạn qua TP. Thủ Đức dự kiến thông xe dịp cuối năm 2025 thì phần còn lại của tuyến dài 33km thuộc địa bàn huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh sẽ được thông xe kỹ thuật vào cuối tháng 4/2026.

huong-tuyen-vanh-dai-3-1735873643.png
Hướng tuyến Vành đai 3 (Đồ họa: Khánh Hoàng - VNE)

Trước đó, Phó giám đốc BQL dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP. HCM (chủ đầu tư) - ông Lê Ngọc Hùng cho biết, tiến độ chung của Vành đai 3 qua địa bàn TP. HCM đã đạt khoảng 30%. Dự án bao gồm 10 gói thầu xây lắp chính, trong đó có 4 gói thầu được khởi công từ năm 2023 và 6 gói thầu triển khai trong năm 2024. Toàn bộ 10 gói thầu đều được tập trung thi công đồng loạt với các hạng mục kết cấu cầu cạn, xử lý nền đất yếu...

Dự án Vành đai 3 là tuyến đường liên vùng chạy qua địa phận TP. HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An với tổng chiều dài hơn 90km. Dự án được quy hoạch từ hơn 10 năm trước và đã hoàn thành đoạn đường dài 15,3km đoạn qua Bình Dương (Mỹ Phước – Tân Vạn). Dự kiến dịp lễ 30/4/2025 sẽ đưa vào khai thác cầu Nhơn Trạch nối TP. HCM và Đồng Nai.

Phần còn lại dài hơn 76km được các địa phương đầu tư với tổng vốn gần 75.400 tỷ đồng. Đường Vành đai 3 có quy mô 6 - 8 làn xe, ở giai đoạn 1 sẽ triển khai trước 4 làn, xây đường song hành 2 bên (không liên tục). Trong đó, mỗi địa phương thực hiện 2 dự án là xây lắp và giải phóng mặt bằng. Khi hoàn thành, toàn tuyến Vành đai 3 sẽ kết nối giao thông, tạo hành lang đô thị, công nghiệp cho 4 tỉnh thành dự án đi qua; đồng thời tác động trực tiếp tới cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.