Vấn đề bản quyền dữ liệu trong quá trình đào tạo AI vẫn luôn “nóng” kể từ khi ChatGPT ra mắt toàn cầu vào cuối năm 2022. Việc đưa ra dự luật mới được xem như một nỗ lực để minh bạch hóa vấn đề này, đem lại câu trả lời công bằng cho các nhà xuất bản, các công ty truyền thông lẫn những tác giả, người sáng tạo nội dung trên toàn cầu.
Theo nghị sĩ Schiff: “AI có tiềm năng đột phá trong việc thay đổi nền kinh tế, hệ thống chính trị và cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Chúng ta phải cân bằng tiềm năng to lớn của AI với nhu cầu thiết yếu về các hướng dẫn và biện pháp bảo vệ đạo đức”. Dự luật của ông được đưa ra nhằm bảo vệ sự đổi mới, đồng thời bảo vệ quyền và sự đóng góp của những người sáng tạo, đảm bảo công khai khi nào những sản phẩm của họ được sử dụng vào quá trình đào tạo AI. Đây là nỗ lực tôn trọng sự sáng tạo trong thời đại AI và kết hợp tiến bộ công nghệ với sự công bằng.
Sau khi dự luật được đưa ra lấy ý kiến, nhiều tổ chức như Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Mỹ (RIAA), SAG-AFTRA và WGA... đã thể hiện quan điểm ủng hộ đối với các quy định được đề xuất.
Nếu đạo luật này được thông qua, các công ty đào tạo AI sẽ cần phải gửi tất cả dữ liệu sử dụng có liên quan đến cơ quan đăng ký bản quyền ít nhất 30 ngày trước khi giới thiệu AI ra công chúng. Họ cũng phải cung cấp thông tin tương tự cho bất kỳ công cụ hiện có nào và thực hiện cập nhật nếu chúng thay đổi đáng kể các tập dữ liệu. Nếu không đáp ứng quy định, cơ quan về bản quyền sẽ đưa ra mức phạt cụ thể, tùy thuộc vào quy mô của các công ty và các vi phạm trong quá khứ,
Dự luật mới sẽ ngăn cản những công ty đào tạo AI sử dụng các tác phẩm có bản quyền, nhưng sẽ mang lại sự minh bạch về tài liệu và công bằng cho những người đã sáng tạo ra nó.
Dự luật mới thậm chí còn có thể cung cấp cho các công ty và nghệ sĩ một bức tranh rõ ràng hơn khi lên tiếng phản đối hoặc kiện vi phạm bản quyền – một vấn đề cũng đang khá phổ biến hiện nay, liên quan trực tiếp tới AI.
Trước đó, tờ New York Times đã kiện OpenAI và Microsoft vì sử dụng các bài viết của mình để đào tạo chatbot mà không có thỏa thuận, thương lượng nào. Một nhà văn khác là Sarah Silverman cũng đã kiện OpenAI và Meta vì đã sử dụng sách và các tác phẩm của cô để đào tạo các mô hình AI của họ.
Làn sóng phản đối hành động âm thầm đánh cắp dữ liệu từ các tác phẩm sáng tạo trên khắp thế giới ngày càng mạnh mẽ hơn. Cuộc đình công của SAG-AFTRA (Hiệp hội diễn viên màn ảnh) của Mỹ năm ngoái chỉ dừng lại khi các chính sách về AI được đưa vào hợp đồng liên quan đến việc sử dụng hình ảnh, giọng nói của các diễn viên. Liên minh Quyền nghệ sĩ cũng đã lên tiếng về “cuộc tấn công vào sự sáng tạo của con người cần phải được ngăn chặn. Chúng ta phải ngăn chặn việc sử dụng AI có mục đích để đánh cắp giọng nói và hình ảnh của một nghệ sĩ chuyên nghiệp, vi phạm quyền của người sáng tạo và phá hủy hệ sinh thái âm nhạc. Đã có hơn 200 nghệ sĩ ký vào một bức thư ngỏ hồi đầu tháng tư kêu gọi việc bảo vệ bản quyền cho nghệ sĩ trước sự xâm lấn của AI.