Theo Chiến lược, tầm nhìn đến năm 2030, chúng ta sẽ phấn đấu đưa Việt Nam trở thành quốc gia thuộc nhóm các nước dẫn đầu trong khu vực và có vị thế quốc tế trong nghiên cứu, triển khai, ứng dụng và khai thác công nghệ chuỗi khối; đủ năng lực làm chủ và áp dụng công nghệ chuỗi khối trong tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, thực hiện hóa mục tiêu Việt Nam trở thành quốc gia số ổn định và thịnh vượng.
Về mục tiêu của Chiến lược, đến năm 2025 sẽ thiết lập nền tảng phát triển công nghệ chuỗi khối bằng việc hình thành Hạ tầng Blockchain Việt Nam bảo đảm tuân thủ các quy định của pháp luật về an ninh, an toàn thông tin mạng, an ninh mạng và bảo vệ dữ liệu cá nhân; hỗ trợ khả năng tương tác, tích hợp và chia sẻ giữa các chuỗi khối; hỗ trợ công tác quản lý nhà nước về hoạt động ứng dụng và phát triển chuỗi khối.
Chúng ta cũng đang hướng tới việc hình thành hệ sinh thái "Blockchain+" thông qua hoạt động ứng dụng công nghệ chuỗi khối trong các ngành, lĩnh vực như tài chính - ngân hàng, giao thông - vận tải, y tế, giáo dục và đào tạo, thương mại, logistics, bưu chính - chuyển phát, sản xuất công nghiệp, năng lượng, du lịch, nông nghiệp, cung cấp dịch vụ công và các lĩnh vực khác.
Về các mục tiêu cụ thể hơn, đến năm 2030, chúng ta sẽ củng cố và mở rộng hạ tầng chuỗi khối quốc gia cung cấp dịch vụ cả trong và ngoài nước; ban hành tiêu chuẩn về ứng dụng và phát triển chuỗi khối tại Việt Nam. Phấn đấu xây dựng được 20 thương hiệu blockchain uy tín về nền tảng, sản phẩm, dịch vụ trên nền tảng công nghệ chuỗi khối trong khu vực. Trong đó, có đại diện nằm trong Bảng xếp hạng nhóm 10 cơ sở đào tạo và nghiên cứu về chuỗi khối dẫn đầu trong khu vực châu Á.
Việt Nam cũng sẽ duy trì vận hành tối thiểu 3 trung tâm, đặc khu thử nghiệm về công nghệ chuỗi khối tại các thành phố lớn để hình thành mạng lưới quốc gia về chuỗi khối.
Chiến lược nhấn mạnh, việc xây dựng, phát triển Hạ tầng chuỗi khối Việt Nam phải đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật về an ninh, an toàn thông tin mạng, an ninh mạng và bảo vệ dữ liệu cá nhân đáp ứng đa mục tiêu, thúc đẩy ứng dụng và phát triển chuỗi khối tại Việt Nam. Việc tập hợp các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam xây dựng các nền tảng chuỗi khối (blockchain platform) sẽ góp phần thúc đẩy chia sẻ thông tin, nâng cao nội lực cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài.
Để thực hiện được các mục tiêu Chiến lược, Chương trình Hành động giai đoạn 2024-2030 cũng đề ra 5 hành động cụ thể, bao gồm: Hoàn thiện môi trường pháp lý; Phát triển hạ tầng, hình thành hệ sinh thái công nghiệp blockchain; Phát triển nguồn nhân lực cho lĩnh vực Blockchain; Thúc đẩy phát triển và ứng dụng Blockchain; Thúc đẩy nghiên cứu, đổi mới sáng tạo và hợp tác quốc tế. Trong đó, mỗi hoạt động được giao cụ thể cho các Bộ, ngành như Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Cơ yếu Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ,.. chủ trì và chịu trách nhiệm.
Chiến lược quốc gia về ứng dụng và phát triển công nghệ chuỗi khối (blockchain) đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Blockchain được định nghĩa là một trong những xu hướng công nghệ hàng đầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Việc ứng dụng và phát triển công nghệ Blockchain góp phần quan trọng xây dựng hạ tầng số tiên tiến, bảo đảm độ tin cậy và an toàn dữ liệu, góp phần tạo lập nền tảng phát triển công nghiệp công nghệ số.