Dư nợ tín dụng bất động sản đạt khoảng 2,88 triệu tỷ đồng

Đến cuối năm 2023, dư nợ bất động sản đạt khoảng 2,88 triệu tỷ đồng. Trong đó vay kinh doanh khoảng 1,09 triệu tỷ đồng; vay tiêu dùng, tự sử dụng 1,79 triệu tỷ đồng.

Số liệu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong báo cáo gửi tới Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội, về thực hiện chính sách pháp luật về thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội giai đoạn 2015-2023 cho thấy, tình hình cấp tín dụng liên quan đến thị trường địa ốc tăng nhanh trong khoảng thời gian qua.

Đến cuối năm 2023, dư nợ bất động sản đạt khoảng 2,88 triệu tỷ đồng. Trong đó vay kinh doanh khoảng 1,09 triệu tỷ đồng; vay tiêu dùng, tự sử dụng 1,79 triệu tỷ đồng.

Sự tăng trưởng thể hiện vào số liệu tăng lên theo các năm. Cụ thể, giai đoạn 2015-2016, con số dư nợ tín dụng bất động sản chỉ rơi vào khoảng 400.000 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu khoảng 4,2%. 

tin-dung4-1713088786.png
Đến cuối năm 2023, dư nợ bất động sản đạt khoảng 2,88 triệu tỷ đồng

Năm 2017, tổng dư nợ cho vay kinh doanh bất động sản, xây dựng của hệ thống ngân hàng lên 529.000 tỷ đồng, tăng 9,21%, tỷ lệ nợ xấu cũng tăng lên 4,58%.

Từ năm 2018 đến nay, dư nợ đối với lĩnh vực bất động sản bao gồm cả kinh doanh bất động sản và mục đích tiêu dùng, tự sử dụng bất động sản luôn tăng cao.

Năm 2019 tín dụng cho vay bất động sản tăng đột biến 23,26%, đạt ngưỡng 1,6 triệu tỷ đồng, trong thời điểm dịch bệnh 2020-2021 thì dư nợ bất động sản hằng năm vẫn tăng lần lượt là 12,06% và 15,7%. Vào năm 2022 dư nợ bất động sản tăng mạnh trở lại, đạt mức 2,58 triệu tỷ đồng, tăng 23,91% so với cùng kỳ năm trước.

Cũng theo số liệu, tỷ lệ dư nợ tín dụng với bất động sản chủ yếu là dư nợ trung và dài hạn. Tín dụng với lĩnh vực địa ốc chiếm tỷ trọng 18-21% tổng dư nợ trong nền kinh tế.

Để kiểm soát dòng tiền vào lĩnh vực này, trong những năm qua, NHNN đã ban hành các thông tư 36, 22, 41 quy định tỷ lệ vốn huy động cho vay trung và dài hạn của các nhà băng từ 24-34%. 

bds-3-1713088757.webp
Vốn từ ngân hàng đổ vào lĩnh vực bất động sản không đáng lo ngại.

Trước đó, dư nợ tín dụng dành cho bất động sản ở các tổ chức tín dụng cũng ghi nhận có sự gia tăng tương đối lớn khiến nhiều người đặt ra lo ngại. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, số liệu này có tăng nhưng chưa đáng lo ngại.

Dư nợ tín dụng bất động sản tăng, nhưng vẫn còn khoảng cách khá xa so với mục tiêu tăng trưởng tín dụng ngành địa ốc năm 2023 là 14%. Điều đó thể hiện, người dân chưa dám bỏ tiền mua nhà mua đất và vẫn thận trọng, nghe ngóng tình hình thị trường hồi phục lẫn sự “thẩm thấu” của các cơ chế, chính sách đã được ban hành gần đây.

Khi bàn về vấn đề này, TS Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính – ngân hàng cho rằng ,điều này chưa đáng để quan ngại lo lắng, vì thực tế tổng dư nợ của lĩnh vực địa ốc đối với nền kinh tế vẫn ở ngưỡng an toàn và thấp hơn so với nhiều quốc gia khác trong khu vực.

Chuyên gia này phân tích, NHNN đã thực hiện việc kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực nhạy cảm. Tuy nhiên mức tăng trưởng tín dụng của lĩnh vực bất động sản trong năm ngoái chỉ đạt trên 6%, ngay cả việc đạt mức độ tăng trưởng 14% như mục tiêu đặt ra thì rủi ro tín dụng vẫn được đảm bảo. Vốn từ ngân hàng đổ vào lĩnh vực này không đáng phải lo bởi vẫn còn nhiều kênh vốn khác khả quan đang chờ để tham gia thị trường.

Dựa trên báo cáo tài chính quý IV/2023 cũng cho hay, một số ngân hàng cho vay hoạt động kinh doanh bất động sản tăng rất mạnh trong năm ngoái. Tại thời điểm cuối năm ngoái, dư nợ cho vay hoạt động kinh doanh lĩnh vực này của Ngân hàng Techcombank là 176.803 tỷ đồng, tăng gần 68.000 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái. Tại VPBank, nếu gộp cả dư nợ cho vay kinh doanh bất động sản lẫn cho vay cá nhân để mua nhà ở, nhận quyền sử dụng đất để xây nhà ở thì đã vượt 200.000 tỷ đồng...